Sài Gòn lạnh: Nôn nao nhớ tết quê

16/01/2021 07:27 GMT+7

Trong không khí se lạnh, lao động đêm ở Sài Gòn những ngày qua vẫn bám trụ với kế sinh nhai hằng có một cái tết 'ấm áp' hơn.

Những ngày qua, Sài Gòn trở lạnh, nhiệt độ nhiều nơi xuống dưới 20oC. Lao động đêm ở Sài Gòn chủ yếu là hàng rong, xích lô, vá xe đêm, công nhân quét rác vẫn làm việc trong không khí se lạnh. 
Mở gánh hàng rong đến 1 giờ đêm, bà Hồng (55 tuổi, quê Quảng Trị) kể cả sinh kế của gia đình bà phụ thuộc vào gánh hàng rong này và thu nhập bấp bênh của chồng làm tài xế. 20 năm qua, bà Hồng đều đặn dọn hàng lúc 5 giờ chiều ra một góc gần đường Nguyễn Hữu Cảnh. Bà kể: “Những ngày đầu Sài Gòn trở lạnh thì chịu không nổi. Nhưng giờ thì quen rồi. Phải ráng làm để còn ăn tết chứ”.

Các gánh hàng rong, xích lô, vá xe đêm, công nhân quét rác vẫn làm việc trong không khí se lạnh của TP.HCM những ngày qua

LÊ NHẬT

Mưu sinh bên chiếc xe đạp bán kem ống, ông Hai (70 tuổi, quê Hải Dương) thì nói mình quen với cái lạnh rồi. Nói về cái lạnh của Sài Gòn, ông hóm hỉnh: “Tôi bán kem từ hồi cái bờ kè kênh Nhiêu Lộc còn chưa xây. Cái lạnh nào mà không trải qua rồi. Nhiều năm rồi tôi không về quê, lạnh như này nhớ quê hết sức”. Ông kể kem ống ông lấy ở mối quen, bán từ tầm 12 giờ trưa, đến khi hết kem mới về nhà. 

Cái lạnh Sài Gòn lại giúp ông Hai bán kem ống nhớ về cái lạnh ở quê nhà

LÊ NHẬT

Vào TP.HCM từ năm 19 tuổi, bà Hạnh (50 tuổi, quê Bình Định) vẫn hằng ngày quảy gánh hàng rong kiếm sống. Cứ hễ 12 giờ trưa là bà chuẩn bị xong các món hàng như bánh tráng, trứng gà... trên quang gánh để đi bán. Lội bộ dọc các chợ, trường học quanh Q.Bình Thạnh, đến khoảng 1 giờ đêm thì bà mới về đến nhà.

Bà Hạnh vào TP.HCM năm 19 tuổi. Năm nay 50 tuổi, mỗi khi Sài Gòn trở lạnh lại khiến bà nhớ đến tết ở quê.

LÊ NHẬT

Bà Hạnh chỉ vào gánh hàng: “Phải bán hết mới có lời, không là không đủ tiền nhà trọ. Tiền xe về quê năm ngoái đã 800.000 đồng rồi, giờ không biết tăng bao nhiêu nữa”. Với cái lạnh TP.HCM những ngày qua, bà có cách sưởi ấm không “giống ai”, bà nói: “Mấy đêm qua lạnh thấu trời, đêm nay là đỡ, tôi chuẩn bị nhang muỗi để sẵn, đốt cho nó âm ấm mà còn đỡ muỗi cắn”.

Với bà Hạnh, nhang muỗi vừa để đuổi muỗi, vừa để... chống lạnh

LÊ NHẬT

Không khí lạnh buổi đêm làm bà Hạnh vừa ho húng hắng vừa kể: “Dưới quê mùa này cũng lạnh lắm, không khí làm nhớ tết ghê. Năm nào tết tôi cũng về, nhớ quê lắm, tết tới là bày khắp nhà lá chuối, nếp đậu để nấu bánh tét".

Vòng đu quay vắng khách trên đường Ngô Tất Tố (P.19, Q.Bình Thạnh)

LÊ NHẬT

 

Một xe bò bía trên đường Ba Tháng Hai (Q.10) TP.HCM

LÊ NHẬT

 

Một chiếc xe ba gác đậu tạm trên đường Ba Tháng Hai

LÊ NHẬT

 

Chỗ ngủ tạm bợ của một bác xích lô trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM)

LÊ NHẬT

 
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Đông Nam Bộ là điểm đến thu hút nhất đối người di cư, với 1,3 triệu người nhập cư, chiếm hơn 2/3 tổng số người di cư giữa các vùng trên cả nước và gấp gần 4 lần so với lượng người nhập cư vào đồng bằng sông Hồng.
Cứ 10 người di cư thì có 4 người đang sống trong những ngôi nhà thuê/mượn. Có 42,7% người di cư sống ở nơi có diện tích dưới 15m2 và 19,0% sống ở nơi có diện tích 8m2.
Tại hội thảo khoa học “Tiếp cận an sinh xã hội của lao động di cư Việt Nam” (ngày 27.10.2020), trình bày về chất lượng cuộc sống của người nhập cư tại TP.HCM, TS Nguyễn Thị Hoài Hương cho biết tốc độ nhập cư vào TP.HCM vẫn có xu thế tăng, dân số ở các quận ngoại thành như Q.Bình Tân, Q.Thủ Đức... tăng nhanh. Giai đoạn 2009 - 2019, lao động di cư đến thành phố từ miền Tây tăng hơn gấp đôi so với trước năm 1999 và có xu hướng trẻ hóa; trong khi đó, người di cư của vùng Trung Bộ giảm từ 40,6% (trước năm 1999) còn 21,4% (giai đoạn 2009 - 2019).
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.