Ngày 8.9, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, địa phương này vừa có quyết định về việc giao quyền tự chủ tài chính đối với 37 đơn vị sự nghiệp công lập năm 2022.
Tình trạng thiếu giáo viên nên việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới gặp nhiều khó khăn |
Lã Nghĩa Hiếu |
Trong số này, có 24 trường cấp 3 và một trung tâm phải tự đảm bảo một phần chi thường xuyên; 12 đơn vị khác sẽ do ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.
Trong số 25 đơn vị phải tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, Trung tâm học nghề và giáo dục thường xuyên tỉnh Quảng Ninh có mức tự chủ cao nhất, phải tự đảm bảo 30% mức chi thường xuyên của đơn vị này.
Các trường THPT: Ngô Quyền, Bãi Cháy phải tự đảm bảo 20% mức chi thường xuyên. Có 16 trường cấp 3 công lập phải tự đảm bảo mức chi thường xuyên 15% trong năm 2022; trong đó có THPT Hòn Gai, THPT Uông Bí, THPT Cẩm Phả, THPT Trần Phú, THPT Bạch Đằng…
Trong khi đó, TP.Hạ Long đang xây dựng Đề án tự chủ một phần cho phí thường xuyên tại 5 trường THCS Trọng Điểm, Tiểu học Quang Trung, Mầm non Hoa Hồng, Mầm non Hoa Lan, Mầm non Hạ Long. Theo Đề án, cả 5 trường tự chủ 100% đối với học sinh tuyển mới.
Về mức thu học phí đối với các trường tự chủ tài chính, theo Sở GD-ĐT Quảng Ninh, địa phương này bám sát Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định có liên quan của T.Ư, của tỉnh để xây dựng định mức thu học phí đối với phần tự chủ của các cơ sở giáo dục trên địa bàn, báo cáo cấp thẩm quyền thông qua để triển khai thực hiện.
Chương trình phổ thông mới dành cho học sinh khối lớp 3 có 2 môn học bắt buộc là tin học, tiếng Anh đang gặp khó khăn bởi tình trạng thiếu hàng nghìn giáo viên |
Lã Nghĩa Hiếu |
Trong trường hợp mức thu học phí tự chủ chưa được phê duyệt, Ban Giám hiệu nhà trường công khai phương án thu đã xây dựng trong Đề án đến người sử dụng dịch vụ để họ biết, thỏa thuận, lựa chọn theo hình thức tự nguyện; thực hiện thu đủ mức học phí theo Đề án sau khi được phê duyệt, tránh phát sinh khiếu nại.
Năm học 2022-2023 là năm thứ 2 liên tiếp Quảng Ninh hỗ trợ 100% học phí cho toàn bộ học sinh đang học tại cơ sở giáo dục công lập. Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến khoảng 458 tỉ đồng, cao gấp hơn 3 lần so với tổng mức hỗ trợ năm học 2021-2022, chủ yếu do mức học phí năm nay tăng cao.
Cụ thể: khu vực thành thị, các cấp học là 300.000 đồng/học sinh/tháng; nông thôn, cấp mầm non đến THCS là 100.000 đồng/học sinh/tháng, cấp THPT là 200.000 đồng/học sinh/tháng; dân tộc thiểu số và miền núi, cấp học từ mầm non đến THCS 50.000 đồng/học sinh/tháng, cấp THPT 100.000 đồng/học sinh/tháng.
Tự chủ để giảm áp lực cho giáo viên
Bà Châu Hoài Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, cho biết năm học 2022-2023, địa phương này thiếu khoảng 2.300 giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy các bộ môn tin học, ngoại ngữ ở cấp tiểu học. Trong khi đó, mỗi năm tỉnh này tăng khoảng 10.000 học sinh vì tăng dân số cơ học.
THPT Hòn Gai bắt đầu tự chủ 15% theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh |
Lã Nghĩa Hiếu |
Trước tình hình trên, Sở GD-ĐT Quảng Ninh đã phải triển khai nhiều biện pháp “chữa cháy” như: tăng cường giáo viên cùng bộ ở cấp trên xuống cấp dưới dạy, bố trí giáo viên dạy liên trường trong cùng 1 địa bàn.
Cùng với đó, Sở GD-ĐT Quảng Ninh đang triển khai đề án tự chủ tài chính đối với 3 cấp mầm non đến THPT. Theo bà Thu, đây là giải pháp tối ưu để các trường có thể ký hợp đồng với lao động mới, giảm tải áp lực cho giáo viên khi phải dạy vượt số tiết như hiện nay.
“Các trường công lập không có nguồn thu nào khác vì không được tổ chức dịch vụ; trong khi nhà trường lại không được tuyển mới dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở một số đô thị như Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái”, bà Thu nói.
Nói về khó khăn trong việc thiếu giáo viên, theo đại diện Sở GD-ĐT Quảng Ninh, việc cắt giảm biên chế hằng năm đã làm ảnh hưởng đến biên chế, tuyển dụng giáo viên tiểu học để đảm bảo tỷ lệ dạy học 2 buổi/ngày (9-10 buổi/tuần)”.
Bên cạnh đó, công tác tham mưu tuyển dụng ở một số địa phương còn gặp khó khăn, có nơi thiếu nguồn tuyển dẫn đến thiếu giáo viên dạy bộ môn, nhất là dạy tiếng Anh, tin học. Mặt khác, tỷ lệ giáo viên/lớp hiện nay chưa đáp ứng đủ để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho tất cả các khối lớp, toàn tỉnh mới đạt tỷ lệ trung bình 1,37 giáo viên tiểu học/lớp nên việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới gặp nhiều khó khăn.
Bình luận (0)