Những mạch nước lạ kỳ:

Sạch, trong giếng cổ ngàn năm không cạn

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
23/06/2024 07:15 GMT+7

Rau liệt (có nơi gọi là rau xà lách xoong, cải xoong) có mùi vị hăng cay và giòn ngọt rất đặc biệt, vốn chỉ mọc ở nơi nước chảy và sạch. Loài rau này đã trở thành đặc sản của xã Gio An (H.Gio Linh, Quảng Trị) bởi nơi này có hệ thống giếng cổ hết sức độc đáo có từ thời Champa, qua ngàn năm được người Việt tiếp thu giữ gìn, vẫn trong, sạch đến lạ kỳ.

HỆ THỐNG DẪN THỦY TUYỆT VỜI

Hệ thống dẫn thủy cổ ở Gio An trước đây có hàng chục giếng nước, do bom đạn trong chiến tranh tàn phá, đến nay còn lại không nhiều, trong đó có 14 giếng được chọn ra để quy hoạch bảo tồn. Các giếng đều có tên ngắn gọn và ngồ ngộ, mới nghe thôi đã thấy chứa cả một huyền thoại: giếng Gái 1, giếng Gái 2, giếng Nậy (thôn An Hướng); giếng Dưới, giếng Búng, giếng Trạng, giếng Đào, giếng Côi (thôn An Nha); giếng Máng (thôn Long Sơn); giếng Pheo (thôn Tân Văn) và giếng Tép, giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai (thôn Hảo Sơn). Tương truyền giếng Ông chỉ dành cho đàn ông tắm, còn giếng Bà là nơi các bà tắm.

Sạch, trong giếng cổ ngàn năm không cạn- Ảnh 1.

Hệ thống giếng cổ ở Gio An

NGUYỄN PHÚC

Khi ngắm nhìn hệ thống giếng cổ này, nhiều người sẽ phải ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp cũng như thiết kế đầy khoa học, giàu tính ứng dụng của những người thợ Champa hàng ngàn năm trước. Các giếng chủ yếu được làm theo dạng có bể lắng, có máng dẫn hoặc xếp đá để tạo thành hệ thống hứng, lấy nước, dẫn nước... Tất cả các giếng đều có chia khoảng, nơi lấy nước uống hằng ngày, cũng là nơi linh thiêng nên không ai được vào đó tắm giặt, nơi lấy nước phục vụ sản xuất (trồng rau liệt).

Ông Lê Phước Hiếu, Phó chủ tịch UBND xã Gio An, cho biết trước đây hệ thống giếng cổ gắn bó mật thiết và cung cấp nước cho hầu hết nhu cầu của người dân trên địa bàn. Hiện nay hệ thống giếng này chủ yếu phục vụ sản xuất cho khoảng 70 ha lúa và hơn 10 ha rau liệt. "Dù năm hạn hán nặng nhất thì hệ thống giếng cổ vẫn không cạn. Giếng không chỉ tưới mát cho cây trồng mà còn là niềm tự hào của địa phương", ông Hiếu nói.

LÀM MỌI CÁCH ĐỂ GIẾNG CỔ "SỐNG"

Năm 2001, hệ thống dẫn thủy cổ Gio An được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích quốc gia. Từ năm 2019 đến nay, Quảng Trị đã lập hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền để nâng hạng cho hệ thống giếng cổ thành di tích quốc gia đặc biệt.

Tuy nhiên, giếng cổ Gio An cũng không nằm ngoài quy luật bào mòn của thời gian. Qua hàng ngàn năm, sau quá trình sử dụng của con người, dưới tác động của thiên nhiên..., hệ thống giếng cổ đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Vì thế từ nhiều năm trước, ngành chức năng nhiều lần đề xuất khôi phục giếng, nhưng yếu tố kỹ thuật và vốn đầu tư đã tạo ra những lực cản.

Sạch, trong giếng cổ ngàn năm không cạn- Ảnh 2.

Nước giếng cổ vẫn đang phục vụ sinh hoạt của người dân địa phương

Tháng 8.2015, giếng Đào (thôn An Nha), giếng máng cổ được xem là khá tiêu biểu cho hệ thống giếng cổ Gio An, bị hư hỏng. Dù trong điều kiện khó khăn nhưng Trung tâm quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị đã trích kinh phí từ nguồn của đơn vị 200 triệu đồng, chỉ mong làm "sống lại" giếng cổ này và cuối cùng họ đã làm được. Ông Nguyễn Quang Chức, Giám đốc Trung tâm này, kể lại rằng quá trình thi công ngày đó rất khó khăn bởi việc nâng lên đặt xuống một hòn đá mồ côi (nặng vài tạ) không hề đơn giản, đặc biệt chỉ dùng sức người vì không thể dùng máy móc, khi phải ráp đúng vị trí, không lệch một li. Cũng theo ông Chức, đây là minh chứng cho việc chỉ cần biết "liệu cơm gắp mắm" thì dù ít tiền vẫn có thể "cứu" di tích...

Tháng 10.2023, tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích hệ thống giếng cổ Gio An với diện tích 427,8 ha (bao gồm khu vực di tích 3,74 ha và vùng đệm bảo vệ mạch ngầm, khu vực hỗ trợ phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch cộng đồng 424,06 ha). Tiếp đó, tháng 3.2024, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt dự toán 3,2 tỉ đồng cho việc này. Đây là những tín hiệu rất vui cho giếng cổ Gio An.

Theo Trung tâm quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị, việc quy hoạch nhằm bảo tồn, tôn tạo bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, tái hiện các đặc trưng của di tích, bảo tồn cảnh quan gắn với không gian lịch sử của di tích.

Thời gian gần đây, hệ thống dẫn thủy cổ Gio An trở thành điểm đến độc đáo, hấp dẫn trên bản đồ du lịch Quảng Trị. Ngày cao điểm, xã Gio An đón gần 1.000 du khách đến tham quan các giếng cổ này. Nhiều đoàn khách quốc tế rất thích thú khi được trải nghiệm hệ thống dẫn thủy cổ Gio An cũng như thưởng thức ẩm thực của vùng đất này… (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.