Sáng nay 23.9, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã ký, ban hành Công điện 125 ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và tình hình mưa lớn.
Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi
Theo đó, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, sở, ban ngành và đơn vị liên quan chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong phương án ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tổ chức nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi (bao gồm ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ) từ 10 giờ sáng nay cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường.
|
Ngoài ra, tiếp tục thông báo cho tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn, không đi vào phạm vi ảnh hưởng hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè và phải hoàn thành trước 19 giờ hôm nay.
Tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các địa phương phát huy phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai. Triển khai lực lượng xung kích phòng ở địa phương giúp nhân dân di chuyển đến tạm trú nơi an toàn, sẵn sàng thực hiện cứu nạn cứu hộ nơi khó khăn. Kiểm tra, rà soát, chủ động di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, ưu tiên tối đa hình thức di dời, sơ tán tại chỗ, xen ghép.
Đối với địa phương miền núi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, trượt lở đất đá cần tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân chủ động di chuyển đến nơi an toàn khi quan sát khi thấy dấu hiệu bất thường như nứt đất, nứt nhà, nước chảy sườn đồi chuyển màu...
Nhiều tàu thuyền còn nằm trong vùng nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới
Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương ven biển, cửa sông rà soát đảm bảo an toàn trụ sở sơ tán tập trung, sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão.
Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn. Nghiêm cấm tàu thuyền, đò ngang, đò dọc hoạt động trên sông suối, hồ chứa nước và nơi ngập lũ sâu để chuyên chở người, hàng hóa.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam yêu cầu kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương, nhất là địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ. Người dân tự dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 - 10 ngày.
Trong khi đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết tính đến 9 giờ sáng nay 23.9, Quảng Nam có 63 tàu cá với 1.707 lao động đang hoạt động trên biển, bao gồm 47 tàu đánh bắt xa bờ với 1.578 lao động, hoạt động ở khu vực biển Trường Sa và Hoàng Sa; 16 tàu gần bờ với 129 lao động. Trong đó 4 tàu đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới.
Hiện nay các tàu cá đã nhận được thông báo về diễn biến của áp thấp nhiệt đới và đang di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các đài thông tin tìm kiếm cứu nạn thường xuyên phát các bản tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới để tàu cá chủ động phòng tránh, di chuyển.
Bình luận (0)