Quay về miền Đông

Dư Văn
Đắk Nông
09/12/2023 15:00 GMT+7

Trên quốc lộ 14, chiếc ô tô màu bạc đang đưa gia đình tôi quay trở lại vùng đất của những ngày cũ – những ngày tôi còn trong bụng mẹ, tôi được sinh ra và tôi đã chập chững bước đi.

Bình Phước đối với tôi là một phần mờ ảo của tuổi thơ, tôi không nhớ rõ mọi thứ nhưng tôi cảm nhận được hơi thở nong nóng nhè nhẹ của vùng đất nơi đây, tôi ngửi được mùi cao su tán ra lan rộng từ những giọt mủ trắng hòa vào không gian miền Đông đầy thương nhớ, và có lẽ cảm giác này đã bắt đầu khi tôi khẽ chạm vào vết xước hồi ức. Một làn gió kỷ niệm thổi về, nó thoang thoảng nhưng nồng nàn, mơ hồ nhưng nụ cười tôi lại rất rõ ràng đi qua từng mảnh ký ức không trọn vẹn.

Quay về miền Đông - Ảnh 1.

"Không phải mẹ tôi ghét Bình Phước, cũng chẳng phải mẹ tôi căm thù gì nơi này, chỉ là ba tôi bảo nơi đây chứa nhiều nước mắt của mẹ, cũng chính vì thế nên ba mới quyết định đưa mẹ rời đi..."

TGCC

Gia đình tôi rời đi khỏi miền Đông cũng ngót nghét được 24 năm, thi thoảng ba có về thăm nội, tôi và hai em tôi cũng có về cách đây vài năm, nhưng mẹ tôi thì không. Không phải mẹ tôi ghét Bình Phước, cũng chẳng phải mẹ tôi căm thù gì nơi này, chỉ là ba tôi bảo nơi đây chứa nhiều nước mắt của mẹ, cũng chính vì thế nên ba mới quyết định đưa mẹ rời đi.

Thú thật, tôi luôn hiếu kỳ rằng mẹ đã khóc vì điều gì, nhưng mỗi lần tôi nhắc đến mẹ chỉ trả lời gọn gàng: "Mẹ không muốn qua!". Tôi cũng đã có lúc hiếu kỳ đến mức hỏi mẹ: "Hay mẹ ghét nội?", mẹ chỉ mỉm cười: "Không, mẹ thương nội con mà!". Tôi nhìn sang mẹ đang nhìn vô định ra cửa sổ ô tô không chớp mắt, tôi hiểu rằng chắc mẹ đang có nhiều lo lắng, nhiều bất an và nhiều hoài niệm không vui khi quay lại nơi này, nhưng mà… cuối cùng mẹ đã lựa chọn quay lại, mẹ không né tránh nơi này nữa, có thể mẹ đã tha thứ cho "ai đó" hoặc "chuyện gì đó" rồi chăng?

Xe dừng, đến nhà nội. Ba con tôi bước xuống xe mà chẳng hề thấy lạ lẫm, còn mẹ tôi thì khác, mẹ nhìn xung quanh, mẹ nhìn căn nhà gỗ màu xanh dương thời trước đã hóa thành căn nhà xi măng cốt thép chắc chắn. Mẹ nhìn xuống dưới đất nay đã được đổ bê tông, bước vào nhà nội cũng là gạch hoa chứ chẳng phải là nhà đất nữa. Ba tôi gọi nội: "Mẹ ơi! Nhà con qua tới rồi!", nội tôi từ sau nhà chân thấp chân cao đi vào, nội cười hớn hở. Mẹ tôi đi vào sau, nội nhìn mẹ, rướm nước mắt, nội đi từ từ tới ôm mẹ, mẹ khóc. Mọi thứ đứng lại ở đó, tôi cũng bồi hồi theo.

