Quê càng nghèo, niềm thương nỗi nhớ lại càng giàu…

Nguyên Vân
Nguyên Vân
20/01/2021 09:00 GMT+7

Đó là đúc kết của nhà thơ Thanh Thảo khi chia sẻ về cuộc thi Thương nhớ miền Trung mà ông là thành viên Ban giám khảo vòng chung khảo.

Hàm súc mà thấm đẫm tình quê
Theo nhà thơ Thanh Thảo: “Tất cả rồi sẽ ra đi, chỉ tình yêu thương còn lại. Và còn lại, là những hình bóng thân yêu nhất: hình bóng quê nhà. Miền Trung là một dải đất kỳ lạ, có lẽ là kỳ lạ nhất VN. Nơi biển và núi giao hòa, nơi núi nhoài ra tận biển, còn đồng bằng như một dải lụa hẹp, đẹp mà day dứt. Những người con của dải đất hẹp ấy, nơi đủ cả bão lụt gió mưa sạt lở, lại luôn được bồi đắp tâm hồn mình bằng những yêu thương bình dị nhỏ bé nhất, để khi lớn lên rồi đi học đi làm tận những miền xa, vẫn không sao nguôi được nỗi nhớ quê nhà. Quê càng nghèo niềm thương nỗi nhớ lại càng giàu, ký ức luôn đầy chặt những hình ảnh những dáng dấp nơi mình sinh ra…”.

Kết quả:

- 1 giải nhất: Bóng râm giữa “sa mạc” - Văn Hiến (Ninh Thuận)
- 1 giải nhì: Một đời lá nén muối rang - Ny An (Quảng Nam). (BTC đã rút 1 giải nhì do vi phạm quy cách tác phẩm dự thi)
- 3 giải ba: Nơi miền đất khát - Khánh Liên (Ninh Thuận); Ai về Phan Thiết - Hoàng Mai (London, Anh); Mẹ gánh con đi - Trần Thị Tú Ngọc (Hà Tĩnh)
- 10 giải khuyến khích: Những bến đò ngang qua sông Hương - Phi Tân (Thừa Thiên-Huế); Tiếng chim quê ngoại - An Sinh (Gia Lai); Chợ quê mùa lụt - Trần Như Hoàng (Thừa Thiên-Huế); Tiếng trống làng mùa lũ - Thanh Ling (Quảng Trị); Ngôn ngữ đất - Trần Quốc Toàn (Bình Định); Ngọn đèn dầu quê… - Lê Đức Đồng (Sóc Trăng); Những chuyến nguồn của mẹ - Phan Đình Dũng (TP.HCM); Ngóng biển - Lê Ngọc (Hà Nội); Thương mùa mưa thơ dại - Nguyễn Hữu Tấn (Nhật Bản); Mấy mùa củi ướt ai về mà hong - Nguyên Hậu (Phú Yên)
- Giải bài viết được bạn đọc yêu thích (tổng lượt like và view trên Thanh Niên Online): Người miền Trung là thế - Nguyễn Xuân Phương (TP.HCM).  
Có lẽ vì thế mà cuộc thi viết Thương nhớ miền Trung (diễn ra từ 21.6 - 31.10) thu hút đông đảo bạn đọc tham gia, với 1.102 bài dự thi từ các tác giả trong và ngoài nước. Tại lễ tổng kết - trao giải chiều qua 19.1 tại tòa soạn Báo Thanh Niên, TP.HCM, nhà báo Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho biết: Những bài viết có chất lượng đã được Ban giám khảo vòng sơ khảo chọn đăng trên báo in, cũng như chuyên mục Thương nhớ miền Trung trên Thanh Niên Online, với tổng cộng 261 bài (tất cả đều được trả nhuận bút theo quy định); bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng đã phát hành sách Thương nhớ miền Trung (Báo Thanh Niên - Vanlangbooks - NXB Hồng Đức) với 100 bài viết được chọn lọc từ 1.102 bài dự thi.
Về chất lượng bài thi vào vòng chung khảo, nhà văn Anh Khang - giám khảo thế hệ 8X, nhìn nhận: “Mỗi bài viết đều rất hàm súc, cô đọng về câu chữ, nhưng lại thấm đẫm tình yêu quê hương”. Anh cũng “Cảm ơn Báo Thanh Niên vì đã cho Khang một cơ hội quý giá để có thể được đi du lịch miền Trung qua văn chương, và được chính các “hướng dẫn viên địa phương” là những độc giả dự thi dẫn dắt mình đi khắp mọi nẻo đường ở dải đất nắng gió thương khó nhất của Tổ quốc. Những món ăn đặc trưng của xứ sở này, những thị trấn oằn vai chật vật với bão lũ, những tỉnh thành nghe tên đã đi vào huyền thoại..., tất cả đều hiện lên chân thật, rõ mồn một từng đường nét qua lời kể đầy cảm xúc của các bài dự thi Thương nhớ miền Trung”. Anh Khang cũng nói vui rằng, sau cuộc thi này, anh lại càng nhận ra một điều: bạn đọc của Báo Thanh Niên hầu như ai cũng văn hay chữ tốt, tâm tình sâu lắng và đều là những cây bút xuất sắc kiêm hướng dẫn viên du lịch tận tình khi nhắc về quê hương.
Quê càng nghèo, niềm thương nỗi nhớ lại càng giàu…

