Rộn ràng lễ hội mở cửa biển ở đảo tiền tiêu mong tôm cá đầy khoang

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
24/02/2024 19:59 GMT+7

Xã đảo tiền tiêu Thanh Lân (H.Cô Tô, Quảng Ninh) lần đầu tiên mở lễ hội mở cửa biển với mong muốn ngư dân ra khơi một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang.

Ngày 24.2, xã Thanh Lân (H.Cô Tô) lần đầu tiên tổ chức lễ hội mở cửa biển, trên cơ sở tín ngưỡng thờ cá Ông của người dân các vùng biển hội tụ, sinh sống trên địa bàn.

Rộn ràng lễ hội mở cửa biển ở đảo tiền tiêu mong tôm cá đầy khoang- Ảnh 1.

Quang cảnh lễ hội mở cửa biển tại xã Thanh Lân

T.B

Lễ hội được bắt đầu với các hoạt động mang đậm nét truyền thống văn hóa dân tộc như lễ tế cá Ông, thần Biển; lễ dâng hương thể hiện lòng biết ơn với biển, với trời đất và các đấng thần linh. Sau lễ mở cửa biển, lễ tế các vị thủy thần linh thiêng, ngư dân mới bắt đầu ra khơi đánh bắt thủy, hải sản.

Tục thờ cá Ông là tín ngưỡng dân gian của cư dân ven biển Việt Nam. Cá Ông là danh xưng tôn kính, hàm chỉ về cá voi, động vật sống ở biển, được ngư dân tôn thờ bởi tín niệm về sự giúp đỡ, phù hộ đối với những người đi biển, đặc biệt khi họ gặp nạn giữa biển khơi.

Rộn ràng lễ hội mở cửa biển ở đảo tiền tiêu mong tôm cá đầy khoang- Ảnh 2.

Lễ tế cá Ông với mong muốn mưa thuận gió hòa, ngư dân ra khơi thuận lợi, tôm cá đầy khoang

T.B

Trong dân gian lưu truyền nhiều câu chuyện về sự giúp đỡ thần kỳ của loài cá này đối với con người. Và mỗi khi phát hiện cá voi chết, ngư dân miền biển đều chôn cất cẩn thận.

Tại nhiều làng ven biển Việt Nam, có nhiều cơ sở tín ngưỡng được dựng nên để thờ cá Ông và cùng phối thờ các đối tượng khác rất đa dạng. Từ tín ngưỡng thờ cá Ông hình thành lễ hội cầu ngư, lễ hội mở cửa biển của cư dân ven biển Việt Nam. Lễ hội được duy trì ở nhiều địa phương với những nghi thức lễ hội quan trọng và thường được tổ chức vào mùa xuân, mùa thu.

Rộn ràng lễ hội mở cửa biển ở đảo tiền tiêu mong tôm cá đầy khoang- Ảnh 3.

Các tàu, thuyền đánh cá của ngư dân vươn khơi, mong một mùa biển bội thu tôm cá

T.B

Theo UBND H.Cô Tô, vùng biển địa phương này có gần 200 loài thực vật phù du với 31 chi, 3 ngành tảo; hơn 60 loài động vật phù du gồm 2 giống thuộc 4 nhóm vỏ giáp, chân chèo và gần 100 loài động vật đáy, trong đó có những loài có giá trị kinh tế cao như bào ngư, ốc nón, hải sâm, ngọc trai...

Rộn ràng lễ hội mở cửa biển ở đảo tiền tiêu mong tôm cá đầy khoang- Ảnh 4.

Tàu thuyền quanh vùng Cô Tô rộn ràng khí thế ra khơi trong lễ mở cửa biển

T.B

Đặc biệt, hệ sinh thái san hô ở H.Cô Tô phát triển rộng lớn ở độ sâu 10 - 20 m, gồm 70 loài, 28 giống, 12 họ, trong đó có nhiều loài quý hiếm như: san hô đỏ, san hô sừng... Nguồn cá phong phú với 2 nhóm cá nổi và cá đáy tập trung ở 3 bãi cá điển hình gồm: bãi cá đáy và bãi cá nổi Bạch Long Vĩ; bãi cá nổi ven bờ tỉnh Quảng Ninh với những loài cá có giá trị kinh tế cao. Đây là điều kiện thuận lợi để Cô Tô phát triển ngư nghiệp (khai thác gần bờ, đánh bắt xa bờ và thu mua hải sản).

Với lợi thế về ngư trường rộng lớn và nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế cao, ngư nghiệp từ lâu đã là sinh kế chủ yếu của người dân Cô Tô. Những năm qua, tổng sản lượng khai thác thủy sản và doanh thu từ nghề cá không ngừng gia tăng. Riêng năm 2023, sản lượng đánh bắt đạt hơn 6.000 tấn, doanh thu đạt khoảng 500 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.