Sách giáo khoa: Cần triết lý giáo dục tường minh

14/10/2020 04:43 GMT+7

Những ngày này, xã hội đang có những phản hồi mạnh mẽ về chất lượng của sách giáo khoa lớp 1 sau khi đưa vào sử dụng được một tháng.

Các phản hồi này chủ yếu tập trung vào những chi tiết kỹ thuật như ngữ liệu, từ ngữ và minh họa trong sách chưa phù hợp.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là các khiếm khuyết thuộc về bề sâu, có tính hệ thống và đóng vai trò định hướng cho việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) thì vẫn chưa được thảo luận. Điều này chứa đựng một rủi ro rằng các bộ SGK cho lớp 2 và lớp 6 năm sau, rất có thể lại vẫn phạm phải những sai lầm của bộ SGK lớp 1 năm nay.
Một trong những khiếm khuyết đó là sự thiếu vắng một triết lý giáo dục tường minh và đủ sức thuyết phục làm định hướng cho việc biên soạn sách và thẩm định sách, vì bản thân điều này cũng không rõ ràng trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Hệ quả là dù các tác giả có tiếp thu ý kiến phản biện của xã hội và hội đồng thẩm định có kiểm tra chặt chẽ đến đâu đi chăng nữa, thì chất lượng bộ sách vẫn không được tốt như kỳ vọng.
Do không có triết lý giáo dục dẫn dắt, tức không có một phát biểu tường minh và thuyết phục về việc đào tạo con người nào và vì sao lại như vậy, nên các tác giả sẽ rất dễ rơi vào bẫy kinh nghiệm, tức dùng chính trải nghiệm tuổi thơ và kinh nghiệm giáo dục cá nhân của mình để viết sách.
Làm như thế, nội dung của bộ sách sẽ bị giới hạn bởi chính trải nghiệm của tác giả. Mà tất cả các trải nghiệm này đều diễn ra trong quá khứ, từ nhiều chục năm về trước, nên vô hình trung, các nội dung của SGK sẽ bị giới hạn bởi quá khứ của chính các tác giả, và rộng hơn là quá khứ của xã hội, từ nhiều chục năm về trước.
Tuy nhiên, một sự thật hiển nhiên là SGK được biên soạn ra không phải để cho các tác giả, cũng không phải để cho hội đồng thẩm định đánh giá, mà để cho học sinh sử dụng để học tập.
Những học sinh 6 tuổi này thuộc về một thời đại hoàn toàn khác. Đó là thế hệ thuộc về tương lai chứ không thuộc về hiện tại, lại càng không phải thuộc về quá khứ.
Nhưng tương lai chưa xảy ra thì lấy gì làm cơ sở để viết sách? Cách duy nhất là dùng các giá trị phổ quát, khoa học và tầm nhìn về tương lai để làm cơ sở biên sách. Những điều này đều thể hiện trong triết lý giáo dục, và sau đó là bộ giá trị cốt lõi mà bộ SGK lựa chọn.
Nếu không có triết lý giáo dục dẫn dắt, không có một bộ giá trị cốt lõi làm khung tham chiếu thì sẽ rất dễ sa đà vào các chi tiết kỹ thuật khi viết sách mà bỏ quên mất lý do tồn tại của chính bộ sách.
Còn nếu có triết lý giáo dục đúng dẫn dắt và bộ giá trị đúng để tham chiếu thì mỗi câu mỗi chữ, mỗi bài mỗi chương, mỗi hình minh họa... đều nằm trong một thể thống nhất và nhất quán, hướng đến mục tiêu hiện thực hóa triết lý giáo dục và bộ giá trị cốt lõi trong nhà trường. Phương pháp giáo dục và các hoạt động giáo dục trong và ngoài lớp học tương ứng sau này cũng sẽ tương hợp với nội dung của SGK một cách tự nhiên.
Thiếu vắng triết lý giáo dục và bộ giá trị cốt lõi tường minh đủ sức thuyết phục trong bộ SGK lớp 1 năm nay là những sai sót thuộc về “lỗi hệ thống”. Bên cạnh đó, tiến độ làm SGK lại quá gấp gáp, đến mức không đủ thời gian để dạy thể nghiệm toàn bộ nội dung của sách, làm cho viễn cảnh về một bộ SGK tốt cho lớp 2 và lớp 6 năm sau có phần ảm đạm nếu Bộ GD-ĐT không có giải pháp mạnh và sáng tạo để khắc phục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.