Sân khấu kịch và trách nhiệm công dân

Hoàng Kim
Hoàng Kim
20/03/2024 06:25 GMT+7

Sân khấu xã hội hóa phải tự chủ tài chính nên thường chọn những vở diễn với đề tài nhẹ nhàng để dễ bán vé. Tuy nhiên, các ông bà bầu và nghệ sĩ không quên trách nhiệm công dân, vẫn mạnh dạn thể hiện những vấn đề xã hội gay gắt, gióng lên lời cảnh báo, nhắc nhở đáng quý.

Từ tệ nạn ma túy, say xỉn…

Tác giả Trung Dân là một trong số những người cầm bút luôn đau đáu với chuyện xã hội, kịch bản nào ông viết cũng bật lên những vấn đề nóng bỏng. Vở Tiếng vạc sành cách đây 20 năm đề cập tệ nạn ma túy trong lớp trẻ, nay vừa được tác giả tái dựng với tên Má ơi út dìa cũng trên sân khấu IDECAF. Má ơi út dìa vẫn nguyên tính thời sự, chỉ thay đổi chút ít chi tiết và cách dựng sinh động hơn. Ma túy là tệ nạn kinh khủng nhất của xã hội, giết chết bao con người, phá nát bao gia đình, làm điên đảo cả làng quê, thành thị, nên nhắc đi nhắc lại lời cảnh báo cũng không thừa. Khán giả ngồi kín rạp, khóc cùng nhân vật, và vỗ tay nhiều lần.

Sân khấu kịch và trách nhiệm công dân- Ảnh 1.

Vở Má ơi út dìa cảnh báo nạn ma túy

H.K

Nghệ sĩ Đình Toàn phụ trách nghệ thuật của Nhà hát IDECAF nói: "Ban đầu cũng lo không biết khán giả có chịu xem những vở "nặng" như vậy không, nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết sản xuất, bởi sân khấu không phải chỉ làm hài vui vẻ mà còn trách nhiệm công dân, trách nhiệm làm nghề, cần thể hiện sự quan tâm đến xã hội".

Sân khấu Thế Giới Trẻ năm ngoái dựng vở Thả thính mà hổng dính đề cập chuyện say xỉn gây tai nạn giao thông, cũng là một tệ nạn của xã hội. Biết bao tai nạn do say xỉn khiến người chết, người tàn tật, mà trong kịch bản là một chàng thanh niên trẻ phải ngồi xe lăn, mất hết tương lai, ý chí, đến mức quẫn trí mà tự tử. May là anh có một cộng đồng dân làng, gia đình, người yêu rất tốt, đã nâng đỡ tinh thần và hỗ trợ anh hồi phục, trở lại cuộc sống bình thường. Sự ăn năn của anh chính là thông điệp gửi tới những người hôm nay.

Thế Giới Trẻ cũng gây ấn tượng với vở Ám ảnh nêu bật câu chuyện giáo dục, khi cha mẹ bắt con học nhồi nhét khiến đứa trẻ bị trầm cảm, tự tử, bỏ nhà đi bụi rồi sa lầy vào những vấn đề phức tạp như ma túy, có thai… Nhân vật cô bé học trò Ánh Dương trong kịch bản không phải là một hiện tượng cá biệt, mà đã xuất hiện cả trong đời thật, phản ảnh một thế hệ trẻ đang chịu quá nhiều áp lực. Khi học hành trở thành nỗi ám ảnh, các em không còn thấy hứng thú nơi học đường nữa mà chỉ làm cho xong bổn phận với cha mẹ, thực hiện ước mơ thay cho cha mẹ, để cha mẹ hãnh diện, khoe khoang thành tích với bạn bè, hàng xóm, chứ không hề thấu hiểu con mình. Lời cảnh tỉnh từ sân khấu chắc chắn là điều cần thiết.

Đến những vấn đề lớn của xã hội

Sân khấu 5B có vở Công lý như mặt trời là vở hiếm hoi nói thẳng về nạn tham nhũng. Tuy mượn màu sắc dân gian nhưng những vấn đề thể hiện trong nội dung vở diễn phản ánh một thực trạng xã hội hiện nay. Từ một vụ án trong huyện, khi điều tra mới lộ ra những tệ nạn như quan chức bất tài, tham ô, háo sắc, sa đọa tình tiền, ép cung, gây án oan sai làm khổ người dân…

Sân khấu kịch và trách nhiệm công dân- Ảnh 2.

Vở Thả thính mà hổng dính lên án nạn say xỉn gây tai nạn giao thông

Tác giả Vương Huyền Cơ cho biết: "Những dạng kịch bản như thế này nhiều người ngại viết vì sợ đụng chạm, các ông bà bầu cũng ngại sản xuất vì sợ không ăn khách. Nhưng nếu chúng ta làm nghệ thuật mà cứ né tránh mãi thì những khuyết điểm của xã hội sẽ còn tồn tại mãi. Thôi thì cứ mạnh dạn làm, cho trái tim đỡ băn khoăn, day dứt".

Vở diễn được đón nhận nồng nhiệt, không chỉ vì nói giùm tiếng lòng bức xúc của khán giả mà còn vì cách dựng rất mềm mại, sinh động, thậm chí hài hước, dùng tiếng cười đả phá thói hư tật xấu rất hiệu quả.

Trước đó, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của IDECAF cũng bỏ vốn sản xuất vở Bí mật giếng làng Khủm (tác giả Trung Dân) với nội dung lên án sự độc chiếm, phá hoại tài nguyên thiên nhiên khiến dân chúng lao đao. Tuy mang màu sắc hương xa, nhưng những chuyện như móng mèo, lưỡi chó, nguồn nước, đào đất quý… khiến người xem thấy "quen quen" với thị trường hiện nay và nhận ra tín hiệu chống tiêu cực.

Còn nhớ cách đây vài năm, Thế Giới Trẻ có vở Bí mật nhà xác thẳng thắn nêu bật vấn đề tiêu cực tại các bệnh viện, nhà xác, người nhà và bệnh nhân tử vong bị o ép đủ điều, từ khâu khâm liệm, giữ xác, chuyên chở, mai táng… đều phải qua đường dây ăn chia của người trong bệnh viện và các công ty dịch vụ. Họ ra giá "chặt chém" rất cao, độc quyền không cho ai chen vào, buộc khách hàng không có quyền lựa chọn. Mượn hình thức kịch kinh dị nhưng nội dung chống tiêu cực rất mạnh, khán giả mua vé suốt mấy năm đông kín rạp.

Nói về những đề tài xã hội "nặng ký" này, đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ: "Rất hoan nghênh những vở diễn có trách nhiệm công dân. Khán giả không chê đâu, vấn đề là cứ viết và dựng thật hay thì họ sẽ đến xem". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.