Rắc yêu thương - Truyện ngắn dự thi của Phan Văn

Phan Văn
Đồng Tháp
18/10/2024 10:00 GMT+7

Chiếc vỏ lãi rẽ nước lướt nhanh đi sâu vào khu rừng ngập mặn nơi Phiên đang làm tổ trưởng đội tự quản. Ngồi ở đầu mũi, không cần đến bản đồ hay bất kỳ thiết bị định vị tối tân nào, Phiên tận tình hướng dẫn cho Quốc từng chỗ trọng yếu trong khu rừng.

Ngoại trừ vài anh em trong đội tự quản, vết người gần như mất dấu ở đây. Khung cảnh im ắng của khu rừng là thứ tra tấn khủng khiếp nhất, rất nhiều người đã bỏ rừng về phố vì không thể chịu nổi cảnh này, sự tịch mịch mà nó mang lại khiến cho mọi thứ trở nên nhàm chán đến cùng cực. Công việc giữ rừng trên hết cần tình yêu và lòng hy sinh.

Nhàm chán thì Phiên có thể qua được, căng thẳng nhất là mỗi lúc giáp mặt với mấy tay lâm tặc, bọn này hung hiểm khôn lường, chúng chẳng từ một thủ đoạn nào để mang về những món lợi cho mình. Bẫy cám dỗ vật chất từ bọn chúng cũng làm lòng Phiên đôi lần lay động định đổi đời, rất may tình yêu rừng như một thứ chân lý luôn âm ỉ soi sáng để Phiên không lạc bước giữa những mật ngọt tăm tối bủa vây từ chúng.

- Nếu hết tình yêu với mảnh đất này, xin con hãy rời đi chứ đừng bao giờ làm hại nó.

Ông Tám đã nói như vậy trước khi mãi mãi nằm lại với khu rừng, nơi ông đã dành trọn đời mình để nâng niu từng mảng xanh quý giá. Từ khi còn trơ trụi vì bom đạn tàn phá đến lúc trở thành khu dự trữ sinh quyển như hôm nay, ông Tám đã cần mẫn bám trụ chốn này cho đến khi hòa mình vào đất.

Rắc yêu thương - Truyện ngắn dự thi của Phan Văn- Ảnh 1.

ẢNH: NGUYỄN NGỌC GA

Theo chân ông Tám về rừng cách đây gần chục năm, Phiên không chỉ xem giữ rừng là công việc mà đó còn là trách nhiệm sống của mình. Ngày mới vào tổ tự quản, Phiên nghĩ sẽ ở tạm một thời gian rồi về lại xóm Thị, nhưng khi cùng ông Tám và anh em in dấu chân khắp khu rừng để cắm từng mầm cây, Phiên đã không còn cảm thấy xao động cho một cuộc rời.

Dù là những người ít nói nhưng cảm giác thèm nói luôn thường trực trong đội tự quản. Hôm gặp Quốc, chính xác hơn là hôm bắt được Quốc, Phiên và cả đội mừng rơn. Quốc sống gần đó, hết lớp 9 thì con đường học vấn cũng gãy gọng. Không có việc gì làm nên vô rừng săn thú là cách hay nhất, vừa thỏa chí rong chơi, vừa có tiền để tiêu vặt. Nghĩ vậy nên Quốc quyết chí một phen làm nên nghiệp lớn, có điều nghiệp quả lại đến nhanh hơn cái nghiệp lớn mà Quốc đang mong muốn. Khuôn mặt non trong như mầm cây mới nhú, Quốc cho thấy mình chẳng có bất kỳ dấu hiệu nào của một tay lâm tặc khét tiếng trong tương lai, điều đó đã làm cho Phiên và đội tự quản cảm thấy khuây khỏa hơn là căng thẳng khi vây ráp để bắt cậu ta.

- Bộ hết nghề làm rồi sao mà đi trộm cắp vậy nhóc.

Kỳ thực thì khi nói câu đó, Phiên cũng biết là cùng đường mới làm như vậy chứ vui sướng gì khi bá vô nghiệp trộm cắp này. Thấy Quốc còn nhỏ, lại lần đầu phạm lỗi, cũng chưa gây ra thiệt hại gì nên Phiên xin Ban quản lý khu rừng cho Quốc vào đội tự quản. Công việc bảo quản rừng đã cho Quốc trở lại với quỹ đạo đúng đắn trong hành trình cuộc đời của mình, bởi sa lầy vào chốn lâm tặc thì coi như Quốc đã nhuộm đen đời mình.

Có bận Quốc bị vòng lặp nhàm chán của khu rừng đánh gục khi ngày này qua tháng nọ cứ mãi cũng chỉ là những con người ấy, cảnh vật và âm thanh ríu rít đến ngán ngẩm, nó giống như việc ngày nào cũng đọc đi đọc lại mỗi một trang sách. Phiên cũng không giữ Quốc khi cậu muốn rời rừng để tìm kiếm cơ hội nơi thành thị, ép buộc đôi khi lại gây ra điều tệ hại.

