‘Sàm sỡ’ bằng ngôn từ tục tĩu, xử lý thế nào?

29/03/2021 11:32 GMT+7

Theo các chuyên gia, ‘sàm sỡ’ bằng ngôn từ tục tĩu là hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói. Nếu nạn nhân tố cáo, người có hành vi trên sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Mới đây nữ ca sĩ Thái Trinh gây chú ý khi đăng bài đăng trên trang cá nhân thể hiện thái độ bức xúc, tố một quay phim trong gameshow mà cô tham gia dùng lời lẽ thô tục, 'sàm sỡ bằng lời nói'. Sau khi bài viết được đăng tải, đơn vị sản xuất đã gửi lời xin lỗi đến cô.

Tóc Tiên tiết lộ chuyện từng bị quấy rối tình dục - Clip từ liệu, thực hiện vào tháng 6.2018

Có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo Luật sư (LS) Trần Minh Hùng (Đoàn LS TP.HCM), “danh dự”, “nhân phẩm” là những giá trị nhân thân của một người được pháp luật bảo vệ. Hiến pháp năm 2013, quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm… Quyền này còn được thể hiện tại Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
“Như vậy, mọi người đều có quyền được pháp luật bảo hộ về thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Hành vi bằng lời nói hoặc hành động làm xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác là hành vi trái pháp luật. Tùy vào mức độ mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, LS Hùng phân tích.
Về xử lý hành chính, LS Hùng cho biết, căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Về việc truy cứu trách nhiệm hình sự, theo LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), căn cứ vào Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) về tội “làm nhục người khác”, hành vi này có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Trong trường hợp khiến nạn nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát, có thể bị phạt tù lên đến 5 năm.

Phạm Lịch làm MV 'Đừng im lặng' nói về nạn quấy rối tình dục - Clip từ liệu, thực hiện vào tháng 6.2018

Người bị xúc phạm cần phải thu thập chứng cứ để tố cáo

Về hướng xử lý, theo LS Tuấn, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm có thể được thể hiện bằng nhiều hình thức: dùng lời nói, chữ viết hoặc đưa lên các lên mạng Internet… Nếu cho rằng mình bị xúc phạm thì cần phải thu thập chứng cứ, lưu giữ hình ảnh, tài liệu hoặc nhờ người làm chứng. Thậm chí có thể đề nghị thừa phát lại lập vi bằng về việc mình bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm và trình báo cho các cơ quan có thẩm quyền.
“Các cơ quan này sẽ xem xét, lập biên bản vi phạm hành chính để ra quyết định xử phạt hoặc chuyển hồ sơ cho các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự. Về yêu cầu bồi thường thiệt hại, người bị xúc phạm cũng có thể nộp đơn cho tòa án, theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu bồi thường”, LS Tuấn nêu.
Về việc bồi thường, LS Hùng thông tin, người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm có quyền yêu cầu bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Trong trường hợp không thỏa thuận được về khoản bồi thường bù đắp về tinh thần thì mức tối đa bồi thường không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định theo khoản 2 Điều 592, Bộ luật dân sự năm 2015.

Nạn nhân cần phải bình tĩnh, tránh bị ảnh hưởng tiêu cực

Theo chuyên viên tâm lý, tiến sĩ Phạm Thị Thuý (Giảng viên trường Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP.HCM) khẳng định: “Nếu như những gì nữ ca sĩ kia chia sẻ là sự thật thì cô ấy đã bị quấy rối tình dục bằng lời nói”.
“Việc xúc phạm người khác bằng lời nói xoay quanh chuyện quấy rối tình dục chỉ là một dạng nhỏ. Còn lại có nhiều kiểu xúc phạm người khác qua những lời nói ác ý, hành động thường xảy ra mỗi ngày, nằm trong nhóm bạo hành tinh thần, dùng lời nói để bạo hành người khác như: chửi, chê bai, nói xấu, kể tội người khác cho số đông nghe…”, tiến sĩ Thúy cho biết.
Tiến sĩ Thúy cũng cho biết, khi gặp phải vấn đề như bị quấy rối tình dục bằng lời nói, hay bị bạo hành tinh thần bằng lời nói nạn nhân phải giữ bình tĩnh, tự tin vào chính mình, hãy đừng vì lời nói của người khác mà nhận “rác” từ họ, làm tổn thương chính mình, khiến làm suy giảm đi cảm nhận tích cực về nhân cách của bản thân. Bởi vì nhân cách của bạn nằm trong thái độ và hành vi của bản thân chứ không nằm trong lời nói của người khác. Cách tốt nhất khi nghe phải những lời tiêu cực đó, nên hít thở sâu và bỏ đi, kiềm chế để không làm tổn thương người khác và cũng đừng để người khác làm tổn thương mình.

5 báo động đỏ về quấy rối tình dục

Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), có 5 hành vi báo động về kẻ xâm hại tình dục gồm: Báo động nhìn, báo động nói, báo động sờ chạm, báo động ôm và báo động một mình.
Việc "sàm sỡ" bằng lời lẽ tục tĩu khi nói chuyện được xem là một hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói. Nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục phải phản ứng dứt khoát bằng thái độ, ánh mắt và cả hành động. Hãy nói không với hành vi quấy rối và lập tức tránh xa thủ phạm. Những người xung quanh thay vì im lặng, phải có trách nhiệm lên tiếng, ngăn chặn bất kỳ hành vi nào có liên quan đến 5 báo động đỏ nói trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.