Cá dội ao, rau củ đầy vườn...
Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long cho hay ước sản lượng khoai lang tím đang cần hỗ trợ tiêu thụ là trên 300 tấn/ngày, tập trung ở một số công ty, hợp tác xã như Thanh Ngọc, Tân Thành, Tân Lập và nhóm nông hộ Kiều Trang. Các loại rau cần hỗ trợ vào khoảng 138 tấn mỗi ngày, gồm xà lách xoong, rau diếp cá, cải trời, rau nhút, cải ngọt, rau dền, rau muống, mồng tơi, đậu bắp, cải xanh, cải thìa, mướp và dưa leo.
Mặc dù “luồng xanh” đã phần nào thông thoáng hơn trước, nhưng tại cuộc họp chủ trì hội nghị thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 vào ngày 13.9, Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng việc điều hành của một số địa phương còn thiếu sâu sát, cứng nhắc, chưa kịp thời, dẫn tới ùn tắc, ứ đọng trong sản xuất, lưu thông hàng hóa.
“Có địa phương đặt ra quy định xe chở hàng phải sang tải, sang xe, đổi tài xế, làm mất thời gian, gây ùn ứ. Xe chở mấy trăm con lợn, hàng nghìn con gà mà sang tải thì doanh nghiệp làm sao sống nổi! Rồi có địa phương cứng nhắc đến mức người ta chở con giống về thả, để tái đàn mà cũng không cho vào”, Phó thủ tướng dẫn chứng.
|
Tương tự, trung bình mỗi ngày có khoảng 31.000 con gà, 14.000 con vịt, 15.000 con cút, 6.000 quả trứng, 2.000 tấn cá các loại đang cần tìm nguồn tiêu thụ. Đồng cảnh ngộ, một loạt các tỉnh Đồng Nai, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang… đều cho biết nông thủy sản tại địa phương đang ùn ứ khối lượng rất lớn. Cụ thể, tại Hậu Giang đang tồn khoảng 6.000 tấn thủy sản; tại Trà Vinh nguy cơ tồn đọng 100.000 - 150.000 tấn nông sản như rau củ quả, hơn 100.000 tấn thủy hải sản gồm tôm, cá lóc…
Ngay tại H.Củ Chi (TP.HCM), nhưng bà Nguyễn Thị Ánh Lan, Chủ tịch Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Tương Lai (H.Củ Chi), cho hay lượng cá đến kỳ thu hoạch sau hơn 2 tháng vẫn chưa tiêu thụ hết.
Từ đầu tháng 7, thời điểm TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, chợ truyền thống đóng cửa, thương lái không thu mua khiến bà phải chạy đôn chạy đáo tìm kiếm nơi bán lẻ. Nhờ các địa phương, đoàn thể, người dân gom mua chung... cũng bán được khoảng 700 - 800 kg/ngày. Nhưng trong tháng 8 nhiều ngày bà phải ngưng bán cá lóc vì không có lưới đánh bắt, vì bị cúp nước. Ròng rã hơn 2 tháng qua hợp tác xã bán được khoảng 60 tấn, còn 25 - 30 tấn trong ao chưa biết tiêu thụ ở đâu.
Trước đây, đến kỳ thu hoạch, thương lái vào bao trọn trong 5 - 6 ngày là xong, sau đó vệ sinh ao sạch sẽ và thả cá giống cho vụ mới. Nhưng giờ thì phải tiếp tục chờ dù đã trễ mất 1/3 thời gian nuôi trồng vụ mới (từ 6 - 8 tháng tùy loại cá). Cá tồn trong ao nhiều ngày khiến hàng loạt chi phí gia tăng như nhân công, thức ăn và lượng cá bị hao hụt cũng nhiều hơn, giá giảm mạnh.
