Những lời đồn đại xung quanh tình hình sức khỏe của ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton không hề giảm đi bất chấp lời trấn an của chính đương sự. Điều đáng ngạc nhiên là những tờ báo lớn như The Washington Post, The Los Angeles Times cũng nhập cuộc hăng say, lần lượt đưa ra nhiều giả thuyết và phân tích xung quanh tình trạng của bà này.
Từ chuyện đầu độc
Tin tức mới nhất được báo chí Mỹ đăng tải chính là ý kiến đến từ một chuyên gia nổi tiếng về bệnh lý học: bà Clinton có thể bị đầu độc. Đối với dân Mỹ, Bennet Omalu là một tên tuổi khá phổ biến. Ông là nhà khoa học pháp y từng phát hiện chứng bệnh chấn động não kinh niên (CTE) trong não của những cầu thủ môn bóng bầu dục Mỹ, khiến liên đoàn tổ chức giải bóng bầu dục quốc gia của Mỹ lâm vào tình trạng khó xử vì bị tố cố tình che giấu các kết quả báo cáo trước dư luận. Câu chuyện về cuộc nghiên cứu của ông Omalu đã được dựng thành phim Concussion (Sang chấn) phát hành năm 2015, do tài tử Will Smith thủ vai chính.
Theo sau vụ bà Clinton gần như ngất đi ở thành phố New York vào ngày 11.9, chuyên gia y học này đã khuyên bà nên kiểm tra xem có độc tố trong cơ thể hay không, theo tờ The Washington Post ngày 13.9. Ông cũng thúc giục đội ngũ vận động tranh cử của bà Clinton hãy nhanh chóng thử máu cho cựu ngoại trưởng Mỹ. “Có khả năng bà ấy bị đầu độc”, ông viết trên tài khoản cá nhân Twitter.
Dòng tweet của bác sĩ Omalu lập tức gây nổi sóng, với đủ kiểu phản hồi đầy hoài nghi. Tuy nhiên, điều này không gây được áp lực đối với vị bác sĩ có thành tích cao và nhất là hết sức kiên trì với quan điểm của mình.
Bác sĩ Omalu, sinh ra tại Nigeria và trở thành công dân Mỹ vào năm 2015, từng cương quyết theo đuổi cái chết của một số cầu thủ bóng bầu dục của đội Pittsburgh Steelers vào thời điểm làm việc ở phòng giám định pháp y của thành phố. Cuối cùng, ông cũng thuyết phục được dư luận rằng các cầu thủ này bị chấn thương não sau nhiều lần bị đánh vào đầu trong lúc thi đấu.
Như thường lệ, trước những ý kiến phản đối, ông Omalu tiếp tục đăng thêm một dòng tweet khác với nội dung nghi ngờ Tổng thống Nga Vladimir Putin và ứng viên đại diện của đảng Cộng hòa là Donald Trump, người không ít lần bày tỏ sự “ái mộ” với nhà lãnh đạo của Điện Kremlin, theo tờ The Los Angeles Times.
|
Nhân dịp này, tờ The Washington Post nhắc lại vụ cựu điệp viên KGB Alexander Litvinenko bị đầu độc bằng chất phóng xạ tại London vào năm 2006. Theo thông tin từ một cuộc điều tra do Anh triển khai được công bố vào tháng 1.2016, có chứng cứ gián tiếp nhưng thuyết phục cho thấy chính phủ Nga phải chịu trách nhiệm cho cái chết của ông Litvinenko.
Đến nghi vấn thế thân
Trong lúc dư luận đang xôn xao với kết quả “chẩn bệnh” từ xa của bác sĩ gốc Nigeria, một tin đồn mới cũng không chịu thua kém khi lan nhanh trong giới truyền thông và internet: bà Clinton có người thế thân. “Chứng cứ” duy nhất cho giả thuyết trên là những bức ảnh chụp vào ngày 11.9, khi nữ chính khách phải rời khỏi buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân trong vụ 11.9 ở New York, mà theo lý do chính thức là bị trúng nắng khi cơ thể đang bị viêm phổi.
