Quẹt xe rồi vô tâm bỏ đi: Nạn nhân 17 năm sống cảnh khuyết sọ

25/04/2021 12:34 GMT+7

Anh Bùi Văn Cam bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não nặng, phải gửi hấp hộp sọ. Nhưng vì quá nghèo, anh không có tiền ghép, chấp nhận sống với nửa hộp sọ bị khuyết. Còn người gây tai nạn thì biệt tăm. Một cuộc đời chính thức thay đổi vì sự vô tâm tàn nhẫn ấy.

17 năm sống khuyết sọ

Tìm đến nhà anh Bùi Văn Cam (36 tuổi, ngụ ấp Thạnh Thới, xã Đông Thạnh, H.Châu Thành, Hậu Giang), tôi bắt gặp hình ảnh người thanh niên với nửa bên sọ bị khuyết đang gồng mình ngồi dậy nơi chiếc giường nhỏ di chuyển sang xe lăn để tự đẩy đến bếp nấu cơm.
Anh Cam chia sẻ bản thân sống trong nghịch cảnh, cô đơn bởi cha mẹ bỏ rơi, được bà nội cưu mang từ lúc còn bé nhưng bà đã mất cách nay 4 năm. Giờ căn nhà chỉ còn một mình anh nên hầu như mọi việc anh đều phải tự lo, từ vệ sinh cá nhân, nấu ăn…
Anh Cam trước đây là một thanh niên khỏe mạnh bình thường. 17 năm trước, không may trong một lần đi làm phụ hồ, anh bị tai nạn giao thông. Đầu anh đập mạnh xuống đường, bị dập một bên, phải cưa hộp sọ đem nuôi. Do không có tiền ghép sọ, anh đành chấp nhận sống với nửa hộp sọ bị khuyết cho đến nay.

Bị di chứng sau tai nạn khiến chân tay anh Cam co quắp, ảnh hưởng đến di chuyển và sinh hoạt hằng ngày

Trong từng lời nói đứt quãng, anh vẫn nhớ như in lúc bị tai nạn: “Trên đường đi làm về, khi trời nhá nhem tối, tôi bị xe từ phía sau chạy tới đụng phải, người gây tai nạn đưa đến bệnh viện rồi bỏ trốn. Vì bị chấn thương sọ não nặng nên phải cắt hộp sọ đem hấp. Nhưng suốt 17 năm, tôi chấp nhận sống với sọ khuyết bởi không có tiền ghép”.
Di chứng hiện tại với anh quá khủng khiếp, từ một người khỏe mạnh tự nuôi sống bản thân, giờ tay chân anh co quắp, khó cử động, lời nói cũng đứt quảng, thều thào khó nghe.

Chân tay co quắp nên anh gặp khó khăn trong di chuyển, phải ngồi xe lăn

“Tôi không có tiền nuôi sọ hằng tháng. Việc ghép sọ cũng chỉ khoảng vài năm nếu trễ thì sọ cũ sẽ không thể ghép lại được. Mặc dù biết như thế, nhưng không có tiền, đành ngậm ngùi bỏ một phần thân thể vậy. Giờ tôi biết chỉ còn có thể ghép sọ nhân tạo, nhưng chi phí quá lớn”, anh Cam chia sẻ.
Anh hỏi tôi: “Không biết nếu ghép não được, chân có đi lại được không?” khiến tôi không kiềm được nước mắt. Ai thấy hoàn cảnh của anh đều chua xót bởi quá đỗi bi thương.

Một phần hộp sọ mãi mãi không thể ráp lại bởi anh không có tiền

"Cam có nghị lực phi thường lắm"

"Lúc trước bà nội còn sống, hai bà cháu nương tựa nhau, dù cuộc sống vất vả thế nào, nhưng vẫn thấy vui. Khi tôi bị tai nạn, nội lo từng li từng lí. Tôi nhớ khoảng thời gian đó lắm, giờ nội mất rồi, đến việc hằng ngày ra chăm sóc, lau chùi mộ cho nội phía trước nhà cũng lắm khó khăn”, anh Cam vừa nói vừa rưng rưng nước mắt.
Hiện, anh sống nhờ vào tiền bảo trợ xã hội của địa phương mỗi tháng 405.000 đồng, cùng với đó là sự chung tay giúp đỡ của mạnh thường quân.

"Khi tôi bị tai nạn, nội lo từng li từng lí. Tôi nhớ khoảng thời gian đó...", anh Cam tâm sự

Nhờ nghị lực phi thường, anh Cam tự mình lo cho bản thân từ việc vệ sinh cá nhân đến nấu ăn

Để tự lo bản thân, anh đã cố gắng từng ngày để tập vận động tay chân, nhờ đó một cánh tay anh có thể cử động được, nhưng chân thì vẫn mãi không thể di chuyển được nữa. Cả phần đời còn lại phải gắn liền với chiếc xe lăn.
Tuy sống trong nghịch cảnh, nhưng lúc nào anh Cam cũng lạc quan. Chỉ vào bếp, anh Cam cười tươi: “Hôm nay mới mua được khô từ xe đẩy bán hàng, làm được món khổ qua khô cá. Mấy nay xin được con chó nhỏ, con gà cũng mới đẻ được mấy trứng, có chúng bầu bạn vậy mà vui”.
 Anh Nguyễn Hoàng Nam (35 tuổi, người giúp đỡ anh Cam nhiều năm nay) cho biết: “Cam  có nghị lực sống phi thường lắm. Sống trong nghịch cảnh từ bé, rồi mất mát người thân và tai nạn mất hoàn toàn khả năng lao động nhưng khi gặp anh, điều mọi người nhìn thấy không phải là sự bi lụy mà là sự lạc quan, yêu đời".

Anh Cam ngồi thẫn thờ nhìn về phía mộ bà nội vì nhớ thương

Anh vẫn luôn lạc quan và cố gắng tập luyện mỗi ngày để có thể cử động tốt hơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.