Sau câu nói: “Anh nuôi em!”
Câu chuyện gây “bão” trên mạng xã hội vì chuyện tình quá đỗi đặc biệt cũng như ý tưởng khởi nghiệp táo bạo của cặp đôi này. Theo xác minh, chị Đỗ Thị Thu Thủy (25 tuổi, quê Vĩnh Phúc) chia sẻ câu chuyện trên trong chiến dịch cộng đồng: Thử thách “Từ bếp nhỏ đến ước mơ to” do nhóm Yêu Bếp (Esheep Kitchen Family) tổ chức. Chuyện tình khởi nghiệp này nhận được hàng nghìn lượt thích, chia sẻ, từ cư dân mạng.
Anh chị đang dần thành công với khởi nghiệp bán dao ở quê |
NVCC |
Trao đổi với Thanh Niên, chị Thủy kể mình từng là trưởng phòng dự án tại một công ty giáo dục trực tuyến tại Hà Nội. Sau khi mẹ mất, chị thấy mình có vấn đề tâm lý và không thể ở lại Hà Nội được nên quyết định về quê Vĩnh Phúc sống với bố. Dù vậy, tình yêu đối với công việc khiến chị có đủ động lực để mỗi ngày đi, về hơn 100 km Vĩnh Phúc - Hà Nội để đến công ty. “Ấy vậy mà có một ngày, sau khi bị sếp mắng, tự dưng tôi thấy thèm cuộc sống tự do ghê gớm. Tôi ước được ở nhà nấu ăn, kiếm việc gì làm cũng được, miễn là không bị ai mắng, không bị ai dí deadline (thời hạn cuối)”, cô gái bày tỏ.
Hiện cặp đôi có cuộc sống hạnh phúc, sắp chào đón thành viên mới |
Chị tâm sự điều ấy với anh Vũ Đăng Khoa (29 tuổi) là người yêu chị mới quen được 2 tuần qua một app hẹn hò. Nghe xong, anh bảo: “Nếu muốn nghỉ việc thì cứ nghỉ, anh nuôi em được”. “Nghe xong, bao nhiêu khôn ranh bỗng mất hết sạch, tôi đã tin. Thế là tôi nghỉ việc ở nhà chơi 1 tuần với 100 tờ 100.000 đồng được người yêu tặng. Thực ra đó cũng chỉ là cái cớ để nghỉ việc, vì lúc đó, tôi cũng dự định sẽ tìm việc mình tự làm chủ”, chị cười kể thêm. Khi đó, anh Khoa có nhà Hà Nội, đang làm ngân hàng nước ngoài với mức lương lý tưởng và sống thoải mái. Khi chị có mong muốn được sống và làm việc ở quê, bất ngờ anh Khoa quyết định bỏ việc ngân hàng, bỏ nhà thành phố cùng chị về quê Vĩnh Phúc lập nghiệp lại từ đầu.
Thành công bất ngờ từ... bán dao nhờ cư dân mạng
“Quen nhau qua mạng, rồi gặp nhau cũng chưa bao lâu vì thương cô ấy, nên tôi sẵn sàng bỏ thành phố để về lập nghiệp ở quê”, anh Khoa nói về quyết định táo bạo của mình. Đầu năm 2021, anh chị chính thức trở thành 2 người thất nghiệp về quê. Khi cả hai tiêu gần hết tiền thì anh Khoa tâm sự bố mẹ có xưởng rèn ở quê làm dao, anh muốn bán hàng của bố mẹ và đưa sản phẩm quê anh ra thị trường lớn hơn. Đặc biệt, anh nói vui là nhập hàng của bố mẹ bán thì lời 100% (không cần trả vốn). “Thế là chúng tôi chở nhau bằng xe máy mỗi ngày về quê cách nhà trọ chừng 20 km để lấy hàng. Từ cô gái tuyên bố chỉ mang giày cao gót và mặc đồ công sở, hơn năm nay tôi chỉ xỏ tông lào, mặc quần đùi tiện kinh doanh. Người yêu của tôi, từ nhân viên ngân hàng giờ về quê làm ông giáo làng kiêm shipper”, chị cười kể.
Ban đầu việc buôn bán gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19 cũng như chưa tiếp cận được thị trường, có những lúc anh chị gặp khủng hoảng lớn. Dù vậy, họ không bỏ cuộc. Anh chị tạo riêng một thương hiệu cho sản phẩm dao của mình. Chủ động lan tỏa nó không chỉ bằng kênh mua bán truyền thống mà còn ở các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… Bố mẹ anh Khoa sản xuất và hỗ trợ vốn nhập hàng thời gian đầu. Bố ruột chị Thủy làm hộp để chị gói hàng. Trung bình mỗi con dao anh chị bán từ 100.000 - 300.000 đồng, tạo thêm những bộ dao nhiều công năng giá 400.000 - 500.000 đồng/bộ. “Sau khi chia sẻ bài viết lên nhóm, bất ngờ rất nhiều người ủng hộ chúng tôi nên đặt mua sỉ. Do đó, 2 tháng qua thu nhập khá ổn, trung bình mỗi tháng doanh thu 200 triệu đồng”, cô chủ bật mí.
Tháng 8.2021 anh chị chính thức kết hôn, hiện đang chuẩn bị chào đón thành viên mới. Với thu nhập hiện tại đã giúp hai vợ chồng có cuộc sống khá thoải mái và thấy hạnh phúc vì tạo ra được công việc cho rất nhiều người. “Hiện tôi cũng có mở một trung tâm giáo dục ở quê, làm song song với công việc kinh doanh dao”, anh Khoa bày tỏ.
Bình luận (0)