Rắc rối pháp lý đeo bám ông Trump

Văn Khoa
Văn Khoa
29/08/2024 07:47 GMT+7

Giới công tố và phía cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có những động thái mới trong 4 vụ án chống lại ông khi cuộc bầu cử tổng thống ngày càng đến gần.

Vụ án can thiệp bầu cử liên bang

Công tố viên đặc biệt Mỹ Jack Smith ngày 27.8 đưa ra bản cáo trạng liên bang được sửa đổi về cáo buộc cựu Tổng thống Donald Trump đã cố gắng lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 một cách bất hợp pháp. Bản cáo trạng mới giữ 4 tội danh trong bản cáo trạng ban đầu được đưa ra ngày 1.8.2023, nhưng tập trung vào vai trò của ông Trump với tư cách là một ứng viên chính trị tái tranh cử, thay vì là tổng thống.

Rắc rối pháp lý đeo bám ông Trump- Ảnh 1.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Tòa án Hình sự Manhattan ở TP.New York (Mỹ) ngày 21.5

Ảnh: Reuters

Động thái mới của ông Smith diễn ra trước hạn chót là ngày 30.8 văn phòng của ông và luật sư của ông Trump phải đề xuất một hướng đi tiếp theo trong vụ án can thiệp bầu cử sau phán quyết ngày 1.7 từ Tòa án Tối cao Mỹ. Theo phán quyết đó, Tòa án Tối cao Mỹ khẳng định tổng thống được hưởng quyền miễn trừ khỏi việc bị truy tố hình sự đối với các hành vi chính thức trong nhiệm kỳ của mình.

Thẩm phán liên bang Tanya Chutkan tại Washington D.C dự kiến sẽ ra quyết định về vụ án nói trên trong những tuần tới dựa trên phán quyết ngày 1.7 của Tòa án Tối cao Mỹ.

Cuộc đấu Trump-Harris: So kè quyết liệt trong thăm dò dư luận

Vụ án can thiệp bầu cử Georgia

Bên cạnh vụ án can thiệp bầu cử liên bang, ông Trump còn đối mặt vụ án can thiệp bầu cử năm 2020 ở bang Georgia. Ông và 8 đồng phạm bị cáo buộc âm mưu lật ngược một cách bất hợp pháp kết quả bầu cử tổng thống năm 2020 tại Georgia.

Báo The Hill ngày 27.8 đưa tin nhóm luật sư của ông Trump muốn Chưởng lý hạt Fulton Fani Willis bị loại khỏi vụ án nói trên, lập luận bà Willis, người da màu, đã thể hiện "thù hận chủng tộc" đối với ông Trump. Chưa có ngày xét xử nào được ấn định cho vụ án can thiệp bầu cử Georgia.

Vụ án tài liệu mật

Ngoài vụ án can thiệp bầu cử liên bang, ông Smith ngày 26.8 thúc giục tòa phúc thẩm khôi phục lại vụ án tài liệu mật của ông Trump, theo AFP. Văn phòng của ông Smith đang kháng cáo lên tòa án phúc thẩm sau khi thẩm phán liên bang Aileen Cannon bãi bỏ vụ án vào tháng trước với lập luận công tố viên Smith được bổ nhiệm một cách bất hợp pháp.

Trong vụ án này, ông Trump bị cáo buộc đã giữ một cách không an toàn các tài liệu mật tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở bang Florida và cản trở các nỗ lực thu hồi chúng dù đã mãn nhiệm. Ông Trump phải đối mặt với 31 tội danh "cố ý giữ lại thông tin quốc phòng", với mỗi tội danh có thể bị phạt tới 10 năm tù.

Lịch trình của tòa phúc thẩm cho thấy khả năng vụ án tài liệu mật được giải quyết trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 5.11 là rất thấp. Các luật sư của ông Trump hiện có 30 ngày để phản hồi đề nghị mới của ông Smith.

Vụ án chi tiền bịt miệng

Vụ còn lại trong số 4 vụ án chống lại ông Trump là vụ án chi tiền bịt miệng. Vào ngày 30.5.2024, ông Trump đã bị bồi thẩm đoàn tại bang New York kết tội làm giả hồ sơ kinh doanh để che giấu khoản thanh toán 130.000 USD cho ngôi sao phim khiêu dâm Stormy Daniels để đổi lấy sự im lặng của cô này trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Phiên tuyên án dự kiến diễn ra vào ngày 18.9, nhưng ông Trump đã đề nghị thẩm phán Juan Merchan của bang New York hoãn việc tuyên án cho đến sau cuộc bầu cử, theo Reuters. Các luật sư của ông Trump lập luận họ sẽ không có đủ thời gian để thực hiện đúng thủ tục kháng cáo trước tuyên án nếu thẩm phán bác bỏ đề nghị của ông.

Tác động của phán quyết về quyền miễn trừ

Đài ABC News dẫn lời giới chuyên gia cho rằng 2 vụ án can thiệp bầu cử liên bang và Georgia có thể được định hình lại theo phán quyết ngày 1.7 của Tòa án Tối cao Mỹ vì 2 vụ này đều tập trung vào hành vi của ông Trump khi còn là tổng thống. Họ còn cho rằng phán quyết đó cũng có thể khiến thẩm phán xem xét việc áp dụng quyền miễn trừ đối với các hành vi chính thức của ông Trump trong vụ án tài liệu mật, động thái có thể làm chậm trễ thêm các thủ tục tố tụng.

Trong khi đó, Giáo sư Bennett L.Gershman của Trường Luật thuộc Đại học Pace (Mỹ) nhận định phán quyết ngày 1.7 của Tòa án Tối cao Mỹ không có tác động đáng kể nào đối với vụ án chi tiền bịt miệng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.