Quốc hội 'nóng' với giá xăng dầu, sách giáo khoa

09/06/2022 05:40 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội liên tiếp tranh luận với trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi ông nói nhà nước phải can thiệp giá xăng ; còn với giá sách giáo khoa thì hiện chưa có cơ sở để bình ổn.

Nghiên cứu giảm thuế để giảm giá xăng, dầu

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nêu thời gian qua giá xăng, dầu thế giới diễn biến phức tạp và hiện đứng ở mức cao. ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về việc tiếp tục giảm các khoản thuế đang thu vào xăng, dầu từ đó giảm giá xăng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Trả lời ĐB, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói giá xăng dầu trong nước hiện tăng cao, song các nước xung quanh VN thì giá xăng, dầu tại Lào cao hơn giá tại VN từ 10.000 - 11.000 đồng/lít, của Thái Lan và Campuchia cũng cao hơn từ 2.000 - 3.000 đồng/lít. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện nay có giảm các loại thuế với xăng, dầu hay không thì thuộc thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội (QH) và QH.

“Trước mắt chúng tôi sẽ đánh giá tác động và sẽ báo cáo với Chính phủ để trình với Thường vụ QH và QH để có thể giảm thuế trong xăng dầu, để giảm giá xăng, dầu xuống. Tuy nhiên, chúng ta phải thực hiện một chính sách đồng bộ. Nếu chúng ta chỉ giảm thuế để giảm giá xuống mà vẫn để buôn lậu xảy ra thì vô hình trung là dòng tiền của chúng ta lại chạy sang Lào, sang Campuchia, sang Thái Lan”, ông Phớc nói.

Bộ trưởng Phớc cũng cho biết trước đây Bộ Tài chính định có văn bản đề nghị QH ủy quyền cho Thường vụ QH quyết định thuế trong xăng dầu linh hoạt, bởi QH phải 6 tháng mới họp 1 lần. Tuy nhiên, sau khi đối chiếu Hiến pháp thì thấy các quy định về thuế phải theo quy định của pháp luật, nên chỉ khi được QH đồng ý mới có cơ sở để trình việc giảm thuế.

Trước phần trả lời này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính rà soát lại các loại thuế và phí của xăng, dầu xem cái nào là trách nhiệm của QH, cái nào là Thường vụ QH và cái nào là của Chính phủ. Bên cạnh đó, Chủ tịch QH cho rằng ngoài thuế thì có thể hỗ trợ trực tiếp cho những đối tượng bị tác động như ngư dân đánh bắt xa bờ, lĩnh vực giao thông hay người nghèo, người thu nhập thấp… “Chúng ta phải nghiên cứu một cách toàn diện các công cụ và các giải pháp. Vì giá phải quản lý theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước. Đề nghị bộ trưởng chỉ đạo để rà soát kỹ hơn”, Chủ tịch QH nói.

Tranh luận, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nói không đồng ý với trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính vì cho rằng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN không nên can thiệp quá nhiều vào giá xăng, dầu.

“Ở đây có rất nhiều doanh nghiệp, cả doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Nếu chúng ta giảm cái này nó lại ảnh hưởng đến xuất khẩu và các cái khác. Cho nên, tôi nghĩ sự can thiệp cũng đúng mức. Chúng ta không cố gắng để giá rẻ nhất so với các nước xung quanh”, ĐB Thân nói. Trả lời ĐB, Bộ trưởng Phớc cho rằng xăng, dầu là mặt hàng bình ổn giá, nên đến lúc nào đó thì nhà nước phải can thiệp để giảm giá. Tuy nhiên, ông Phớc thừa nhận giảm đến mức nào thì phải đánh giá tác động.

ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình)

“Tiền của dân nghèo cũng rất quý, thưa bộ trưởng”

Chất vấn về giá sách giáo khoa, ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) cho biết hơn 2 năm trước, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Bộ GD-ĐT đã kiến nghị Bộ Tài chính rà soát luật Giá để xem xét bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá, nhưng đến nay bộ chưa hoàn thành. “Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của bộ và đến khi nào bộ hoàn thành kiến nghị này để người dân yên tâm vì còn 2 tháng nữa các em học sinh bước vào năm học mới?”, ĐB Dao nêu.

Xe tặng bệnh viện chống dịch phải đóng thêm 600 triệu tiền thuế

ĐB Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) cho biết trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, Mặt trận Tổ quốc TP.HCM được tặng rất nhiều xe cứu thương nhập từ nước ngoài hỗ trợ công tác chống dịch. Mặt trận đã đề nghị các bộ, ngành liên quan miễn, giảm thuế với những xe cứu thương được tặng này, nhưng không được đồng ý.

