Chuyên gia năng lượng và môi trường Nguyễn Đăng Anh Thi nhận xét dự thảo dù đã coi trọng hơn sự đóng góp của năng lượng tái tạo, khẳng định vẫn rất cần loại năng lượng này cho phát triển 5, 10, 25 năm tới, nhưng việc tiếp tục đề xuất xây thêm nhiệt điện than và thủy điện sau năm 2020 với số lượng tương đối lớn là điều cần xem lại.
Dự kiến tỷ trọng năng lượng tái tạo biến đổi (VRE), gồm điện gió và điện mặt trời, năm 2020 là khoảng 5%. Dự thảo Quy hoạch điện 8 đề xuất tỷ trọng VRE năm 2025 là 10%, năm 2030 là 13%, năm 2035 là 20%, năm 2040 là 24% và năm 2045 là 29%. So với tiềm năng điện mặt trời (ĐMT) và điện gió của Việt Nam cũng như xu hướng thúc đẩy tỷ trọng VRE cao trên thế giới hiện nay, rõ ràng các mục tiêu trên là rất khiêm tốn và không tương xứng.
“Quy mô công suất ĐMT đã được bổ sung quy hoạch là trên 11.000 MW, trong khi quy mô đăng ký đầu tư nhưng chưa được bổ sung quy hoạch lên đến 25.000 MW. Quy mô đăng ký này thậm chí đã vượt chỉ tiêu quy hoạch năm 2030. Ngoài ra, công suất lắp đặt dự kiến theo quy hoạch năm 2045 chỉ chưa đến 14% tiềm năng thực tế năng lượng mặt trời của Việt Nam”, ông phân tích.
Từ nhận định trên, theo chuyên gia này, cơ cấu nguồn điện bền vững cho Việt Nam trong quy hoạch điện 8 cần lưu ý những vấn đề sau: Không xây mới nhiệt điện than sau năm 2020 để không làm nghiêm trọng thêm tác động môi trường vốn đang đặt ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Tương tự, không xây mới thêm thủy điện bất kể lớn nhỏ để không xâm hại thêm đất rừng. Thứ hai, phát triển nhiệt điện khí để củng cố phụ tải nền và tăng cường độ linh hoạt của hệ thống điện. Thứ ba, đẩy mạnh phát triển ĐMT và điện gió trong 10 năm tới ở mức không tạo ra thách thức kỹ thuật quá lớn cho lưới điện.
“Cách điều hành của ngành điện hiện khá loay hoay trong tư duy cũ. Một mặt vẫn chủ trương phát triển mạnh ĐMT, nhưng không làm nổi đường truyền để nhà đầu tư ĐMT quá tải, thất thoát vì không truyền điện lên được. Mặt khác vẫn chủ trương phát triển thêm nhà máy điện than. Giải pháp là Việt Nam nên loại bỏ hơn 30.000 MW công suất nhiệt điện than, từ đó giảm tiêu thụ hơn 75 triệu tấn than mỗi năm, tránh được lượng tro xỉ thải ra môi trường gần 25 triệu tấn mỗi năm, đó là chưa kể tránh được ô nhiễm bụi mịn và mưa a xít do khí thải nhiệt điện gây ra. Lượng điện thiếu này sẽ được bù lại từ nguồn năng lượng tái tạo. ĐMT và điện gió được nâng tầm theo đúng tiềm năng”, chuyên gia này phân tích.
Ông nói thêm việc chuyển hướng mạnh mẽ qua ĐMT và điện gió sẽ giúp Việt Nam củng cố an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững.
Bình luận (0)