Sách tiếng Việt 1 - công nghệ giáo dục: Nên để cuộc sống thẩm định?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
14/09/2019 07:50 GMT+7

Sách công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại , đặc biệt là cuốn tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục dù Hội đồng thẩm định đánh giá 'không đạt', nhưng nhiều ý kiến cho rằng cuốn sách đã được cuộc sống thẩm định và nên tiếp tục trao quyền ấy cho 'cuộc sống' thay vì một mệnh lệnh hành chính.

 

Mâu thuẫn giữa đánh giá của Bộ GD-ĐT và hội đồng thẩm định?

Đánh giá mới nhất của Bộ GD-ĐT trong năm 2019 về dạy học theo tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục (TV1-CGD) nêu rõ, nhìn chung việc triển khai tài liệu TV1-CGD tại các địa phương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: nhiều địa phương đã nhân rộng và có nhiều vận dụng linh hoạt trong quá trình triển khai, giáo viên (GV) nắm chắc nội dung, phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng mới, học sinh (HS) đọc thông viết thạo, nắm chắc ngữ âm, kỹ năng đọc và nghe - viết chính tả tốt.
Đáng lưu ý, về kết quả học tập của HS, đánh giá của Bộ ở từng nội dung đều cho thấy những ưu điểm mà chương trình giáo dục phổ thông mới đang hướng đến.
Cụ thể, Bộ GD-ĐT đánh giá: về kiến thức, đa số HS nắm chắc cấu tạo ngữ âm tiếng Việt nên đều đọc được và đọc tốt; nắm chắc các quy tắc chính tả, học đến đâu chắc đến đó, không bị nhầm lẫn khi viết chính tả; đặc biệt, HS được rèn nền nếp học tập ngay từ những ngày đầu vào lớp 1. Về kỹ năng, HS thành thạo các thao tác; hiểu và thực hiện tương đối tốt các lệnh trong quá trình học; được tham gia tích cực vào các hoạt động học tập, HS có kỹ năng đọc và nghe - viết chính tả tốt. Về thái độ, HS hứng thú học, yêu thích môn học. Về năng lực, phẩm chất, HS chủ động, tự tin tham gia các hoạt động học tập; thông qua việc làm, các thao tác học, tự tìm ra và chiếm lĩnh tri thức, được phát huy khả năng tư duy và năng lực tối ưu của bản thân một cách nhẹ nhàng, hứng thú.
Sách tiếng Việt 1 - công nghệ giáo dục: Nên để cuộc sống thẩm định?

Sách tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục trải qua 40 năm nhưng mới đây Hội đồng thẩm định sách giáo khoa chương trình mới đã đánh giá “không đạt”

Ảnh: Ngọc Dương

GS Mai Ngọc Chừ, thành viên Hội đồng thẩm định môn tiếng Việt, cho rằng: “Dạy sách CGD thì các GV phải làm việc như một cái máy đúng theo “công nghệ”, cực kỳ căng thẳng, rập khuôn và không thấy sự sáng tạo... Một số GV chia sẻ với chúng tôi, để dạy tốt được, công việc của họ phải tăng rất nhiều. Ban ngày dạy ở trường nhưng ban đêm phải bổ sung kiến thức của sách giáo khoa (SGK) hiện hành, tăng thêm giờ làm việc 2 - 3 lần”...
Tuy nhiên, báo cáo đánh giá của Bộ GD-ĐT lại khẳng định: “Đa số GV đón nhận chương trình giảng dạy theo tài liệu TV1-CGD một cách tích cực, chủ động. Việc dạy học tiếng Việt 1 theo tài liệu này có thể phát huy được khả năng tư duy của HS, HS tự làm ra sản phẩm giáo dục, tạo hứng thú cho HS trong học tập.
Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra khó khăn khi trình độ GV chưa đồng đều, GV mới ra trường còn “ôm đồm” kiến thức khi giảng dạy; một số GV đã quen với phương pháp cũ, ngại đổi mới. Tài liệu TV1-CGD cần điều chỉnh, thay thế một số ngữ liệu chưa phù hợp đối với HS (từ ngữ không thông dụng, từ Hán - Việt, từ mang nghĩa không phù hợp với HS tiểu học, một số bài đọc chưa hay...); điều chỉnh giảm dung lượng một số bài đọc và bài viết chính tả cho phù hợp hơn; đưa câu hỏi tìm hiểu nội dung dưới mỗi bài đọc, chú trọng luyện kỹ năng nói cho HS....

“Nó đã là một phần của cuộc sống”

