Có đưa vào diện bình ổn giá hay không?
Chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc sáng 8.6, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương), đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) chất vấn việc đưa giá sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá, trợ giá.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) chất vấn sáng 8.6 |
gia hân |
"Việc kê khai giá sách giáo khoa hiện thế nào và có đưa mặt hàng vào diện bình ổn giá hay không?", đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, sách giáo khoa không phải mặt hàng nhà nước định giá mà được doanh nghiệp kê khai giá.
Nhà nước chỉ thẩm định giá đối với những loại sách, sản phẩm mua bằng ngân sách nhà nước còn mặt hàng này người mua sẽ lựa chọn mua chỗ nào tốt nhất, giá rẻ nhất với tinh thần niêm yết giá công khai, minh bạch.
Về ý kiến đưa sách giáo khoa vào bình ổn giá theo luật Giá, ông Phớc cho hay, đưa vào hay không là thẩm quyền của Quốc hội còn việc đề xuất của các bộ tham mưu cho Chính phủ, sau đó Chính phủ sẽ tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.
Về luật Giá, ông Phớc nêu, đang sửa theo lộ trình các kỳ họp tới. Về phía Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT đã có trao đổi, làm việc thống nhất đề xuất Chính phủ đưa sách giáo khoa vào luật Giá còn được hay không sẽ do Quốc hội quyết định.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí: "Tiền của người dân, nhất là dân nghèo cũng rất quý, thưa bộ trưởng" |
Khi nào giá sách giáo khoa phù hợp
Tranh luận lại, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) nói hơn 2 năm qua Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Bộ GD-ĐT có kiến nghị Bộ Tài chính rà soát, đánh giá để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá nhưng chưa thấy trả lời. Trước đó, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khi đó đã đề nghị Bộ Tài chính quản lý khung giá sách giáo khoa và kê giá đúng theo luật định.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn |
gia hân |
Theo bà Dao, việc này không phải trách nhiệm của riêng Bộ trưởng, nhưng cử tri và đại biểu mong muốn được giải thích rõ là có khó khăn gì trong việc đưa giá sách giáo khoa vào diện bình ổn giá.
"Chứ chúng ta cứ trả lời sắp tới, sắp tới, nhưng các em học sinh sẽ bị lỡ nhịp. Bộ có khó khăn gì khi phản hồi ý kiến của đại biểu Quốc hội không? Khi nào giá sách giáo khoa ở mức phù hợp, lợi ích hài hòa, đáp ứng được chủ trương của Đảng và nhà nước giáo dục là quốc sách hàng đầu", bà Dao nói thêm.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng nói ông "rất ngạc nhiên" khi Bộ trưởng Bộ Tài chính nói nhà nước chỉ thẩm định giá với loại sách mua bằng tiền ngân sách nhà nước.
"Tôi xin thưa, tiền của người dân, nhất là dân nghèo, nhất là gia đình có con đi học cũng rất quý", ông Trí nói và cho rằng, vấn đề định giá sách giáo khoa "đã được nói từ rất lâu", nên cần sớm đưa sách giáo khoa vào loại hàng hóa đặc biệt, cần thẩm định giá và nhà nước trợ giá cho học sinh vùng khó khăn càng sớm càng tốt.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí tranh luận với Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc về giá sách giáo khoa |
gia hân |
Trả lời các ý kiến tranh luận, Bộ trưởng Phớc cho hay, văn bản đại biểu gửi cho Bộ Tài chính từ năm 2020 và cá nhân ông chưa nhận được ý kiến nào liên quan vấn đề này. Còn 100% ý kiến của đại biểu đều được trả lời đúng hạn, đúng địa chỉ, trách nhiệm của Bộ trưởng ký, trả lời, rất nghiêm túc.
Ông Phớc nêu, khi đưa sách giáo khoa vào luật giá thì mới có cơ sở để nhà nước bù giá, duyệt giá. Còn không chỉ được chỉ đạo trong khung giá. Bộ chủ quản chỉ có thể chỉ đạo doanh nghiệp làm thế nào để tiết giảm chi phí, giúp giảm giá thành. "Nếu đưa vào diện bình ổn nhà nước bù, duyệt giá thì phải sửa luật Giá", ông Phớc nhấn mạnh.
Điều hành phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý "Bộ trưởng thì theo nhiệm kỳ nhưng quản lý nhà nước là xuyên suốt". Do đó, đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính quan tâm, rà soát các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.
Bình luận (0)