Sân Mỹ Đình có thể được cho thuê với giá vượt khung

31/08/2022 08:45 GMT+7

Kết quả bốc thăm AFF Cup 2022 đã có nhưng một vấn đề quan trọng khác được dư luận quan tâm là khi giải đấu tiến hành theo thể thức sân nhà - sân khách từ vòng bảng đến chung kết thì tuyển Việt Nam sẽ lấy sân nào làm sân nhà?

Sở dĩ phải đặt câu hỏi này vì hiện tại sân Mỹ Đình đang bị “đóng băng” do Khu liên hợp thể thao quốc gia (viết tắt là Khu liên hợp) đang bị nợ thuế nên phải chịu những hình thức xử lý của các đơn vị có liên quan. Cụ thể, đến hết tháng 7.2022, số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế nợ thuế lên đến gần 840 tỉ đồng. Vì số nợ xấu quá lớn nên cơ quan thuế đang tiếp tục áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn đối với Khu liên hợp. Điều này đồng nghĩa với việc các công trình trọng điểm trực thuộc Khu liên hợp, trong đó có sân Mỹ Đình, sẽ không được cho thuê vì Khu liên hợp không được phép xuất hóa đơn.

Sân Mỹ Đình là chỗ dựa vững chắc của đội tuyển Việt Nam

MINH TÚ

Vấn đề này đang khiến VFF phải đau đầu. Đội tuyển Việt Nam được thi đấu trên sân Mỹ Đình sẽ có nhiều lợi ích. Thứ nhất, các cầu thủ sẽ có động lực cao khi đây là nơi đã chứng kiến những trận thắng quan trọng của đội tại AFF Cup 2018 và đặc biệt là chiến thắng Malaysia ở lượt về chung kết để đăng quang ngay tại sân nhà. Lợi ích thứ 2 là kinh tế. Sân Mỹ Đình có 40.000 chỗ ngồi, trừ giấy mời, VFF có thể bán khoảng 35.000 vé/trận. Nếu thi đấu tốt, tuyển Việt Nam sẽ trải qua 8 trận tại AFF Cup 2022, trong đó 4 trận ở vòng bảng, gồm 2 trận trên sân nhà, 2 trận sân khách; 2 trận ở bán kết (cũng 1 sân nhà, 1 sân khách); 2 trận chung kết (1 sân nhà, 1 sân khách); tổng cộng Việt Nam sẽ có 4 trận trên sân nhà. Xét về nhiều khía cạnh, sân Mỹ Đình vẫn là địa điểm thích hợp nhất, vì sân Việt Trì (Phú Thọ) hay sân Thống Nhất (TP.HCM) sức chứa không bằng.

Một quan chức ngành thể thao cho hay: “Chúng tôi cũng mong muốn AFF Cup 2022 với các trận đấu sân nhà của tuyển Việt Nam được tổ chức ở sân Mỹ Đình. Sẽ sớm có cuộc làm việc với cơ quan thuế để bàn giải quyết vấn đề. Theo quy định của luật Thuế, đơn vị bị nợ thuế vẫn được phép xuất hóa đơn lẻ”. Hóa đơn lẻ này xin một lần và được dùng nhiều lần. Tuy nhiên, hóa đơn lẻ có mức thuế rất cao là 18%. Nếu cơ quan thuế đồng ý với biện pháp này, Khu liên hợp vẫn được cho thuê sân Mỹ Đình nhưng một vấn đề khác có thể nảy sinh, đó là tiền thuê sân sẽ buộc phải vượt khung (hiện tại mức thuê sân Mỹ Đình dao động từ 300 - 500 triệu đồng/trận, tùy tính chất). Một lãnh đạo Khu liên hợp cho biết theo quy định, khi cho thuê cơ sở vật chất, đơn vị cho thuê phải có lãi vì nếu lỗ sẽ bị cơ quan thẩm quyền “tuýt còi”, thậm chí phạt. Nghĩa là sau khi trừ thuế 18% như đề cập ở trên, trừ khấu hao tài sản, tiền điện nước, tiền trả nhân công phục vụ cùng nhiều khoản khác, Khu liên hợp vẫn phải có lãi. Như vậy tiền thuê sân có thể sẽ lên tới khoảng 800 triệu đồng, thậm chí 1 tỉ đồng/trận. Liệu VFF có chịu nổi giá thuê này hay không? Đây cũng là vấn đề mà các bên cần bàn bạc và đàm phán với nhau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.