Tại ngày hội trăng rằm với chủ đề “Sự tích mặt trăng” vào ngày 7.9 ở Nhà văn hóa thôn 6, có hơn 100 em nhỏ tham gia. Các em chủ yếu từ độ tuổi mầm non đến tiểu học, do điều kiện gia đình khó khăn và ở vùng sâu nên rất háo hức và vui vẻ khi được tham gia ngày hội.
Từ những em mới 3, 4 tuổi đến học sinh lớp 4, 5 trong đôi mắt thể hiện sự háo hức, mong chờ. Không chỉ có các em phấn khởi mà những phụ huynh cũng thể hiện sự hân hoan khi con mình năm nay có một mùa trung thu vui vẻ, ý nghĩa.
Lần đầu được cầm lồng đèn đi chơi một vòng ở rừng cao su, em nào cũng háo hức chọn cho mình một chiếc lồng đèn giấy, thắp nến sáng cùng nhau đi “rước đèn”. Đoạn đường mà các em cầm lồng đèn đi cùng nhau dài khoảng 200 m, ở một rừng cao su. Những lồng đèn làm sáng lên cả rừng cao su thường tối âm u mỗi đêm. Các em nói với nhau về trung thu năm nay, rồi so sánh lồng đèn ai sáng hơn, đẹp hơn.
Từ mỗi lồng đèn được thắp sáng có lẽ là những mơ ước nhỏ bé về một cái Tết Trung thu của các em đã thành hiện thực. Điều Minh Phi, học sinh lớp 2, vừa vui vừa xúc động. Phi khóc và nói: “Năm nay em vui lắm vì được đi rước đèn, còn được tặng cả bánh trung thu”.
Thấy các em vui vẻ và háo hức với những gì mà chương trình mang lại, Nguyễn Thanh Tòng (sinh viên năm 3 Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) tâm sự: “Nhìn những đứa trẻ thiếu thốn về vật chất và tinh thần làm cho mình suy nghĩ cần hành động, làm một điều gì để mang ý nghĩa cũng để góp phần tạo nên cuộc sống các em tốt hơn. Và chương trình trung thu này là cách để các em thấy rằng trung thu của mình cũng trọn vẹn và được rước đèn như bao bạn bè khác”.
Tòng là trưởng BTC chương trình của một hoạt động được tổ chức bởi các tình nguyện viên của CLB Cầu Vồng Lửa thuộc Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Thông điệp của nhóm là mang yêu thương lan tỏa để góp phần làm ấm áp Tết Trung thu của trẻ em ở vùng sâu.
Bình luận (0)