Như Thanh Niên thông tin, những bất cập về quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa của Bình Dương đang khiến người dân địa phương và không ít cán bộ quản lý phải bối rối.
Cụ thể tại điều 3, mục 3 Quyết định số 12 của UBND tỉnh Bình Dương quy định về trường hợp cá biệt tách thửa đất thừa kế "Tách thửa đất để tặng cho vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi".
Theo nhiều người dân tại Bình Dương, hiện có rất nhiều trường hợp khi cha mẹ mất để lại đất giao cho 1 người con trong gia đình đứng tên trong sổ đất. Theo quy định trên thì người con này muốn cho, tặng những người anh em trong gia đình cũng không được. Trong khi đó, trường hợp cha mẹ nuôi, con nuôi thì lại quy định được cho, tặng.
Bên cạnh đó, quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất nông nghiệp tại thị trấn là 2.000 m²; tại các xã là 3.000 m² cũng bất cập, thiếu thực tế.
Một cán bộ cấp huyện ở Bình Dương phân tích: Không phải gia đình nào cũng có từ 2.000 - 3.000 m² đất nông nghiệp để chia tách cho các con. Đặc biệt là ở khu vực thị trấn là đô thị loại 4 mà quy định 2.000 m² đất nông nghiệp là vô cùng khó. "Có trường hợp gia đình có 5 người con trở lên thì lấy đâu ra đất để đủ điều kiện tách thửa, tặng cho con cái trong gia đình", vị cán bộ nói.
Tách thửa là nhu cầu chính đáng
Nhận xét về các điều kiện tách thửa đang được áp dụng ở Bình Dương, bạn đọc (BĐ) Minh Nghĩa nêu: "Về mặt tổng thể thì đặt ra các điều kiện này là để ngăn ngừa nạn phân lô bán nền tràn lan từng xảy ra. Điều này hợp lý. Vấn đề nảy sinh khi người dân có nhu cầu tách thửa chính đáng, lại vướng hàng rào pháp lý". Tán thành với nhận xét này, BĐ Vinh Nguyen cho biết: "Tôi rất quan tâm đến câu chuyện trên. Vì anh em ruột buộc phải chia thừa kế là đất đai cho các anh em khác làm tư liệu sinh sống và mưu sinh chứ. Ở nông thôn chỉ cần 300 - 400 m² là ổn định cuộc sống, đủ để người dân xây dựng nông thôn mới, để mỗi hộ xây dựng cuộc sống mới no ấm, văn minh".
BĐ Thủy lưu ý quy định tách thửa đã giao cho cơ quan quản lý cấp huyện "lập hội đồng tư vấn căn cứ giải quyết các trường hợp cá biệt", từ đó, BĐ Thủy hy vọng "độ mở của hành lang pháp lý không phải là không có, mong rằng từng trường hợp cụ thể được xem xét thấu tình, đạt lý, chứ không bị từ chối bằng những quy định chung".
Cần điều chỉnh cho phù hợp
Nhu cầu tách thửa đối với các hộ gia đình không chỉ "nóng" ở Bình Dương. BĐ T.C phân tích: "Ở nhiều địa phương đang phát triển mạnh về kinh tế, xã hội đều gặp khó chỗ này. Theo tôi, cứ gia đình họ hàng thì giải quyết hết, làm cam kết trong vòng 2 năm không được bán để tránh biến tướng lướt sóng ảo đất đai. Còn điều kiện về diện tích tối thiểu được tách thửa đến 2.000 m² thì phi lý quá, vì nó lớn quá".
Nêu ý kiến về câu chuyện chính sách mặc dù cần thiết nhưng khi đưa vào áp dụng thực tế vẫn nảy sinh những vướng mắc, bất cập, BĐ Trường Lưu cho rằng: "Chính sách nào cũng cần đối chiếu thực tế, thực tiễn để điều chỉnh cho phù hợp, nhất là với các chính sách về đất đai". BĐ Le Bich Ly cũng nhận xét: "Những thủ tục hành chính, quy định nếu không phù hợp với thực tế sẽ vô hình trung làm khó người dân".
Liên quan đến những bất cập trên, ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương, cho biết sẽ được xem xét trong cuộc họp về lĩnh vực này trong thời gian tới. Nhiều BĐ đề nghị "mong các cơ quan quản lý xem xét lại quy định về tách thửa sao cho thật hợp tình, hợp lý".
* Cho tặng gì cũng phải đúng pháp luật. Anh em ruột cho tặng nhau là phải đóng thuế. Chỗ tôi quy hoạch, nhiều người tách thửa ra cho tặng anh em, con cháu, chủ yếu là để lấy suất tái định cư và hỗ trợ đào tạo nghề. Nay nhà nước bỏ quy hoạch nên nhiều trường hợp cười ra nước mắt.
Thanh Tam
* Hiện tại có nhiều hộ gia đình có nhiều con nhưng diện tích đất dưới 2.000 m² thì làm sao để chia cho con cái, nếu lên thổ cư hết thì tiền đâu mà lên, mong cơ quan quản lý điều chỉnh phù hợp.
Hùng Trịnh
Bình luận (0)