Hôm đó, tôi ra chợ cùng mẹ. Rời nơi đây đã bao năm mà người trong chợ ai nấy đều nhớ mẹ, có người họ còn nhận ra cả tôi. Cô bán thịt heo vừa nhìn thấy mẹ liền hét lên: "Ôi con Thu! Mày đi bao năm mà giờ mới về à? Mày không nhớ quê à?", mẹ tôi mới cười chưa kịp trả lời, anh chồng đứng kế bên liền bảo: "Quê chồng nó chứ phải quê nó đâu! Mắc gì phải nhớ Thu hì", rồi chú cười vui vẻ. "Lâu lắm rồi mới nghe lại tiếng anh Sáu nói giỡn, nói chứ em cũng nhớ nhưng mà cũng bận quá nên có thời gian nhớ đâu, giờ nhớ dữ lắm mới về nè anh!", mẹ tôi đã trả lời như thế, mẹ nói chuyện với mọi người tự nhiên như thể chưa bao giờ rời khỏi đây.

Hóa ra những người con của vùng đất này vẫn ở đó, vẫn không thay đổi, vẫn giữ trong mình nét chất phác, thật thà và thân thiện như thế, mẹ tôi cười sảng khoái như thuở còn trẻ - chắc là cái thuở mà mẹ mới về Bình Phước làm dâu. Đột nhiên, một bà bán tạp hóa xởi lởi chạy ra đưa tôi bịch bánh: "Trời! Bông bưởi bữa nay lớn dữ hen!", tôi và mẹ đều quay sang nhìn. Về đây vài lần nhưng tôi nào có ra chợ, tôi toàn ở trong nhà nội hết xem tivi rồi lại chơi game, hết chơi game lại lục quà bánh mà nội đã mua sẵn về ăn, tôi không ngờ được là ngoài căn nhà của nội vẫn còn có người nhớ đến tôi.

Mẹ tôi vui sướng ôm chầm lấy bà tạp hóa: "Dì Phiên!", hai người hỏi thăm nhau rối rít. Chuyến này về quê có lẽ là mẹ sẽ khó mà rời đi, tôi nghĩ bụng. Cũng hôm đó tôi được nghe mẹ kể, hồi đó mới về làm dâu, lần đầu đặt chân vào miền Đông mẹ rất lo lắng. Mẹ sợ không hòa nhập được văn hóa ở đây, nhưng mà không ngờ mọi người lại chào đón mẹ rất nồng nhiệt. Thời đó còn túng thiếu, mẹ mà ra chợ là toàn được cho không, chứ ít khi nào họ cho mẹ trả tiền. Âu cũng vì lúc đó ba chỉ là công nhân cạo mủ cao su, gia đình cũng chẳng khá giả nên cứ là người trong thôn thì chẳng ai tính toán với ai điều gì.

Cái thời mẹ còn mang bầu tôi, giò heo là toàn của chú Sáu, bà Phiên thì cứ cho sữa bột suốt, bà cũng chính là người bế bồng tôi nhiều nhất sau ba, mẹ và bà nội. Mẹ bảo lúc ấy tôi trắng lắm nên bà Phiên gọi tôi là "Bông Bưởi", cứ sáng ra gặp mẹ bế tôi đi chợ là bà Phiên cứ: "Bông Bưởi ơi, Bông Bưởi à".

Tôi thắc mắc: "Mẹ quý con người nơi đây đến thế tại sao bao năm qua mẹ không về?", mẹ tôi buồn buồn rồi thốt lên: "Vì anh trai con mất ở nơi đây!". Tôi ngỡ ngàng, tò mò và xuất hiện rất nhiều câu hỏi trong đầu, nhưng mà có lẽ với lứa tuổi khá trưởng thành như giờ, tôi kiềm chế được bản thân mình, tôi không hỏi gì nữa, tôi sẽ biết câu chuyện này ở một dịp nào đó! Mẹ tôi nói tiếp: "Nhưng mà mẹ yêu nơi đây lắm, mẹ đã sai khi nghĩ rằng quay về đây sẽ khiến mẹ nhớ lại những chuyện không vui, mẹ quên mất những kỷ niệm đẹp vẫn còn rất nhiều và… anh con cũng là một kỷ niệm đẹp! Con người miền Đông mình như có phép thuật vậy, mẹ cảm giác như được sống lại những ngày còn trẻ khi được gặp họ. Đáng lẽ, mẹ nên về thăm quê sớm hơn, phải không?".

Tôi nhìn mẹ gật đầu cười, có lẽ hoài niệm tốt đẹp chính là một loại sức mạnh phi thường nào đó khiến người ta quên đi những nỗi đau – và người miền Đông, họ làm được điều đó!

Quay về miền Đông - Ảnh 2.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.