Sẽ không có gì đáng bàn nếu không có một thực tế trớ trêu: Hàng loạt trận đấu bị hoãn vì Covid-19, chưa biết sẽ phải đá lại vào lúc nào, chỉ biết là… không được đá vào lúc này!
Theo truyền thống, Premier League là giải đấu lớn duy nhất không bao giờ nghỉ đông (ngược lại, còn tăng mật độ thi đấu khi các giải VĐQG xung quanh nghỉ đông). Sau bao cuộc tranh cãi bất tận thì rút cuộc, Premier League cũng đã có kỳ nghỉ đông đầu tiên trong lịch sử, ở mùa bóng 2019 - 2020. Đó là một cuộc nghỉ đông cực kỳ nhiêu khê: Các đội nghỉ… luân phiên, sao cho quả bóng vẫn lăn đều đặn để phục vụ khán giả, các cúp trong nước vẫn diễn ra đúng lịch trình, trong khi mỗi đội rút cuộc đều có một khoảng nghỉ 2 tuần!
M.U thắng West Ham lọt vào top 4 nhưng đây chỉ là bước tiến “ảo” |
AFP |
Mùa bóng 2020 - 2021 phải bỏ đợt nghỉ đông vì lịch thi đấu bị dồn ép do ảnh hưởng của cơn đại dịch. Mùa này, đợt nghỉ đông xuất hiện trở lại ở Premier League. Nhưng, giống như nhiều lĩnh vực khác, bóng đá Anh vẫn luôn khác thường so với các giải đấu xung quanh, và chuyện nghỉ đông của Premier League không phải là ngoại lệ. Nghỉ đông ở thời điểm này cũng đã là… kỳ cục rồi, nhưng đó chỉ là chi tiết lạ đầu tiên. Ban đầu, Ban tổ chức Premier League tính toán: Đây là lúc mà Cúp châu Phi (có rất nhiều hảo thủ thuộc Premier League) tiến vào giai đoạn quan trọng, nên nghỉ đông ngay lúc này là để “giảm thiểu thiệt hại” cho các đội mất nhiều ngôi sao châu Phi. Thế rồi, lại nảy sinh vấn đề liên quan, cũng vì Covid-19: Một số khu vực khác, như châu Á hoặc Nam Mỹ, cũng cần sắp xếp các trận quốc tế trong khoảng thời gian này, chủ yếu là vòng loại World Cup 2022.
Ngoài Premier League thì nhiều giải VĐQG quan trọng cũng chủ động tạm ngưng trong đợt cuối tuần từ 24 - 30.1. Khác biệt ở chỗ các giải kia không có hoặc có rất ít trận đấu bị hoãn vì Covid-19. Ngược lại, Premier League có hơn 20 trận bị hoãn - tương đương hơn 2 vòng đấu. Giả sử không nghỉ, đã thi đấu không xuể rồi. Đằng này, Ban tổ chức Premier League cương quyết không chấp nhận cho trận đấu bù nào diễn ra từ nay đến ngày 5.2. Trước đây, các đội “van nài” nghỉ đông để tránh nguy cơ kiệt sức, cũng không được. Bây giờ, nhiều đội muốn tranh thủ lịch trống để đá bù, cũng không được!
Cái lý của Ban tổ chức Premier League là trong những ngày sắp tới, có những đội quy tụ đầy đủ lực lượng mạnh nhất, trong khi có những đội phải trả cầu thủ cho đội tuyển quốc gia, nên thi đấu là không công bằng. Đây là chỗ kém thuyết phục, bởi theo tuyên bố “tất cả cùng nghỉ” của Premier League, thì ngay cả các đội tự thỏa thuận được với nhau rằng sẽ tranh thủ đá bù trong những ngày này, vẫn phải “tôn trọng kỳ nghỉ đông”.
Nói chung là quá rối rắm, bởi cần nhớ là ngay sau kỳ “nghỉ đông bắt buộc” thì nhiều đội ở Premier League lại còn vướng bận với Cúp FA, League Cup, hoặc cả hai cúp. Trong số hơn 20 trận bị hoãn ở Premier League hiện thời, người ta chia nhóm: một số ít đã đá bù xong (như M.U thắng Brentford 3-1); một số ít các trận đã được xếp lịch đá bù; còn lại đa số chưa biết sẽ đá bù vào lúc nào. Có đội bị hoãn nhiều trận chứ không phải một. Có đội bị hoãn, rồi khi kiếm ra ngày trống để đá bù thì lại bị hoãn tiếp!
Hậu quả là ngay lúc này, Premier League đang có một bảng xếp hạng kỳ dị. Burnley đứng chót bảng nhưng mới đá 17 trận tính đến hết thứ bảy vừa qua, trong khi Norwich (đứng ngay trên nhóm rớt hạng) đã thi đấu 22 trận. Man.City và nhiều đội còn đá đến 23 trận. Khi M.U thắng West Ham để lọt vào “top 4”, thì đó là bước tiến “ảo”, vì ở thời điểm ấy M.U chỉ hơn Tottenham 2 điểm trong khi đã đá nhiều hơn 3 trận. Vì nhiều lý do, Chelsea sẽ chỉ đá một trận ở Premier League từ nay đến tận ngày 5.3 (gặp Crystal Palace ngày 19.2). Vẫn vậy: Nói về lịch thi đấu, thì không đâu rối rắm như Premier League.
Bình luận (0)