Quyết liệt cuộc đua vào đại học

25/05/2013 03:35 GMT+7

Kỳ tuyển sinh vào ĐH ở các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc rất căng thẳng nhằm tranh một chỗ học tại những trường danh giá.

Hàn Quốc: Cả nước “im lặng” vì thí sinh

Kỳ thi ĐH diễn ra vào đầu tháng 11, kéo dài khoảng 9 tiếng chỉ trong một ngày, với 5 phần thi: tiếng Hàn, toán, tiếng Anh, khoa học xã hội và khoa học tự nhiên và một ngoại ngữ thứ hai.

Kỳ thi này gây áp lực rất lớn cho học sinh Hàn Quốc do được cho là yếu tố quyết định cho tương lai nghề nghiệp sau này. Để đạt điểm cao trong đợt thi này và vào được những trường hàng đầu, phần lớn học sinh Hàn Quốc phải chi rất nhiều tiền, học đến khuya tại các trường luyện thi tư nhân. Áp lực vào được trường danh tiếng dẫn đến thực trạng mỗi năm có hàng chục học sinh tự tử, trong đó đỉnh điểm diễn ra xung quanh đợt thi đại học, theo AFP.

 Học sinh Hàn Quốc trước đợt thi đại học năm 2012
Học sinh Hàn Quốc trước đợt thi đại học năm 2012 - Ảnh: Reuters

Năm 2012 có hơn 660.000 thí sinh dự thi. Nhằm đảm bảo kỳ thi này diễn ra suôn sẻ và tạo mọi điều kiện cho thí sinh, chính phủ Hàn Quốc đã có những biện pháp kiểm soát giao thông và tiếng ồn, khiến người ta có cảm giác cả xử sở kim chi chìm trong im lặng vào ngày thi ĐH. Xe điện ngầm hoạt động thường xuyên hơn vào giờ cao điểm buổi sáng, lưu thông bị cấm trong khu vực cách các trung tâm thi 200 m, văn phòng chính phủ cũng như công ty làm việc trễ hơn một giờ so với ngày thường. Cơ quan Cảnh sát quốc gia còn điều 13.000 cảnh sát đến các trung tâm thi trên toàn quốc để đảm bảo an toàn và tiện lợi cho thí sinh. Các máy bay bị cấm cất, hạ cánh trong 13 phút khi thí sinh làm bài thi môn nghe tiếng Hàn vào buổi sáng và 20 phút cho đợt thi môn nghe tiếng Anh vào buổi chiều. Thí sinh bị cấm mang điện thoại di động, máy ảnh, MP3, máy tính điện tử vào phòng thi.

Nhật Bản: Căng thẳng và gay gắt trường tốp đầu  

Kỳ thi ĐH diễn ra 2 ngày đầu tháng 1 với 5 môn: tiếng Nhật, toán, khoa học xã hội (lịch sử, địa lý…), ngoại ngữ (Anh, Pháp, Đức, Hoa và Hàn) và khoa học tự nhiên (sinh, vật lý, hóa học). Tất cả thí sinh đều được yêu cầu tắt điện thoại và cất vào cặp trong lúc làm bài thi. Sau đó các thí sinh dùng kết quả của kỳ thi này cùng kết quả học tập phổ thông nộp đơn xin dự kỳ kiểm tra riêng của các trường ĐH công. Tổng số điểm của kỳ thi ĐH rất quan trọng vì nhiều trường đưa ra điểm sàn để nhận thí sinh dự kỳ kiểm tra riêng, diễn ra vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3. Tham gia kỳ kiểm tra này, sinh viên không phải làm bài thi trắc nghiệm như thi ĐH mà sẽ viết bài luận và được phỏng vấn. Các trường sẽ dựa vào tổng số điểm của hai đợt thi để quyết định nhận thí sinh hay không.

