Thiệt hại tiền tỉ, giá cây giống tăng cao
Cứ độ tháng 10 âm lịch hàng năm, làng quất cảnh truyền thống Tứ Liên sẽ bước vào giai đoạn lao động nhộn nhịp, sôi động nhất để chuẩn bị hàng bán dịp tết Nguyên đán. Cây quất lúc này quả còn xanh, đang độ lớn đã được cắt tỉa, uốn tạo, gò xong tán, dáng thế nhưng cần được tưới tắm, chăm bón tỉ mỉ để cho mã đẹp nhất vào những ngày tết.
Nhưng năm nay, làng quất Tứ Liên trong cảnh tiêu điều, vắng vẻ chưa từng thấy. Nhiều nhà vườn không có người lao động khi những chậu quất chết trong mưa bão số 3 đã được cắt dọn xong, đang xếp hàng chờ mua giống để trồng lại vụ mới. Nhưng cũng còn rất nhiều nhà vườn vẫn để quất chết khô trên chậu, cỏ dại mọc um tùm khi chưa thuê được lao động hoặc đang chờ xoay vốn để tái đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Hằng, đại diện Nhà vườn Huân bon sai cạnh đường đê quai Tứ Liên, cho biết mưa lớn sau bão số 3 khiến nước sông Hồng dâng lên quá nhanh. Các nhà vườn ngoài bãi ven sông Hồng dù đã chủ động, thuê cả ô tô để sơ tán cây nhưng không kịp, đành bất lực nhìn đống tài sản mình nâng niu, chăm sóc trong nhiều năm chìm nghỉm trong nước.
Dẫn chúng tôi đến đống chum, lọ gốm sứ xếp chồng chất thu hồi từ những cây quất bị chết, bà Hằng cho hay, vườn của gia đình có 4.000 cây, giá cây nhỏ bán buôn thấp nhất là 300.000 đồng/cây, loại bon sai đặc biệt là 120 triệu đồng/cây, sau trận lụt chỉ cứu được gần 200 cây. Tết này, nhà vườn có bán hết số cây này cũng chẳng đủ để mua phân bón, trả công thuê lao động.
"Vườn nhiều nhất là hàng quất bon sai trồng trong ang cùng gỗ lũa. Chi phí đầu tư cho mỗi ang, tính cả tiền cây giống, công chăm sóc dao động từ 15 - 20 triệu đồng, có chậu lên tới 50 triệu đồng. Đặc biệt, nhà vườn có 3 cây bon sai đã nuôi giữ hơn 10 năm nay. Giá mỗi cây được một doanh nghiệp tại Quảng Ninh đặt thuê chơi hằng năm là 120 triệu đồng/cây, chỉ riêng mất 3 cây này thiệt hại lên tới 360 triệu đồng. Còn tính cả 4.000 cây bị chết, thiệt hại số tiền đã đầu tư từ đầu năm đến nay khoảng 2 tỉ đồng", bà Hằng nói.
Cũng theo bà Hằng, ngoài số tiền đổ vào vụ cây đã mất trắng do ngập lụt, các nhà vườn đang phải gồng mình đầu tư số vốn rất lớn để sớm khôi phục lại sản xuất. Đối với quất trồng trong lọ, chậu đã chết, các nhà vườn đang phải thuê lao động với tiền công 500.000 đồng/ngày/người để đào móc bỏ đất, bỏ gốc cây chết, chờ trồng mới. Nhưng hiện nay, nguồn cây giống rất khan hiếm khi toàn bộ diện tích cây giống ngoài bãi giữa sông Hồng của Tứ Liên bị lũ cuốn trôi. Các nhà vườn phải tìm mua giống từ Vĩnh Phúc, Hưng Yên... giá tăng cao gấp hai lần.
"Giá cây quất giống những năm trước đây chỉ 30.000 đồng/cây nhưng năm nay chuyển về tận vườn lên tới 65.000 đồng/cây, mà vẫn rất khó mua. Nhà vườn chúng tôi cần khoảng 4.000 cây giống nhưng sau gần 2 tháng vừa qua chỉ mua được hơn 700 cây", bà Hằng nói.