Một số người đã chỉ ra những điểm khả nghi về mặt hình thể của hai bức ảnh trước và sau khi bà được đưa đến nhà con gái Chelsea, từ xương gò má, da láng so với da nhăn, và vòng bụng.
|
Nhiều người còn chỉ ra rằng thật là điều bất thường khi bà Clinton không được bao quanh bởi vòng vây mật vụ sau sự cố. Bà dành thời gian đi bộ trên lề đường, nói với những người ủng hộ rằng mình vẫn khỏe, và ngừng lại chụp ảnh chung với một cô bé, theo tờ USA Today ngày 13.9. Một nhân vật khá giống bà Clinton và chuyên bắt chước nữ chính khách này là bà Teresa Barnwell ban đầu cũng nhập cuộc với lời úp mở rằng có thể mình đã ở New York vào ngày hôm đó.
Thông tin trên càng làm cộng đồng mạng thêm phấn khích, nhất là sau khi bà Barnwell từng chụp ảnh trước tòa nhà của Chelsea Clinton, con gái độc nhất của vợ chồng cựu tổng thống, tại New York cách đây vài tuần. Tuy nhiên, sau đó bà này thừa nhận chỉ “đùa cho vui”, và trên thực tế mình đang ghi hình ở Los Angeles. “Mọi người hãy bình tĩnh lại nào”, theo dòng tweet mới của bà Barnwell.
Bất chấp nỗ lực trấn an từ đội ngũ triển khai chiến dịch tranh cử của bà Clinton, ai nấy đều tỏ ra hoài nghi về sức khỏe hiện tại của nữ ứng viên, với quan ngại cho rằng bà không đủ khỏe để đảm đương cương vị tổng thống. Trong đoạn clip ghi lại cảnh bà Clinton loạng choạng khi rời buổi lễ tưởng niệm ở New York, một phụ nữ có vẻ như yêu cầu bà siết chặt các ngón tay, một cách kiểm tra thần kinh khiến nhiều người nghi ngờ bà này mắc chứng Parkinson.
Thậm chí cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani, người ủng hộ ông Donald Trump, mới đây cũng thúc giục dân Mỹ lên mạng xem clip đó. Giả thuyết gây tranh cãi tiếp tục thu hút sự chú ý của nhiều người khi một cựu mật vụ có thâm niên 29 năm tên Gary Byrne phân tích rành rọt từng chi tiết trong clip, mà theo ông này là các triệu chứng tai biến.
Vẫn chưa rõ điều gì thực sự đang diễn ra cho sức khỏe của bà Clinton. Tuy nhiên, những giả thuyết dạng này có thể gây ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ, do vị trí lãnh đạo nước Mỹ cần một người có sức khỏe để đảm đương trọng trách.
Thói quen phớt lờ bệnh tật
Bà Clinton nổi tiếng là người cuồng công việc. Điều mà ít người biết được là nữ ứng viên tổng thống có thói quen nghĩ rằng mình có thể vượt qua bệnh tật để làm việc như bình thường, theo Hãng tin AP. Năm 1998, bà từng bị vón máu ở đầu gối phải, buộc bác sĩ Nhà Trắng phải yêu cầu bà nằm viện một tuần.
Tuy nhiên, bà Clinton cương quyết lên đường vận động tranh cử giữa kỳ cho đảng Dân chủ và mang theo y tá chăm sóc riêng. Trong những ngày đảm nhiệm chức ngoại trưởng, bà từng bị choáng và ngất xỉu tại nhà, bác sĩ cho hay bà bị mất nước và nhiễm vi rút dạ dày sau chuyến công du châu Âu.
Một số cuộc chẩn đoán sau đó phát hiện bệnh nhân xuất hiện vón máu trong tĩnh mạch ở khu vực gần não bộ và xương sọ, đằng sau tai phải. Thói quen phớt lờ bệnh trên một lần nữa gây ra thảm họa cho chiến dịch bầu cử tổng thống của chính bản thân bà Clinton. Sau khi được chẩn đoán viêm phổi, bà Clinton vẫn quyết định làm việc theo lịch trình bình thường, và một lần nữa giữ kín bệnh trạng với mọi người xung quanh, cho đến khi xảy ra sự cố ngày 11.9.
|
Bình luận (0)