'Rẽ trái' sang làm nông: Trồng lan rừng 'ngon' hơn làm ngân hàng

26/12/2016 14:00 GMT+7

Nắm trong tay 2 bằng cử nhân quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng nhưng Vũ Huy Hoàng (32 tuổi) lại quyết định về nhà trồng lan rừng rồi vươn lên làm giàu.

Dù mới ra đời chỉ ít năm, nhưng vườn lan Hương Rừng (số 2 Tây Sơn, TT.Liên Nghĩa, H.Đức Trọng, Lâm Đồng) của chàng trai Vũ Huy Hoàng đã được giới chơi lan trong nước biết đến, bởi nhiều loài lan “độc”.
Hoàng kể việc anh đến với nghề trồng lan rừng này xuất phát từ sở thích và niềm đam mê. Khi còn làm việc ở ngân hàng, anh chơi lan và “tranh thủ” mua đi bán lại để kiếm lời. Đầu năm 2012, anh đầu tư hơn 80 triệu đồng gầy dựng vườn 100 m2 trồng các loại lan rừng đặc hữu của Lâm Đồng như thủy tiên, long tu, kim điệp… để chơi và kinh doanh. “Khi giới thiệu sản phẩm ra thị trường, tôi nhận thấy nhu cầu trưng bày và trồng lan ngày càng nhiều và không giới hạn tuổi tác, nghề nghiệp. Vì thế, đầu năm 2013, trên nền đất sẵn có của gia đình, tôi mở thêm hơn 500 m2 vườn với tổng kinh phí đầu tư trên 400 triệu đồng, nâng tổng diện tích vườn lên hơn 600 m2 để trồng lan”, anh Hoàng tâm sự.
Nhận thấy các giống lan thân thòng (giống lan thân dài, rủ) như giả hạc Hawaii, giả hạc Pháp, đại ý thảo được thị trường ưa chuộng và có giá trị thương phẩm cao nên anh Hoàng tiến hành trồng các dòng lan này. Đồng thời, anh còn nhập thêm các giống lan mới có giá trị cao từ Thái Lan, Đài Loan về trồng và cung cấp cho các vườn bạn để nâng cao thu nhập. Tháng 4.2016, anh Vũ Huy Hoàng chính thức nghỉ việc ở ngân hàng và về nhà chuyên tâm với nghề trồng lan của mình. Việc làm ăn phát triển tốt, anh Hoàng mua thêm 1 ha đất cà phê ở xã lân cận Bình Thạnh (H.Đức Trọng) và đầu tư 3.000 m2 nhà lưới tiếp tục trồng lan. Đến nay trại lan rừng của anh Hoàng có hơn 30 giống các loại. Hằng năm cung cấp ra thị trường hàng ngàn chậu lan (giò lan) với giá từ 200.000 đồng đến 45 triệu đồng/chậu, mang về doanh thu hơn 2,5 tỉ đồng/năm.
Mọi việc thấy có vẻ đơn giản vậy, nhưng theo anh Hoàng khi bước chân vào nghề thì vô cùng khó khăn, vất vả. “Khó nhất là kỹ thuật chăm sóc, bởi mình không nắm bắt được cụ thể nhu cầu thiết yếu của cây lan như độ gió, độ nắng, độ ẩm như thế nào, nhu cầu bón phân và chế độ phân ra sao. Ngoài ra, khi cây đã phát triển tốt rồi thì chuyện “điều khiển” cây ra hoa cũng rất khổ. Tùy loại lan mà việc gây ức chế để cây ra hoa hay đâm chồi cũng khác nhau, rồi chế độ tưới, ngắt nước như thế nào trước khi gây ức chế để cây cho hoa đúng dịp tết cũng là chuyện không đơn giản. Trong khi đó, với nghề lan này, nhiều người chơi cũng giấu một ít bí quyết riêng chứ không dễ dàng chỉ cho ai nên đến họ học hỏi kỹ thuật cũng khó”, anh Hoàng cho biết.
“Không chỉ đi vào trồng và kinh doanh lan chuyên nghiệp, tôi sẽ đầu tư phát triển thành điểm du lịch mini phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm. Dù nghề này còn có bí quyết riêng, nhưng nếu ai có nhu cầu tìm hiểu những vấn đề liên quan thì cứ đến vườn lan hoặc gọi điện thoại (0937006879, 0962339979) tôi sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ”, anh Vũ Huy Hoàng chia sẻ.
Tháng 6.2015, Vũ Huy Hoàng nhận giải thưởng Lương Định Của - phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dành cho “nhà nông trẻ xuất sắc” trong toàn quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.