Tại hội thảo “Thực nghiệm - 40 năm một chặng đường” nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Trường Thực nghiệm, nơi áp dụng công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, bà Lê Mai Hương, Phó hiệu trưởng phụ trách trường này, khẳng định: Sau 40 năm, các thế hệ HS ra trường đã có nhiều em trưởng thành, giữ những vị trí cao trong chuyên môn và công tác. Có em đã trở thành những giáo sư, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực. Điều quan trọng nhất là các em giữ được cho mình những nét đặc trưng của HS thực nghiệm: sống có trách nhiệm, biết tôn trọng người khác và tôn trọng bản thân mình, có tư duy phản biện, tự tin thể hiện khả năng của bản thân.
Một nhà khoa học, cũng là HS cũ của trường này, bày tỏ: “Sách của thầy Đại đã có 40 năm, cả triệu trẻ dùng nó để học chữ. Nó đã là một phần của cuộc sống rồi. Đúng là quản lý nhà nước thì cần có thẩm định, có chuẩn... nhưng đem cuộc sống ra thẩm định thì cũng buồn cười nhỉ?”.
Bộ sách đã có “thâm niên” 40 năm, sóng gió cũng không ít lần khiến nó “điêu đứng” nhưng rồi mỗi lần lại “hồi sinh” mãnh liệt hơn.
Năm 1978, tài liệu TV1-CGD được khuyến khích các địa phương sử dụng, coi như một giải pháp để dạy học tiếng Việt. GS Đại cũng nói sách của ông ít nhất có 2 lần vào cuộc “chữa cháy” cho Bộ GD-ĐT. Lần 1 năm 1985, cải cách giáo dục có hơn 65.000 HS lớp 1 lưu ban và giải pháp công nghệ của ông đã đảm bảo trẻ em sinh ra ở bất cứ nơi nào, có đi học mẫu giáo hay không, đến 6 tuổi vào lớp 1 thì hết năm học sẽ đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả và không tái mù chữ... Đầu những năm 2000, khi chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được áp dụng, thì với chính sách 1 chương trình và 1 bộ SGK duy nhất, tài liệu này không được mở rộng nữa mà chỉ được thí điểm trong phạm vi rất hẹp. Năm 2006, hiện tượng HS “ngồi nhầm lớp” trở thành vấn nạn khi HS ở vùng sâu, vùng xa thậm chí lên THCS mà chưa đọc thông viết thạo, sách TV1-CGD lại được triển khai trong khuôn khổ đề tài cấp Bộ là nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số và 2 năm sau đó được thí điểm trong khoảng 20 tỉnh...
Đến năm 2012, Bộ quyết bỏ thí điểm, mở rộng phạm vi áp dụng và “hồi sinh” mạnh mẽ trong năm 2015, 2016. Năm 2017 và 2018, bộ sách này đã được thẩm định lại tới 2 lần và cũng chịu rất nhiều luồng ý kiến trái chiều từ dư luận. Thế nhưng, 3 năm gần đây, số nhà trường, HS đều tăng theo từng năm, năm nay có hơn 930.000 HS lớp 1 học theo sách tiếng Việt của GS Đại.
Một lãnh đạo phụ trách tiểu học của Sở GD-ĐT Lào Cai, cho hay với HS dân tộc thiểu số thì việc học tiếng Việt gần như là học ngôn ngữ thứ hai. Thực tế này khiến cho việc dạy tiếng Việt rất vất vả nếu dạy theo cách đại trà. Trong khi đó, khi thí điểm áp dụng TV1-CGD thì các em nắm rất chắc về ngữ âm, học đến đâu chắc đến đó, rất hiếm khi HS sai lỗi chính tả. Lào Cai áp dụng TV1-CGD với gần như 100% vì thực tế cho thấy đó là phương pháp phù hợp với HS của mình. Tuy nhiên, những TP lớn như Hà Nội thì không sử dụng phương pháp này vì thấy việc thực hiện SGK tiếng Việt đại trà HS được luyện nhiều kỹ năng hơn...
Trả lời Thanh Niên khi mới bắt đầu thẩm định SGK mới, ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) từng chia sẻ: “Có một sự tuyển lựa có thể khắt khe hơn rất nhiều quy trình thẩm định của các Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, đó là sự tuyển lựa của thực tiễn dạy học ở các cơ sở giáo dục, điều kiện thực tiễn tại các địa phương. Chính sự tuyển lựa này sẽ bảo đảm cho uy tín và vị thế lâu dài của những SGK được biên soạn với chất lượng cao nhất”.
Phát biểu của ông Tài có vẻ như đang rất đúng khi nhìn vào sức sống của sách TV1-CGD hiện nay. Còn tương lai, có vẻ như TV1-CGD của GS Hồ Ngọc Đại đang “bị” thử thách một lần nữa!

Nếu các nhà trường vẫn muốn chọn thì sao?


Ông Thái Văn Tài nói rằng về mặt nguyên tắc, chương trình và SGK mới luôn có tính kế thừa tài liệu và phương pháp dạy học hiện hành. Khi thực hiện chương trình, SGK mới, có thể tài liệu dạy học hiện hành có thể dừng “sứ mệnh” của mình nhưng phương pháp dạy học của tài liệu ấy sẽ không bao giờ mất khi nó đã trở thành kỹ năng sư phạm của nhà trường, của GV. Đó mới chính là cái kế thừa quan trọng của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Còn GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK tiếng Việt lớp 1 mới, thì cho rằng: Không phủ nhận sách tiếng Việt lớp 1 của GS Đại 40 năm vẫn có kết quả tốt, cũng giống như sách tiếng Việt của chương trình hiện hành vẫn đang thực hiện rất tốt. Thế nhưng, khi chúng ta có một chương trình giáo dục phổ thông mới thì SGK, tài liệu dạy học phải bám sát vào chương trình đó.

GS Trần Đình Sử cho hay tới đây hơn 1,9 triệu HS đang sử dụng SGK đại trà hiện hành cũng phải sử dụng sách mới. Vì vậy, các HS đang học sách của GS Đại cũng phải thay đổi tương tự như vậy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.