Quảng Ninh vẫn giữ vững ngôi đầu năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Chí Hiếu
Chí Hiếu
27/04/2022 12:53 GMT+7

Đây là năm thứ 5 liên tiếp Quảng Ninh trở thành tỉnh dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Sáng 27.4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021 (PCI 2021) dựa trên khảo sát gần 11.312 doanh nghiệp (trong đó hơn 10.127 doanh nghiệp tư nhân và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI).

Quảng Ninh thể hiện tầm nhìn cải cách ấn tượng nhiều năm liền

nghĩa hiếu

Báo cáo PCI 2021 cho biết Quảng Ninh duy trì vị trí quán quân năm thứ 5 liên tiếp với 73,02 điểm trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Đứng thứ hai là Hải Phòng, lần đầu tiên nắm giữ vị trí á quân của bảng xếp hạng PCI, với 70,61 điểm.

Lần lượt ở vị trí thứ 3 và thứ 4 là Đồng Tháp với 70,53 điểm và Đà Nẵng với 70,42 điểm.

Lý giải về sự thành công của Quảng Ninh, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho biết năm 2021, tỉnh này đã luôn duy trì tinh thần chủ động, quyết liệt và đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành, rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá, công khai, minh bạch thủ tục hành chính để giảm 40 - 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Tỉnh Quảng Ninh đang hiện thực hoá cam kết đồng hành, lắng nghe và giải quyết hiệu quả các khó khăn của doanh nghiệp.

Theo VCCI, điều tra PCI năm qua diễn ra trong bối cảnh khó khăn chưa từng có do dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp vẫn đánh giá chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện.

Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực. Cùng đó, các địa phương cũng nỗ lực phòng, chống tham nhũng để giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, khi chỉ gần 21% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra. Con số này giảm khoảng 7,7% so với 2020.

Tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong đấu thầu cũng giảm hơn 3% so với 2020, còn 36,8%. Khoảng 21,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng tình trạng "chạy án" là phổ biến, giảm 2,6% so với năm 2020.

Tuy nhiên, VCCI cho rằng, chính quyền các địa phương vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa trong giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, cải cách các lĩnh vực thuế, đất đai, bảo hiểm, môi trường, xây dựng và quản lý thị trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.