Quy hoạch khảo cổ chậm hơn... trộm

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
30/04/2019 06:17 GMT+7

Hai hố sâu hoắm đã hiện ra chỉ sau một đêm cuối tháng 4 vừa qua tại di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (H.Hoài Đức, Hà Nội).

“Kẻ trộm dùng máy dò kim loại đã khoét lấy đồ đồng đi rồi, chỉ còn các mảnh vỡ đồ gốm tùy táng mộ Đông Sơn”, TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á, cho hay.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu Vườn Chuối bị trộm đào cổ vật. Nhiều năm qua, trộm đã viếng thăm khu vực này nhiều lần. Gần nhất, đầu tháng 4, người dân đã phát hiện dấu vết trộm đào cổ vật tại đây. Thời điểm đó, giấy phép khai quật còn chưa được cấp trong khi Sở VH-TT Hà Nội thì phải ra văn bản yêu cầu H.Hoài Đức hợp tác để cung cấp các mốc chỉ giới làm đường sẽ cắt ngang qua khu di chỉ này.
Cũng theo ông Nguyễn Việt, Vườn Chuối là một quần thể di tích quan trọng, chính là khu mộ của hậu duệ thời Gò Mun, Đông Sơn. “Quần thể này "may mắn" còn tồn tại ngay cửa ngõ Nhổn từ Đại La về xứ Đoài, từ Thăng Long, Kẻ Chợ về Sơn Tây, Ba Vì... cho đến khi bị các chủ bất động sản đỏ thời nay nhăm nhe nhòm ngó”, ông nói.
Dự án bất động sản ở khu vực này nhiều năm nay ở thế khó xử. Họ không ngờ mình lại cắt ngay vào di sản quan trọng như vậy. Việc xây dựng do đó cũng không thể có tốc độ như ý. Từ góc độ di sản, Vườn Chuối cũng chịu thiệt hại do quá trình xây dựng và chần chừ đưa ra các quyết định khảo cổ học. Sự chậm trễ dẫn đến việc cổ vật bị đào trộm là minh chứng cho điều đó.
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, nhận định: “Việc liên tiếp xảy ra đào trộm cổ vật ở Vườn Chuối là hệ quả của việc Hà Nội không làm quy hoạch khảo cổ học, không lập kế hoạch nhìn xa trông rộng”. Với bản đồ quy hoạch khảo cổ, các vùng khả năng có di sản khảo cổ cao sẽ được khoanh vùng. Nhờ đó, việc tổ chức khai quật, việc hình thành kế hoạch với các doanh nghiệp muốn đầu tư vào đó cũng trở nên sáng rõ hơn. Theo ông Việt, thậm chí, nếu quy hoạch tốt từ trước, Hà Nội còn có thể có một công viên di sản phía hữu ngạn, đối xứng với Cổ Loa bên kia tả ngạn sông Hồng. Chúng sẽ cho thấy nhiều chứng cứ khảo cổ sống động về huyền thoại dựng nước.
Theo PGS-TS Tống Trung Tín, chúng ta từng chứng kiến nhiều lần quy hoạch khảo cổ chậm chân hơn các nhóm trộm đồ cổ. “Các khu mộ Thái, Mường hay các dấu vết khảo cổ thời Lý, Trần tại Thanh Hóa đã từng mất rất nhiều hiện vật. Có những nơi, cảm giác như chỉ xăm sâu xuống là tìm thấy đồ. Nhưng chúng ta không có quy hoạch khảo cổ để tìm kiếm và bảo vệ. Trong khi đó, trộm đã nhanh hơn”, ông Tín nói.
Chính vì thế, ông Tín cho biết, đại hội tới đây của Hội Khảo cổ học VN sẽ đưa ra một loạt khuyến nghị xung quanh các vấn đề xã hội hiện tại liên quan đến khảo cổ học. Trong đó, việc làm bản đồ quy hoạch khảo cổ sẽ là một cách để thúc đẩy phát triển. Nó giúp doanh nghiệp đỡ rơi vào thế khó khi đầu tư và cứ chậm trễ mãi vì các lần đào khảo cổ học khẩn cấp. Nó cũng giúp quản lý văn hóa giữ được hiện vật quý cho đời sau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.