“Cò đất” lùng sục đến tận nhà dân, tỉ tê, dụ dỗ để làm giá, hướng đến những giao dịch thành công với giá đất cao gấp nhiều lần so với cách đây vài tháng. Tệ hơn, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, cả tin của người bản địa, một số “cò đất” đã sử dụng nhiều mánh khóe, lừa đảo người dân như chiếm sổ đỏ để vay tiền, chiếm đoạt đất đai của người dân.
Nhiều nhà dân ở xã Chư Đăng Ya bị “cò đất” dòm ngó, lừa đảo |
TRẦN HIẾU |
Không riêng tại xã Chư Đăng Ya mà tại Gia Lai những tháng qua luôn sục sôi nhiều hoạt động môi giới, buôn bán đất đai với những lời rao có cánh như view ruộng lúa, hồ nước… thích hợp xây khu nghỉ dưỡng, nhà vườn, biệt thự. Giá đất dao động từ vài trăm triệu đồng/lô đến nhiều tỉ đồng/lô tùy vị trí. Rất dễ nhận ra tại nhiều quán cà phê, giới “cò đất” xuất hiện, nói năng oang oang chuyện lời lãi, đầu cơ.
Nhiều người chưa am hiểu gì về đất đai, chỉ thấy “người ta ăn khoai mình vác mai đi đào”, đổ xô đi buôn đất. Nhiều nhà đầu tư cũng xuất hiện một cách… ngẫu nhiên như thế. Không ít người liều lĩnh vay mượn từ nhiều nguồn khác nhau để đầu tư, bất chấp rủi ro. Việc thổi giá, tung tin thất thiệt của “cò đất” để đánh lừa nhà đầu tư nhằm thu lợi đã tạo nên những cơn sóng ngầm nguy hiểm.
Thực trạng tại Chư Đăng Ya nói riêng và Gia Lai nói chung cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, hướng đến thị trường nhà ở và bất động sản trên địa bàn phát triển ổn định, bền vững, minh bạch; các chủ đầu tư dự án bất động sản, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng nhà ở, kinh doanh bất động sản và các quy định của pháp luật khác có liên quan trong quá trình triển khai dự án. Đây là khuôn thước chuẩn để người bán lẫn người mua không bị khổ với nạn “cò đất” chi phối, lừa đảo.
Bình luận (0)