Cuộc cạnh tranh vào ĐH gay gắt ở Nhật từng được xem là “địa ngục thi cử”, đặc biệt trong giai đoạn từ thập niên 1960 đến 1980, khi kinh tế nước này tăng trưởng mạnh. Trong thời gian đó, nhiều công ty, với hệ thống tuyển dụng lao động lâu dài, chọn thuê những người tốt nghiệp từ các trường tốt. Điều này có nghĩa tương lai của một người ở Nhật khi đó được quyết định lúc 18 tuổi. Đến thập niên 1990, do ngày càng có nhiều người muốn học đại học, nhiều trường mới được thành lập. Tuy nhiên, dân số ở độ tuổi 18 của Nhật đã tăng lên đỉnh điểm vào năm 1992 và cũng bắt đầu giảm xuống từ đó. Do đó, theo báo The Japan Times, một số chuyên gia nhận định rằng thi ĐH ở Nhật ngày càng trở nên dễ hơn vì nhiều trường cần tuyển đủ sinh viên để duy trì hoạt động. Nếu sinh viên sẵn sàng học ở những trường không phải là lựa chọn hàng đầu của họ, giới chuyên gia cho rằng sẽ có đủ chỗ cho tất cả thí sinh muốn nộp đơn. Tuy nhiên, sự cạnh tranh vào các ĐH danh tiếng ở Nhật vẫn hết sức căng thẳng và gay gắt.

Trung Quốc: Nhiều biện pháp chống gian lận 

Vào ngày 7 - 8.6 hằng năm, kỳ thi ĐH diễn ra với 3 môn bắt buộc: tiếng Hoa, toán và một ngoại ngữ. Theo Tân Hoa xã, kỳ thi năm 2012 thu hút hơn 9 triệu thí sinh tham dự. Với học sinh Trung Quốc, đây cũng là kỳ thi quan trọng, gây áp lực rất lớn vì quyết định tương lai của thí sinh. Vì thế cha mẹ rất tha thiết cầu mong con họ đậu kỳ thi này.

Để có được kết quả cao, nhiều thí sinh đã tìm mọi cách gian lận, trong đó có sử dụng thiết bị liên lạc công nghệ cao. Nhằm ngăn chặn nạn gian lận trong thi cử, Bộ Giáo dục Trung Quốc trong mấy năm qua đã sử dụng “bàn tay sắt” và quyết không khoan dung cho những trường hợp gian lận bằng nhiều biện pháp ngăn chặn khắt khe hơn. Cụ thể, theo những quy định ban hành năm 2012, thí sinh không được mang thiết bị có thể gửi và nhận tín hiệu. Trước đó, thí sinh chỉ bị cấm mang điện thoại đi động và một số thiết bị liên lạc khác. Hơn 90% phòng thi được gắn máy quay để giám sát trật tự và ghi lại bằng chứng gian lận của thí sinh. Trước đó, giới chức tỉnh Hà Nam còn cho đài truyền hình phát sóng trực tiếp và giám sát các đoạn quay tại tất cả các điểm thi trong tỉnh. Nếu những thí sinh nào bị bắt quả tang gian lận sẽ bị cấm thi từ 1-3 năm. Nhờ đó, tỷ lệ thí sinh gian lận trong kỳ thi đại học ở Trung Quốc đã liên tục giảm trong 5 năm qua, theo Tân Hoa xã.

Minh Trung

>> Học sinh Hàn Quốc không chê công ty nhỏ
>> Học sinh Hàn Quốc đọc sách ít, chơi game nhiều
>> Nhiều học sinh Hàn Quốc muốn làm giáo viên
>> Trải nghiệm cùng học sinh Nhật Bản
>> Học sinh Nhật mê chơi, lười học
>> Học sinh Trung Quốc vừa luyện thi vừa truyền dịch tại lớp
>> Nhiều học sinh Trung Quốc bị bệnh tâm lý
>> Du học sinh Trung Quốc tìm việc ở Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.