Ông Nguyễn Đức Khoáng, ngụ P.2, Q.4, TP.HCM đến tòa soạn Báo Thanh Niên đề nghị can thiệp giúp con ông là Nguyễn Ngọc Phượng được nhập hộ khẩu và làm CMND để có cơ hội đi học hoặc đi làm. Theo trình bày, ông Khoáng và bà Nguyễn Thị Thuyền sống chung với nhau không có hôn thú và sinh ra em Phượng. Gia đình ông hiện đang tạm trú ở một căn nhà nhỏ nằm trong khu dân cư nghèo và không có hộ khẩu. Cách đây hơn 3 năm, ông tới công an phường xin nhập hộ khẩu để em Phượng có thể làm CMND. Nhưng những thủ tục rắc rối và lời giải thích, hướng dẫn chưa nhiệt tình của cán bộ làm hộ khẩu khiến việc này cứ giậm chân tại chỗ. Ông Khoáng có người em trai ở Q.Phú Nhuận, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của pháp luật về việc cho con ông nhập khẩu, nhưng vì không hiểu thủ tục nên cuối cùng cũng không làm được.
|
Việc không có hộ khẩu, CMND khiến Phượng không thể làm hồ sơ thi đại học như các bạn, dù em đã đậu tốt nghiệp THPT. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong giấy khai sinh của Phượng chỉ có tên người mẹ là bà Thuyền. Bản thân bà Thuyền cũng bị cắt hộ khẩu sau khi đi kinh tế mới. Từ khi mới sinh đến nay, Phượng chỉ có giấy khai sinh và có tên trong sổ KT3.
Theo thượng tá Cao Văn Đen, Phó phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM, việc tách nhập hộ khẩu từ quận này sang quận khác tại TP.HCM hiện đã đơn giản nhiều. Thủ tục đều được công khai để người dân hiểu và thực hiện. Những ai trước đây từng có hộ khẩu gốc ở TP.HCM nhưng bị cắt (do nhiều lý do) mà nay muốn nhập lại thì có thể đến công an quận để làm thủ tục. “Hiện nay tại TP.HCM vẫn còn nhiều trường hợp gặp rắc rối về mặt giấy tờ như em Phượng. Chúng tôi cũng đã nhắc nhở anh em làm hồ sơ ở các quận khi tiếp nhận những trường hợp như thế này, cần phải đảm bảo tính pháp lý nhưng không quên xét đến yếu tố khách quan vì sao bị như vậy, để hướng dẫn họ làm hồ sơ cho đúng”, ông Đen nói.
Đối với trường hợp em Phượng, nếu mẹ em có hộ khẩu gốc tại TP.HCM thì làm các bước sau: làm một giấy xác nhận có hộ khẩu gốc ở Q.4, viết bản tường trình với nội dung: lý do bị xóa hộ khẩu, trong thời gian đó bà làm gì, ở đâu, cam kết là sau khi bị xóa đến nay bà chưa nhập hộ khẩu ở bất cứ nơi nào tại TP.HCM hay các tỉnh khác (Bản cam kết này không cần xác nhận của địa phương). Làm bản khai HK01-02, sau đó người đồng ý cho nhập khẩu sẽ làm một hợp đồng công chứng, cộng với giấy khai sinh là có thể nộp hồ sơ tại công an quận. Trường hợp nếu em Phượng có đăng ký tạm trú ở nhà người chú trên 1 năm thì đương nhiên em được nhập hộ khẩu vào nhà người chú.
Theo luật sư Nguyễn Minh Thuận, Công ty luật Sài Gòn, điều 21 luật Cư trú quy định thủ tục nhập hộ khẩu từ quận này sang quận kia ở TP.HCM như sau: Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại công an quận muốn nhập. Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm: Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu; Giấy chuyển hộ khẩu, các giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. |
Thiên Long
>> Khai sinh, hộ khẩu sắp hết thời
>> “Không nên quản lý dân cư theo hộ khẩu”
>> Tuyển sinh đầu cấp Q.5 (TP.HCM): Xem xét từng trường hợp chuyển hộ khẩu
>> “Siết hộ khẩu” tuyển sinh đầu cấp
>> 17 năm sống không hộ khẩu
>> Hộ khẩu và tự do cư trú
Bình luận (0)