Khi chui vào cống rãnh, robot sẽ “nội soi” lòng cống bằng camera, rồi chuyển hình ảnh về màn hình điện thoại.
Đó là robot tuần tra cống rãnh của 5 học sinh tỉnh Đồng Tháp, nằm trong top 20 dự án xuất sắc ở vòng chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2021” cấp quốc gia (Bộ GD-ĐT tổ chức).
Phạm Việt Khánh (bìa trái) và các thành viên nhóm |
Xót xa khi thấy công nhân chui cống
Phạm Việt Khánh, học sinh lớp 11 Trường THPT Trường Xuân, H.Tháp Mười, trưởng nhóm, người đầu tiên có ý tưởng cho robot này, chia sẻ từng xem phóng sự những công nhân môi trường phải chui sâu xuống ống cống đen ngòm, tối thui để “bắt bệnh” cho cống thì rất xót xa.
Chúng tôi mong muốn không chỉ phát triển mạnh mẽ robot để “nội soi” những nơi tối tăm nguy hiểm như cống thoát nước ly tâm, ống cống xây vuông dân dụng mà còn có thể hoàn thiện robot thành thiết bị ứng dụng trong các công việc như lau dọn, vệ sinh mặt kính tường, vệ sinh trần nhà…
“Công việc của họ quá vất vả. Vậy tại sao mình không chế tạo những con robot có thể chui cống, kiểm tra bên trong, để người công nhân môi trường đỡ nguy hiểm, vất vả hơn?”, Khánh bộc bạch.
Chàng trai cho hay được biết công ty môi trường ở Việt Nam có robot kiểm tra cống, song robot được mua từ Mỹ với giá nhiều tỉ đồng, do đó chưa thể phổ biến rộng rãi khắp các địa phương. Chính vì thế, Khánh kết nối với các bạn trẻ khác cùng có đam mê khởi nghiệp sáng tạo, cùng lập nhóm để chế tạo robot. Động lực của cả nhóm là nếu thiết kế robot “nội soi” cống rãnh của nhóm thành công, chi phí sản xuất mỗi con chỉ khoảng 10 triệu đồng, có thể sử dụng rộng rãi ở cả thành thị và nông thôn.
Robot leo tường, bò trên trần nhà
Nhóm của Khánh cho chúng tôi xem những video robot di chuyển thực tế trong cống rãnh cũng như leo tường, di chuyển trên trần nhà. Trên bức tường cao 5 m thẳng đứng, robot di chuyển lên xuống dễ dàng nhờ bàn phím điều khiển từ xa. Trong lòng cống, robot di chuyển hơn 20 m, có thể leo lên các vách bên trong, chuyển những hình ảnh từ camera về điện thoại di động cho người xem.
Thiết bị được điều khiển trên điện thoại, dễ dàng theo dõi trên màn hình các thông số hoạt động của robot như phần trăm pin, tốc độ, nhiệt độ, áp suất, độ nghiêng. “Nếu không sử dụng cánh quạt, pin của robot có thể di chuyển khoảng
20 - 30 phút. Còn nếu dùng cánh quạt, pin tiêu hao nhanh hơn, thời gian di chuyển ngắn hơn”, Khánh cho hay.
Theo chàng trai trưởng nhóm, robot còn một số hạn chế cần khắc phục như chưa có hệ thống cảm biến ở bánh xe, do đó chưa phát hiện được những chướng ngại vật hay hư hỏng ở bề mặt bê tông, cống rãnh để phát tín hiệu cảnh báo. Chưa đo được độ mài mòn của vật liệu để thông báo mọi người sửa chữa. Hình ảnh camera quay chưa được lưu trong bộ nhớ. “Robot chưa chạy được trong lòng cống có nước, điều này quan trọng, cần phải khắc phục đầu tiên”, Khánh trăn trở.
Tuy nhiên, theo trưởng nhóm, điểm độc đáo của robot là nó có thể leo trên nhiều bề mặt với nhiều phương khác nhau như nằm nghiêng, thẳng đứng, lật ngược, do robot dùng lực hút ly tâm nhờ cánh quạt quay tạo chênh lệch áp suất.
“Do đó trong tương lai, chúng tôi mong muốn không chỉ phát triển mạnh mẽ robot để “nội soi” những nơi tối tăm nguy hiểm như cống thoát nước ly tâm, ống cống xây vuông dân dụng mà còn có thể hoàn thiện robot thành thiết bị ứng dụng trong các công việc như lau dọn, vệ sinh mặt kính tường, vệ sinh trần nhà; hay robot lau sàn nhà gia đình, phun và lau dung dịch khử khuẩn ở cơ sở y tế phòng chống dịch Covid-19; hoặc robot có thể kiểm tra kết cấu kiến trúc, điều kiện ẩm mốc, bề mặt vật liệu ở trên cao…”, Khánh cho biết.
Robot và mặt dưới của robot do các học sinh sáng tạo |
NVCC |
Nuôi dưỡng những khát vọng sáng tạo
Dự án làm robot “nội soi” cống rãnh của nhóm từng giành giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật H.Tháp Mười, giải ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp, giải nhất cuộc thi cùng bạn kiến tạo tương lai do Samsung tổ chức, giải nhất cuộc thi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo do Tỉnh đoàn Đồng Tháp khởi xướng năm 2021.
Điều đáng chú ý, nhóm có 5 em đều là học sinh. Việt Khánh chịu trách nhiệm nghiên cứu về nguyên lý hoạt động, khả năng cải tiến, phương hướng phát triển robot trong tương lai. 4 bạn còn lại gồm Đặng Trí Toàn, Dương Hoàng Khang, Nguyễn Thị Yến Thi học lớp 9A1, Trường THCS Trường Xuân và Nguyễn Quang Vinh học lớp 10A1, Trường THPT Trường Xuân. Các bạn chia ra cùng nghiên cứu chức năng, cải tiến kỹ thuật, cải tiến pin, động cơ để robot mạnh mẽ hơn.
Đặc biệt không kém, giáo viên hướng dẫn của nhóm là thầy Nguyễn Đức Vĩnh, dạy thể dục của Trường THPT Trường Xuân. Với niềm đam mê khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, thầy không ngừng học hỏi các kiến thức liên quan và đồng hành cùng học trò. Vui mừng trước sự say mê nghiên cứu của học trò, thầy Vĩnh mong muốn có thể cùng nuôi dưỡng những khát vọng sáng tạo trong các em.
“Tôi hướng dẫn các em lựa chọn linh kiện, lắp ráp, lập trình hệ thống nhúng cùng các kiểm thử nghiệm, thực nghiệm sản phẩm. Làm việc chung với học trò, tôi nhận thấy các em rất tâm huyết với dự án, có ý chí ham học hỏi, tìm tòi và sáng tạo”, thầy Vĩnh nói.
Tuy nhiên, theo thầy Vĩnh, nhóm sẽ phải kiên trì để giải quyết nhiều vấn đề hơn trong tương lai. “Cơ cấu bánh xe chưa hoàn thiện để leo qua được các vận cản trên 2 cm, phương thức kết nối điều khiển robot với khoảng cách chưa được xa. Nhóm đã có hướng phát triển và hoàn thiện trong tương lai, tuy nhiên kinh phí chưa có, rất mong sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các đơn vị quan tâm”, thầy Vĩnh cho biết.
Bình luận (0)