“Chủ yếu là chúng tôi chỉ bán được trong quận hay bán cho các phường, quận, lực lượng đi chợ hộ, vẫn rất khó khăn khi vào các quận nội thành, chưa kể chi phí cho một chuyến xe chở 1 tấn cá sống phải tốn thêm phí gần 2 triệu đồng nên chỉ mong tiêu thụ được hết cá và cung cấp thực phẩm cho người dân càng nhanh càng tốt để tái sản xuất”, bà Lan chia sẻ. Điều nghịch lý là tại các siêu thị, cửa hàng ở TP.HCM, nhiều người dùng tìm hoài vẫn không thấy bóng dáng cá rô, cá lóc để mua.
|
Xuất khẩu “bít”, chợ đầu mối đóng cửa
Một số siêu thị tại TP.HCM cho hay việc vận chuyển hàng hóa, nông hải sản từ các tỉnh về TP.HCM dễ chịu hơn trước. Nhưng lượng hàng hóa các đơn vị này tiêu thụ vẫn có hạn, không thể “bao” hết được những sản phẩm trước đây vốn được thương lái gom hết và cung cấp cho các chợ truyền thống.
Tích hợp QR code vận tải vào phần mềm quản lý dân cư của Bộ Công anChiều tối 15.9, Bộ GTVT đã họp trực tuyến cùng Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Sở GTVT các tỉnh về kế hoạch vận tải, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh các địa phương đang dần nới lỏng giãn cách.
Báo cáo của Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT, cho biết lũy kế đến nay đã cấp được 556.809 giấy nhận diện phương tiện (QR code). Tổng cục Đường bộ đang phối hợp cùng C06 (Bộ Công an) để bắt đầu chạy thử nghiệm trên phần mềm quản lý dân cư quốc gia từ ngày 17.9, phấn đấu tích hợp việc cấp và quản lý QR code phương tiện vận tải trên phần mềm của C06 vào cuối tháng 9.
Trước việc Hà Nội, TP.HCM đang lên kịch bản để nới lỏng giãn cách, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức vận tải trong tình hình mới trên cả 5 lĩnh vực vận tải gồm: hàng không, đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy.
Mai Hà
|
Ngoài ra, việc giãn cách và quy định sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” khiến công suất nhiều nhà máy chế biến nông thủy sản giảm đến 90%, nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động. Riêng Cần Thơ có đến 95% doanh nghiệp sản xuất tạm đóng cửa. Vì vậy các hộ nuôi trồng thủy sản chưa tìm được đầu ra.
Theo ông Nguyễn Bình Phương, Phó giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức, sau thời gian tổ chức điểm tập kết - trung chuyển hàng rau củ quả, trái cây tại chợ, từ ngày 23.8 đến nay thì cũng tạm ngưng hoạt động do thực hiện giãn cách tăng cường của UBND TP.HCM.
Hiện tại, Ban quản lý chợ đã thông báo đến thương nhân đăng ký để tập kết hàng hóa về lại, chủ yếu 2 mặt hàng rau củ quả và trái cây nhưng chưa biết số lượng sẽ thế nào. Đến nay có khoảng 10 thương nhân đã đăng ký. Nếu cả 10 thương nhân này tập kết hàng hóa về đủ như trước, trung bình mỗi đêm có khoảng 100 tấn rau củ quả trái cây được đưa về thành phố. Tuy nhiên, vị này cho hay mọi số liệu chưa có gì chắc chắn, do lực lượng lao động, người làm cho các vựa rau, trái cây bị thiếu hụt trầm trọng.
Ví dụ, trước ngày 23.8, tại điểm tập kết chợ đầu mối Thủ Đức trong thời gian đầu về khoảng 18 - 20 tấn rau củ quả trái cây mỗi ngày. Nhưng sau đó, lượng hàng về giảm sút mạnh, trung bình chỉ 3 - 4 tấn/ngày do các thủ tục xét nghiệm, giấy đi đường khó khăn, các yêu cầu đưa hàng về, đăng ký xe, người lao động lại nhiễm dịch khiến các vựa cũng ngưng hoạt động.
Ngoài ra trên thực tế, dù “luồng xanh” vận tải hàng hóa có thông thoáng hơn, nhưng theo một doanh nghiệp vận tải tại TP.HCM, quy định tài xế hay người đi theo xe vận tải phải có giấy xét nghiệm Covid-19 cứ 3 ngày/lần khiến tài xế mệt mỏi, công ty tốn chi phí; phải đăng ký tuyến chạy cố định nên nhiều tuyến khách hàng muốn chuyển hàng đột xuất thì không được...
Bình luận (0)