- Anh cho em vô lại nha. Em tởn lắm rồi, kỳ này không xin đi nữa.

Quốc nhắn cho Phiên khi đang bị cơn nhớ rừng bóp nghẹt, mùi rừng là thứ làm Quốc nhớ da diết. Bon chen với khói bụi nơi chốn thị thành được hơn một tháng đã làm cho Quốc hiểu rằng mình nên thuộc về rừng, thêm cảnh người ta chặt cây không thương tiếc khiến Quốc vỡ mộng ở chốn này, nơi vốn dĩ được Quốc xem như là thiên đường dành cho tuổi trẻ của mình.

Cũng có người trong tổ tự quản rời rừng rồi đi biệt tăm, có chăng quay lại cũng chỉ để thăm Phiên kết hợp với chữa lành khi tâm hồn đã bị chốn phồn hoa làm cho rách bươm, được vài ba hôm thì cái vòng lặp ngán ngẩm đó lại đưa họ rời xa rừng tiếp. Dù rằng thế nào, Phiên vẫn chào đón tất cả bằng một nụ cười.

Không cười thì Phiên cũng chẳng biết làm sao khi từ lúc lọt lòng đến giờ cuộc đời chưa một lần chơi đẹp với Phiên. Cha đưa Phiên về nhà khi vẫn còn ẵm trên tay nên đến giờ Phiên vẫn chưa một lần biết mặt mẹ, đến năm 10 tuổi thì ông cũng lìa Phiên sau lần đi len trâu rồi bặt tin, từ đó Phiên sống với cô út của mình.

Năm học lớp 9, trên đường đi học về, Phiên thấy Tâm, con của cô Út, không may bị nước lũ cuốn khi tắm sông, dù trong vai người hùng khi đưa được Tâm vào bờ an toàn, Phiên cũng không tránh được trận mưa đòn của cô Út. Trong xóm ai cũng biết nếu lúc đó Phiên không xả thân lao theo thì chắc giờ này Tâm đã ra đồng nằm vĩnh viễn.

Lúc được bà Bảy xức dầu lên mấy chỗ bị đánh bầm tím, Phiên vẫn không tỏ ra sân hận điều gì đối với cô Út, lại còn cà rỡn khi bà càm ràm về chuyện cứu người mà bị đòn oan ức.

- Đừng gọi con là người hùng hay hiệp sĩ gì nữa nha, mấy người đó cứu người xong đâu có bị đòn te tua như con đâu.

Câu chuyện cứu Tâm của Phiên được nhiều người trong xóm tấm tắc khen ngợi, có những chuyện bình thường trước đây nhưng lại trở nên phi thường vào buổi này. Lúc ủy ban xã đề nghị khen tặng cho Phiên thì cô Út đã dập tắt ý tưởng đó một cách nhanh chóng như thể đó là một cơn hỏa hoạn chết chóc.

- Nó cứu em nó chứ có phải cứu ai xa lạ đâu mà khen, với lại nó là thằng bày đầu cái vụ tắm sông này. Hôm trước, đáng lẽ nó bị đòn 20 roi mà tui đã giảm đi phân nửa rồi còn gì. Khỏi thưởng gì hết.

Hôm nhà và xưởng làm việc của Tâm bị cơn đói của con sông Răng chảy qua xóm Thị ngoạm mất, chỉ còn lại mảng tường với dòng chữ "Mừng tân gia" nổi bồng bềnh trên sóng nước, đám lục bình dập dìu vui như thể các YouTuber đang rất hào hứng về một sự kiện có thể thu hút hàng triệu lượt xem trên cõi mạng, cũng là lúc Phiên về thăm lại xóm Thị.

Khi đi ngang qua chỗ nhà bà Bảy trong ngày nắng nhạt nhòa rắc lên con xóm nhỏ xanh xao, gió mang những lời từ làn hơi yếu của bà Bảy trôi về phía cây gáo tàng dù, nơi Phiên đang bước đến:

- Tao chưa thấy ai như mày, thuở đời nay đất cát đem cho người ta hết rồi vô rừng mần mướn, người ta đè đầu cưỡi cổ lấy hết đất đai ruộng vườn vẫn cười, làm như chỉ mất mấy bó rau, cọng cải vậy.

Chuyện đất đai chính là cách hay nhất để đong đo lòng người ở thời mà vật chất định đoạt mọi thứ. Những cơn bão giá đất đã phủ một màn sương mờ mịt lên từ nhãn của những ai xem đây là món lợi, người ta sẵn sàng để trái độc làm mùa trong tâm trí, tình thân là một thứ lấp lánh trên môi nhưng biệt dạng trong lòng những kẻ mê đắm những cơn sóng giá đất.

- Tui không bao giờ lấy của nó cái gì, một cắc bạc cũng không lấy, một cây kim cọng chỉ cũng không lấy. Út Trầm này sống được tới giờ là nhờ uy tín. Tất cả là do thằng Phiên nó tự nguyện.