Các tác giả nhận giải nhì và giải ba

Viết để thỏa nỗi nhớ quê, để hy vọng và… thanh thản đầu óc

Ny An, tác giả đoạt giải nhì, là một người con của miền Trung, kể rằng đã biết thông tin cuộc thi từ rất sớm, nhưng lại tham gia muộn, vì “vẫn loay hoay không biết, miền Trung trong tôi có gì”. Theo Ny An, “khi nhắc đến miền Trung, người ta hay nghĩ đến gió Lào, cát trắng, nắng hạn, bão lũ, và tính cách tiết kiệm đến nỗi bị hiểu lầm là “keo kiệt”. Đó là mẫu số chung. Tôi muốn tìm cái gì đó vừa giống vừa khác một chút xíu. Và rồi tôi nhớ đến hương vị quê. Vì với tôi, khi ở giữa Sài Gòn, đôi khi nỗi nhớ nhà là lúc mình thèm quay quắt những món ăn quê mình. Và tôi nghĩ, mùi hương món ăn thuở nhỏ mới chính là “dư vị” đọng lại lâu nhất trong trí nhớ con người”.
Trong chương trình, Ban tổ chức có mini-game với hình thức trắc nghiệm kiến thức về miền Trung cho các bạn sinh viên (đến từ Trường đại học Nguyễn Tất Thành) và các tác giả tham dự.
11 người trả lời đúng và nhanh nhất đã được nhận quà của chương trình là sạc dự phòng Realme power bank 2 (ảnh). 
Cũng cần nói thêm, trong cuộc thi Thành phố tôi yêu viết về Sài Gòn - TP.HCM trước đó, Ny An đã tham dự, “nhưng trong những con chữ cho Sài Gòn, lại vẫn mang dáng dấp nỗi nhớ quê. Tôi vẫn tự nhận rằng mình không đủ yêu Sài Gòn. Vì bao nhiêu tình cảm có lẽ tôi đã dành cho miền Trung cả rồi”. Cũng vì gửi bài muộn, nên Ny An cho biết cô đọc gần như hết các bài dự thi được đăng trên chuyên mục Thương nhớ miền Trung. “Có những bài viết tôi khá ấn tượng, thích đến nỗi tự tìm hiểu tác giả đó là ai và đề nghị kết bạn trên Facebook. Ví như bài Mấy mùa củi ướt ai về mà hong của chị Nguyên Hậu, hay bài Giọng mẹ à ơi của tác giả Nguyễn Tấn Ái, Ngôn ngữ đất của tác giả Trần Quốc Toàn. Thật sự cuộc thi có nhiều bài viết chất lượng từ những cây viết có tên tuổi. Đứng trước những cây bút kỳ cựu như vậy, tôi cũng hơi lo lắng. Giải thưởng này, tôi vẫn nghĩ, chắc còn là cái duyên, là may mắn…”.
Với tác giả đoạt giải nhất - Văn Hiến, cũng là một người con miền Trung, “Bóng râm giữa “sa mạc” là bài viết về chính mảnh đất quê ngoại tôi, nơi tôi gắn bó cả tuổi thơ mình”. Theo cô, “Ninh Thuận vốn được biết là vùng khô hạn bậc nhất nước. Nhưng ít ai biết, giữa lòng “sa mạc” ấy, chúng tôi vẫn được thiên nhiên ưu ái tặng cho đất yêm, vùng cát trắng chứa bên dưới những mạch nước ngầm”. Chọn viết về đất yêm, Văn Hiến muốn viết về hy vọng. Bởi “trong khó khăn, khắc nghiệt, hy vọng sẽ là đôi cánh, là điểm tựa để con người vững chãi bước tiếp. Tôi cũng muốn viết về ông ngoại, người thầy lớn của tuổi thơ tôi, linh hồn, chỗ dựa tinh thần của gia đình tôi mãi cho đến bây giờ”, cô thổ lộ.
“Tôi tình cờ biết được cuộc thi qua một người bạn văn. Được chị khuyên tham gia. Tôi không nghĩ mình lại đoạt giải cao nhất. Giải thưởng này, giống như một món quà văn chương tặng tôi, trong giai đoạn tôi cần nhiều mạnh mẽ nhất. Tôi cảm thấy mình rất may mắn. May mắn vì tôi có thể viết. Và vì tôi có đất yêm”, tác giả Văn Hiến chia sẻ.
Trong khi đó, tác giả An Sinh - đoạt giải khuyến khích thổ lộ rằng: “Hiện nay tuổi đời tôi cũng kha khá rồi, nên viết đối với tôi chủ yếu là để thanh thản đầu óc và vẫn thấy mình còn được sáng tạo. Tôi nghĩ mình viết để có chút kỷ niệm gì đó để lại cho con cháu…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.