Sách giả tràn lan trên mạng

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
04/06/2019 06:20 GMT+7

Các nhà xuất bản và đơn vị liên kết đang đau đầu tìm cách đối phó với tình trạng sách giả được rao bán tràn lan trên mạng, làm méo mó thị trường.

Đắc nhân tâm bị làm giả tới... 15 phiên bản

Được biết, các tác phẩm được chọn làm giả thường là những tựa sách đang bán rất chạy, như: Quẳng gánh lo đi mà vui sống, Đắc nhân tâm, Suối nguồn tuổi trẻ, Nghệ thuật bán hàng bậc cao, Nghĩ lớn để thành công, 7 thói quen để thành đạt, Sức mạnh tình yêu, Hành trình về phương Đông, Hạt giống tâm hồn… của nhiều đơn vị xuất bản: Tổng hợp TP.HCM, Trẻ, Hội Nhà văn, Văn hóa Thông tin, Dân trí, Hồng Đức, Tự điển Bách khoa, Thời đại, Phụ nữ, Mỹ thuật... Thậm chí có đơn vị liên kết như Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) bị các “trùm lậu” làm giả đến 280 đầu sách, trong đó những ấn phẩm như Đắc nhân tâm, Hành trình về phương Đông, Hạt giống tâm hồn kỷ lục tới... 10 - 15 phiên bản khác nhau. Công ty vừa tiến hành lập vi bằng một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng để chuẩn bị những bước xử lý tiếp theo quy định của pháp luật. Tổng giám đốc First News Nguyễn Văn Phước cho biết: “Chúng tôi nhận được quá nhiều phàn nàn, ca thán của độc giả về chất lượng in ấn: chữ lem nhem, giấy xấu, câu chữ cắt ghép lộn xộn… gửi tới. Vì sách giả, sách in lậu vẫn có đầy đủ logo, địa chỉ, số điện thoại của công ty. Điều đáng buồn là có một số trang mạng bán sách nổi tiếng nhưng quản lý thiếu chặt chẽ cũng vô tình tiếp tay cho sách giả, sách lậu tràn ngập”.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và Nhà xuất bản (NXB) Trẻ cũng từng nhiều lần là nạn nhân của tình trạng sách in lậu, sách giả. Theo tác giả Thằng quỷ nhỏ, trước đây thông qua việc ký tặng, bằng mắt thường ông nhận diện được khoảng 30 cuốn sách in lậu/đầu sách.
Sách giả tràn lan trên mạng1
Sách giả bán trên mạng gửi cho khách hàng bị First News phát hiện

Sách giả biến tướng tinh vi

Thống kê cho thấy nếu thị trường mạng bán được 15 cuốn sách lậu thì chúng tôi mới bán được 1 cuốn sách thật

Trần Khánh Hà, đại diện First News

Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì công nghệ làm sách giả cũng trở nên chuyên nghiệp và tinh vi hơn. Đơn giản nhất là các “trùm” sách lậu photocopy bằng giấy can hoặc cho sắp chữ lại rồi chọn phông khác in luôn là… mới tinh. Các quyển ngoại ngữ thì được photocopy toàn bộ phần ruột rồi đổi tựa sách, thiết kế lại bìa mới. Thời gian gần đây, nhiều “trùm lậu” còn sử dụng máy chụp phim cao cấp để “độ” giống trên 95% so với sách thật, thậm chí bìa sách thật có nhũ vàng thì sách giả cũng làm y hệt mà nếu không phải người trong nghề sẽ rất khó phát hiện. Sách giả còn được thiết kế dạng PDF hoặc đọc thu âm chép trong USB để dùng nghe trên xe hơi, đủ loại “giả dạng” được công khai rao bán tràn lan trên mạng, đáng chú ý có cả trên những sàn thương mại điện tử lớn. Theo bà Trần Khánh Hà, đại diện First News: “Các sàn online mà chúng tôi phát hiện bán sách giả có nhiều tên tuổi: Tiki, Shopee, Sendo, Lazada… Trong đó, First News đã gửi đơn kiến nghị cho Shopee, Tiki và đang làm thủ tục khởi kiện những đơn vị còn tiếp tay cho sách giả hoành hành, vì thống kê cho thấy nếu thị trường mạng bán được 15 cuốn sách lậu thì chúng tôi mới bán được 1 cuốn sách thật”.
Để tự cứu mình, mới đây khi phát hiện có cửa hàng bán sách giả trên trang Tiki, First News đã phản ứng mạnh và ngày 17.5 vừa qua, nhà sách Nhất Phương đã đến công ty thừa nhận toàn bộ hành vi buôn bán, kinh doanh sách giả, sách in lậu vi phạm bản quyền và xin lỗi First News. Ngay sau đó, Tiki cũng gửi văn bản cam kết: “Tạm tắt toàn bộ gian hàng của các đơn vị vi phạm, đồng thời yêu cầu nhà bán sách chứng minh nguồn gốc trong vòng 48 giờ. Trường hợp không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa thì Tiki sẽ tiến hành tắt gian hàng và tiến hành thu hồi sản phẩm khách hàng đã mua, đồng thời thay mặt nhà bán bồi hoàn 111% giá trị hàng hóa”.
Rõ ràng, hậu quả của vấn nạn sách lậu, sách giả bán trên mạng công khai là người đọc mua nhầm phải sản phẩm kém chất lượng, không có bản quyền nhưng lại phải trả tiền mua theo giá sách thật. Chưa kể các “đầu nậu” còn sử dụng những gian hàng online trá hình thông qua các sàn thương mại điện tử nổi tiếng để tuồn sách giả ra thị trường, vừa lừa dối độc giả, vừa trốn thuế. Sau khi lời khủng, các “đầu nậu” làm sách giả lại tung chiêu giảm giá từ 50 - 60% khiến một số nhà sách hám lợi chuyển sang mua lại trên mạng rồi đóng thùng trả lại sách thừa cho NXB, gây thiệt hại cho các đơn vị xuất bản. “Nhiều khi không kiểm tra bỏ vào kho là nhận về toàn sách giả, đến khi phát hiện ra thì đã muộn. Tuy nhiên mức xử phạt cho hành vi làm sách lậu hiện nay còn quá nhẹ nên sách giả cứ tự do hoành hành. Nên chăng cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan chức năng cùng với những trang thương mại điện tử kiên quyết với sách giả như Tiki thì mới có thể lập lại trật tự trong lĩnh vực này?”, ông Nguyễn Văn Phước kiến nghị.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM, cho biết: “Các trường hợp vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do vấn đề bán sách giả trên mạng còn liên quan đến Sở Công thương nên chúng tôi sẽ trao đổi với bên ấy để phối hợp xử lý. Về trình tự, trước hết chúng tôi sẽ mời đơn vị vi phạm lên xác định có phải đó là trang web và sản phẩm của họ bán trên mạng không và ký vào biên bản. Nếu không khắc phục được thì tiến hành các bước tiếp theo, kể cả rút giấy phép. Chúng tôi đã từng khóa tên miền của một đơn vị bán hàng qua mạng vi phạm các quy định”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.