Cô Út bắt đầu như vậy trong buổi livestream bán mỹ phẩm dưỡng da cho phụ nữ trung niên của mình để khỏi ai thắc mắc vì sao đất đai ruộng vườn giờ đây cô đã đứng tên một cách hợp pháp dù đáng lý ra nó phải thuộc về Phiên.

- Mày biết vì sao cô Út mày không lấy cây kim cọng chỉ của mày không? Nó để dành may miệng mày lại cho khỏi nói mấy chuyện nó đã làm với mày - Bà Bảy đã nhiều lần khàn giọng giải thích cho Phiên hiểu điều đó.

- Không có cô Út thì con làm sao sống được tới giờ này mà nói chuyện đất với đai, ruộng với vườn.

Mang ơn nuôi dưỡng của cô Út, Phiên mỉm cười cho qua hết thảy những chuyện mà bà Bảy bức xúc. Cái tính lành như đất mà trời ban đã cưu mang những nỗi đau cho Phiên tiếp tục bình thản sống với những vết thương sâu như hố vô cực cấy vào đời mình dù trong lòng lúc nào cũng rất đói yêu thương.

Lở đất không phải là câu chuyện mới mẻ gì ở xóm Thị. Lòng sông biến dạng khi lòng người đã mất đi những thiện lương đối với thiên nhiên. Người dân xóm Thị nhốn nháo mỗi khi nhà ai đó bị sông vùi, họ trách cứ đổ lỗi cho khúc sông chảy ngang xóm Thị sao tàn nhẫn nhưng lại quên rằng chính các ao cá tràn lan, các tàu khai thác cát hoạt động suốt ngày đêm trên khúc sông quanh xóm này là những vết cắt đau đớn làm sông thôi dung thứ cho họ.

Sông Răng cồn cào trong cơn đói lả vì cát của mình, những vụ như Tâm gặp là kết quả của quá trình miệt mài ngày đêm sông rỉa bờ, giống như một chú tằm chăm chỉ, cần mẫn cắn từng mảnh lá dâu cho đến khi hết sạch.

Khởi nguồn từ những giọt nước tinh khôi, sông trầm luân trong hành trình khi đến xóm Thị. Vì những mưu lợi, con người đã không cho sông thong thả trôi, người ta nhẫn nại ngày đêm vét cạn cát ở lòng sông để phục vụ cho những món lợi trước mắt. Dường như bị đè nén quá mức, sông Răng ngày càng hung hiểm, khó lường, quyết đòi lại món nợ cát.

Cô Út gần như chết lặng khi thấy nhà và xưởng của Tâm lặn không sủi tăm dưới con sông Răng, đó là những gì mà cô đã làm mọi cách để lấy hết của Phiên. Mọi thứ giờ đây dường như đang rắp tâm hãm hại người đàn bà đã từng là hoa khôi xóm Thị. Cô Út đã sống cả đời quẩn quanh tội nghiệp trên ốc đảo của sự giả tạo do chính mình bày ra.

- Nói thiệt, thấy cũng tội nhưng vừa bụng tao lắm. Sông Răng vô tri nó còn biết thù hằn, ân đền oán trả. Ai như mày. Tao thấy hôm nay sông vui lắm, hả hê chảy qua chỗ mình - Bà Bảy phe phẩy quạt nói với Phiên.

Từ những giọt nước ban đầu, sông khoác lên mình tấm áo lấm lem bụi trần trên ngàn dặm xuôi ra biển cả. Có lúc sông tĩnh lặng, bao dung, che chở, cũng lắm khi cuồn cuộn, hung tợn đáp trả con người. Nghìn trùng đó liệu sông có vui, hả hê như Bảy đã nói?

- Sông Răng vui hay không thì con không biết nhưng con thì không thể hả hê trước sự đau khổ của người khác được, huống hồ chi đây là chuyện nhà của cô Út con. Ai đời lại đi làm vậy.

Trong ánh nắng chiều vàng vọt khi đêm sắp đến, câu nói của Phiên như phả hơi sương mát lạnh làm nguội đi dòng suy nghĩ đang nóng rực của bà Bảy.

Với số tiền đã dành dụm được từ công việc giữ rừng của mình, Phiên tổ chức buổi phát học bổng cho các em học sinh trong xóm Thị tại ngôi trường mà mình đã từng học trước đây. Công việc giữ rừng không thể vắng mặt lâu nên hôm sau Phiên phải về lại khu dự trữ sinh quyển, lần này đi có cả Tâm, vết cắn sâu hoắm của con sông Răng đã làm cho Tâm và cô Út tỉnh ngộ, nó đã bứng những mầm độc ra khỏi tâm trí của hai người. Lúc ra lộ đón xe, Phiên thấy lòng mình nhẹ bẫng khi nghe lời kinh vẳng ra từ nhà cô Út: "Từ nhãn thị chúng sanh".

Rắc yêu thương - Truyện ngắn dự thi của Phan Văn- Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.