“Một xe cấp cứu tặng cho bệnh viện trị giá khoảng 5 tỉ đồng doanh nghiệp vẫn phải đóng thêm 600 triệu đồng tiền thuế để nhập xe về”, bà Châu nói và đề nghị Bộ Tài chính đưa những trang thiết bị tặng phục vụ chống dịch, trong trường hợp khẩn cấp vào những danh mục miễn giảm thuế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận quy định này chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là trong chống dịch nên sẽ tiếp thu để sửa.

ĐBQH Tô Thị Bích Châu: "Một xe cứu thương tặng bệnh viện chống dịch phải đóng thêm 600 triệu tiền thuế"

Trả lời ĐB, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói sách giáo khoa không phải mặt hàng nhà nước định giá mà doanh nghiệp sản xuất sách giáo khoa tự quyết định giá và kê khai giá với Bộ Tài chính. Người mua sẽ lựa chọn để mua chỗ nào tốt nhất, giá rẻ nhất. “Nhà nước chỉ thẩm định giá đối với những loại sách hay đối với những loại sản phẩm được mua bằng ngân sách của nhà nước”, ông Phớc nói.

Với đề nghị bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá, ông Phớc nói Bộ trưởng Tài chính và Bộ GD-ĐT đã thống nhất báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ để đề xuất đưa sách giáo khoa vào danh mục định giá khi sửa luật Giá sắp tới. Tuy nhiên, ông Phớc nhấn mạnh: “Việc có được đưa vào hay không là thẩm quyền của QH”.

Tranh luận với Bộ trưởng, ĐB Châu Quỳnh Dao nói không hiểu nguyên nhân vì sao đã hơn 2 năm qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Bộ GD-ĐT nhiều lần kiến nghị Bộ Tài chính chưa thấy trả lời. Thậm chí, theo ĐB Dao, từ trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng lúc bấy giờ là ông Vương Đình Huệ (nay là Chủ tịch QH) đề xuất Bộ Tài chính quản lý về khung giá sách giáo khoa và kê khai giá.

“Chúng ta trả lời là sắp tới sẽ đưa vào nhưng điều mong muốn là các em học sinh không bị lỡ nhịp vì chúng ta đã lỡ nhịp năm học 2021 - 2022, tới đây chắc chắn sẽ lỡ nhịp nữa trong năm 2022 - 2023. Nguyên nhân vì sao bộ lại khó khăn khi phản hồi ý kiến các ĐBQH và Bộ GD-ĐT. Đến khi nào giá sách giáo khoa của chúng ta ở mức phù hợp, lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp, giữa nhà nước, giữa phụ huynh để làm sao đáp ứng được chủ trương của Đảng và Nhà nước về giáo dục quốc sách hàng đầu”, ĐB nêu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Gia Hân

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng nói ông “rất ngạc nhiên” khi Bộ trưởng Bộ Tài chính nói nhà nước chỉ thẩm định giá với loại sách mua bằng tiền ngân sách nhà nước. “Tôi xin thưa, tiền của người dân, nhất là dân nghèo, nhất là gia đình có con đi học cũng rất quý”, ông Trí nói và cho rằng nên sớm đưa sách giáo khoa vào loại hàng hóa đặc biệt, cần thẩm định giá và nhà nước trợ giá cho học sinh vùng khó khăn.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí: "Tiền của người dân, nhất là dân nghèo cũng rất quý, thưa bộ trưởng"

Giải trình các ĐB, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói các văn bản kiến nghị gửi cho Bộ Tài chính “cũng lâu lắm rồi” vì từ năm 2020. “Cá nhân tôi thì chưa nhận được văn bản nào liên quan đến vấn đề này. Các ý kiến của ĐBQH 100% đều trả lời đúng hạn và đúng địa chỉ. Trách nhiệm của Bộ trưởng là ký để trả lời, chúng tôi làm rất nghiêm túc”, ông Phớc nói. Đối với giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Phớc nói chỉ khi sách giáo khoa được quy định trong luật Giá thì mới có cơ sở để làm, còn nếu không thì chỉ có thể chỉ đạo trong khung giá như hiện nay. “Nếu đưa vào diện bình ổn nhà nước bù, duyệt giá thì phải sửa luật Giá”, ông Phớc nhấn mạnh.

Điều hành phiên thảo luận, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ lưu ý: “Bộ trưởng thì theo nhiệm kỳ nhưng quản lý nhà nước là xuyên suốt”. Do đó, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính quan tâm, rà soát các vấn đề ĐBQH đặt ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.