Rời phố về quê, ông chủ trẻ Sài Gòn ra đồng cấy lúa, mò cua bắt ốc

Thúy Hằng
Thúy Hằng
02/06/2021 18:38 GMT+7

Rời Sài Gòn phố phường nhộn nhịp về quê, Tô Tiểu Tường từ bỏ việc làm ông chủ để chọn cuộc sống bên gà vịt. Anh gieo mạ, cấy lúa; sáng thì mò cua bắt ốc, hái rau, nấu nồi bún riêu bốc khói thơm lừng.

Thôn xóm ở H.Tiền Hải, tỉnh Thái Bình một ngày mùa thu, người ta thấy xuất hiện một chàng trai giọng miền Nam đặc sệt, quần jeans, áo sơ mi chỉn chu, mặt thì trắng trẻo, chở theo hành lý lủng lẳng nào niêu đất, cối đá, bát đĩa gốm mộc…
Trong một buổi sáng mưa phùn rét run, chàng trai này lội xuống ao nạo vét bùn, đổ lên sân, hì hục trộn đất để gieo mạ, lúc sau đã thấy anh đeo giỏ ra ruộng mò cua bắt ốc. “Thằng cò này làm gì ấy nhỉ, không biết giai thành phố chịu vất vả được mấy ngày”, người dân địa phương xì xào và Tô Tiểu Tường chỉ cười hiền.
Rời phố về quê là một quyết định được suy nghĩ và tính toán thấu đáo của chàng trai 30 tuổi chứ không phải nổi hứng thì “về nuôi cá và trồng thêm rau" như Đen Vâu hát.

Rời phố về quê với 24 triệu đồng và 2 con mèo

Tô Tiểu Tường (tên thật là Tô Văn Lộc) sinh ra và lớn lên ở TP.HCM. Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, anh thuê kiosk trong tầng hầm một trung tâm thương mại ở Q.1 để kinh doanh sản phẩm du lịch. Trong mắt bạn bè, Tô Tiểu Tường là ông chủ, nhưng chàng trai thấy cuộc sống ngột ngạt và quyết định rời TP.HCM để về một miền quê vào tháng 3.2020.
“Mỗi năm 365 ngày, mỗi ngày tôi làm việc trong tầng hầm suốt 12 giờ. Trung tâm thương mại thì hào nhoáng nhưng ngoài kia, mưa nắng ra sao tôi không biết, cuộc sống quẩn quanh 4 m2. Dịch Covid-19 như một cái duyên, cơ hội để tôi có góc nhìn khác. Tôi muốn thay đổi môi trường sống và thử thách bản năng sinh tồn của mình”, Tô Tiểu Tường kể.

Ông chủ trẻ ngày nào giờ thành người nông dân quen hết mọi việc nhà nông

NVCC

Cha mẹ mất cách đây 5 năm, Tô Tiểu Tường không có quê để về và được người bạn thân ở Tiền Hải, Thái Bình mời về quê mình, nơi có ngôi nhà nhỏ, vườn tược rộng rãi, ở miễn phí. Thế là Tường quyết định về Thái Bình. 
Quyết định là làm.Trong 6 tháng chuẩn bị, anh đi Thái Bình để khảo sát nơi ở, chỉnh trang lại nhà cửa, tìm hiểu văn hóa, thời tiết địa phương rồi dùng tiền dành dụm bấy lâu để học thêm về nông nghiệp, sinh học, cách quay dựng phim, mua thiết bị máy móc.
Sau đó, Tô Tiểu Tường vẫy tay tạm biệt Sài Gòn, về Thái Bình làm nông dân và YouTuber toàn thời gian. “Hành trang tôi mang theo là 24 triệu đồng, phí sinh hoạt đủ một năm và hai con mèo. Mỗi tháng tôi chỉ chi tiêu hết 2 triệu, vì rau củ tự trồng, gà vịt tự nuôi, thịt heo mỗi tuần ăn một bữa, thịt bò nếu giá đắt thì có thể ăn mỗi tháng một lần cũng không sao”, anh cười.

