Được nghiên cứu và triển khai từ năm 2018, đến nay, hệ sinh thái Viettel Cloud được đánh giá thuộc nhóm lớn nhất, hiện đại và an toàn nhất Việt Nam.
Lễ ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud với sự có mặt của lãnh đạo các bộ, ngành |
Thu Hằng |
Viettel Cloud cũng được đánh giá là hệ sinh thái điện toán đám mây đa dạng nhất Việt Nam, được vận hành bởi đội ngũ kỹ sư, chuyên gia hàng đầu với kinh nghiệm dày dặn.
Hệ sinh thái Viettel Cloud bao gồm trung tâm dữ liệu (data center), các nền tảng công nghệ, các phần mềm dịch vụ cho đến công nghệ bảo mật, dịch vụ quản trị vận hành.
Viettel Cloud sở hữu hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam, với 13 trung tâm dữ liệu, quy mô 9.000 rack trên 60.000 m2 mặt sàn. Tới năm 2025, Viettel Cloud sẽ được đầu tư 10.000 tỉ đồng để mở rộng quy mô lên 17.000 rack. Theo lộ trình, tới năm 2030, Viettel nâng mức đầu tư lên 40.000 tỉ đồng với quy mô 34.000 rack.
Ngoài công nghệ bảo mật đạt tiêu chuẩn quốc tế, Viettel Cloud còn sở hữu năng lực kết nối siêu băng rộng với đường trục cáp quang lớn nhất khu vực Đông Dương và 5 tuyến cáp quang biển quốc tế và phủ sóng khắp 63 tỉnh, thành phố.
Hệ sinh thái sản phẩm Viettel Cloud với tổng hơn 70 sản phẩm dịch vụ trải rộng từ các dịch vụ ở mức hạ tầng vật lý như thuê chỗ đặt, cho tới các nền tảng dịch vụ như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật.
Tại lễ ra mắt, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cấu phần quan trọng nhất của hạ tầng số Việt Nam là điện toán đám mây, nó lưu trữ và xử lý dữ liệu của người Việt tại Việt Nam. Trong số các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng điện toán đám mây, có tới 80% đặt tại nước ngoài.
“Viettel Cloud là hệ sinh thái điện toán đám mây lớn nhất do người Việt Nam làm chủ. Muốn xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số phải dựa trên hạ tầng số. Chính phủ số Việt Nam đang có nhu cầu về một data center rất lớn. Tại sao Viettel không xây dựng và vận hành một data center như vậy cho Chính phủ. Các bộ, ngành có thể đầu tư, nhưng sẽ không có nhân lực để vận hành và duy trì. Là một doanh nghiệp công nghệ của nhà nước 100%, Viettel có thể nhận với Chính phủ việc này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ TT-TT cũng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên dùng điện toán đám mây Việt Nam; đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp chuyển sử dụng dịch vụ cloud với chi phí thấp hơn, kinh tế hơn, an toàn hơn.
Với cam kết đồng hành với các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng khẳng định: “Mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi tổ chức và doanh nghiệp sẽ có một kho dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây của Viettel. Chúng tôi cam kết sẽ phổ cập điện toán đám mây như cách chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc cách mạng để mỗi người dân có một chiếc điện thoại di động, mỗi người dân có một chiếc điện thoại smartphone, để cáp quang về đến tận cửa nhà của mỗi hội gia đình Việt Nam”.
Trong định hướng phát triển nền kinh tế số, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% cơ quan chính phủ, 70% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp Việt cung cấp. Viettel Cloud không chỉ mở ra cơ hội phát triển cho hạ tầng các nền tảng số, mà chủ quyền số cũng được đảm bảo bởi các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Bình luận (0)