Nguồn cung giảm quất sẽ bán chạy, giá tăng
Nằm trong số hộ mất tiền tỉ với gần 2.000 cây bị chết, hư hỏng trong cơn bão số 3, gia đình ông Lê Mạnh Cường, chủ vườn quất Cường Dương còn may mắn hơn nhiều hộ trồng quất ở Tứ Liên khi giữ được hơn 1.000 cây bán ra thị trường tết Nguyên đán Ất Tỵ. Dù mới đầu tháng 10 âm lịch nhưng vườn ông Cường đã mở hàng thành công khi bán được vài chục cây cho khách quen, giá từ 2 - 5 triệu đồng/cây.
Theo ông Cường, thị trường quất tết thường sôi động từ tháng 11 âm lịch trở đi, khi nhiều người đi chọn cây đẹp làm quà biếu, tặng. Nhưng năm nay, nguồn cung từ làng quất Tứ Liên bị giảm mạnh so với mọi năm, khách đi chọn cây sớm hơn, dự báo các nhà vườn sẽ bán hàng nhanh hơn và giá sẽ tăng cao hơn mọi năm.
"Nếu như cây năm ngoái bán 2 - 3 triệu đồng thì năm nay giá bán sẽ lên 3 - 4 triệu đồng để gỡ gạc cho số cây bị thiệt hại và bù đắp lại các khoản chi phí đầu tư tăng", ông Cường dự báo.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Ngô Thị Ngà, Chủ tịch Hội làng nghề quất cảnh truyền thống P.Tứ Liên, khẳng định lịch sử trồng quất ở Tứ Liên chưa bao giờ trải qua một trận lụt lớn do ảnh hưởng bão số 3 vừa qua. Nước sông Hồng dâng cao từ ngày 10 - 13.9 khiến nhiều vườn quất nằm ngoài đê quai bị chìm nghỉm, ngâm nhiều ngày trong nước. Nhiều gia đình mất toàn bộ , không còn một cây quất nào để bán tết.
Qua thống kê, ngập lụt do nước sông Hồng dâng cao sau bão số 3 khiến làng nghề quất Tứ Liên mất trắng 22 ha, chiếm 65% tổng diện tích trồng quất của toàn phường. Đặc biệt, các nhà vườn Xuân Lộc, Dương Gia, Huân bon sai... trồng loại quất nghệ thuật, quất bon sai thì thiệt hại rất lớn, có hộ mất vài tỉ đồng. Hộ thiệt hại ít nhất cũng mất từ 300 - 500 triệu đồng.
Cũng theo bà Ngà, P.Tứ Liên hiện có 500 hộ gia đình trồng quất, trong đó 70% số hộ đang vay vốn đầu tư làm nghề, với hạn mức vay theo suất lao động, tối đa là 100 triệu đồng/lao động và tổng dư nợ toàn phường tới trên 50 tỉ đồng.
"Các hộ này được vay vốn trong 3 năm, nhưng sau trận bão số 3, nhiều nhà vườn rất khó khăn. Nếu như áp dụng chính sách hỗ trợ cho diện tích thiệt hại là hoa màu các địa phương khác đang chi trả hiện nay là 2 triệu đồng/ha thì số tiền không thấm vào đâu so với thiệt hại rất lớn ở làng nghề trồng quất Tứ Liên. Đa số các hộ bị thiệt hại đều trông chờ vào các nguồn hỗ trợ và đang cố gắng xoay xở để tái đầu tư, phục hồi sản xuất. Vừa qua, chúng tôi có kiến nghị lên UBND Q.Tây Hồ đề xuất UBND TP.Hà Nội cơ chế hỗ trợ lãi suất, khoanh giãn nợ cho các hộ bị thiệt hại và đang chờ quyết định chính thức tại cuộc họp HĐND TP.Hà Nội trong tháng 11 này", bà Ngà chia sẻ.
Bình luận (0)