Hình ảnh "thiếu nam" làm vườn, nấu ăn

Xem những đoạn phim mới nhất Tô Tiểu Tường quay, người ta được thả hồn về làng quê yên bình, trong trẻo với khói bếp, hái bắp, nấu chè, gói bánh…
Tô Tiểu Tường kể vui: “ Mọi người có thể đã quen với các cô thiếu nữ trên màn ảnh hái rau, nấu cơm, gói bánh, thêu thùa… Còn tôi, sẽ chinh phục người xem với hình ảnh “thiếu nam” làm vườn và nấu ăn”.

Những hình ảnh cuộc sống bình yên khiến mọi người muốn trở về ngôi nhà của mình

NVCC

Ngôi nhà và mảnh vườn ở Tiền Hải, Thái Bình vốn khá rộng nên Tô Tiểu Tường thiết kế lại vườn, làm chuồng gà vịt, dọn ao, trồng thêm đủ loại cây trồng, mở thêm không gian cho sân cỏ, đập bớt bờ dậu và khai thông hướng nhìn ra đồng ruộng…
Buổi sáng, ông chủ trẻ ngày nào cũng quần quật ngoài vườn chăm cây, chiến đấu với “mafia” là lũ sâu, ra đồng mò cua bắt ốc, nấu cơm... Vào buổi chiều, anh nghiên cứu nội dung cho tập tiếp theo trên YouTube. "Đến tối, tôi nấu cám cho gà vịt, nói chuyện với mọi người. Về đây tôi đã quen với thôn xóm có 16 gia đình ở cạnh nhau”, chàng trai kể.
Dù sinh ra, lớn lên ở TP.HCM nhưng tuổi thơ của Tô Tiểu Tường đầy trải nghiệm khi theo mẹ đi mưu sinh từ nhỏ, từ kết cườm, lắp khóa kéo, gọt vỏ thơm, bán vé số… . Sau này, anh đi làm ở công ty sự kiện rồi kinh doanh. Do đó, khi bắt tay vào cuộc sống mới ở quê, tự tay gieo mạ, cấy lúa, bắt ốc, nuôi vịt... không khó khăn nào khiến anh nhụt chí.

Nhịp sống bình yên với làm vườn, hái trái cây, nuôi vịt...

NVCC

Đối với trai Sài Gòn về sống giữa miền quê Bắc Bộ, cách xưng hô, cách gọi tên rau củ, đồ vật khiến anh bối rối. “Có hôm tôi đang rửa ốc ngoài ao thì cô hàng xóm gọi “cò ơi”, tôi không biết là gì, hóa ra đó là cách gọi dễ thương với các bé trai”, anh vui vẻ.

Sẽ viết sách về nghề làm YouTube

Thông qua những video trên kênh YouTube, Tô Tiểu Tường cho biết anh muốn chia sẻ văn hóa ẩm thực đa dạng khắp các vùng miền của Việt Nam, từ tô bún riêu cua đồng thơm nức của miền Bắc, tới nồi thịt ba chỉ kho trứng nước dừa, chuối bọc xôi nếp nướng chan đẫm miếng cốt dừa béo ngậy của miền Nam.

Tô Tiểu Tường thay đổi góc nhìn về cuộc sống ở tuổi 30

NVCC

Bên cạnh đó, anh muốn kể cho mọi người khắp mọi nơi phong cảnh làng quê yên bình với những cách làm nông truyền thống trước đây như như bẫy cua bằng hom đan bằng tre, xay bột bằng cối đá thủ công, gặt lúa bằng liềm… giúp mỗi người có những phút giây bình yên trong tâm hồn.
Tô Tiểu Tường đang chuẩn bị kết nối với một số gia đình ở thành phố để “bao cấp” nông sản theo kiểu cùng nuôi nhau, để mọi nhà đều được ăn nông sản sạch, bà con ở quê thì có thể bán được rau củ có giá hơn.
“Thời gian tới, tôi sẽ viết sách về nghề YouTube để người trẻ có thể học được nhiều điều từ nó. Thế giới YouTube rộng lớn và rất nhiều thú vị, nghề này rèn cho tôi sự nhẫn nại khủng khiếp và không có sự sáng tạo thì khó lòng tồn tại”, chàng trai rời phố về quê bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.