Anh tài xế này sau đó đã thanh minh và xin lỗi, nhưng chắc chắn hành động của anh ta là sự vô cảm với đồng loại.
Tôi không biết có phải anh tài xế kia sợ xui xẻo cho việc làm ăn của mình như nhiều người nói hay không. Nếu đúng là như vậy, thì sự vô cảm của anh ấy có thể bắt nguồn từ sự thiếu giáo dục, đặc biệt là giáo dục về tính nhân văn. Thật vậy, nếu anh ấy được thụ hưởng một sự giáo dục tốt về tính nhân văn, về sự quý giá của mạng người, thì chắc chắn anh đã không đuổi sản phụ đang trong tình trạng nguy kịch xuống đường.
|
Ngay cả khi do mê tín, dị đoan, anh ấy sợ nếu người phụ nữ kia sinh con trên xe, làm cho anh ấy bị xui xẻo, thì khi đưa người phụ nữ ấy xuống xe, anh ấy cũng không thể bỏ đi như vậy. Chỉ có những kẻ nhẫn tân, mới có thể đuổi một người đang trong tình trạng nguy hiểm, mà mình đã đồng ý chở đến bệnh viện, xuống đường, và bỏ đi như vậy.
Thế nhưng, có phải chỉ có một mình anh tài xế này vô cảm trước sự an nguy đến tính mạng của người phụ nữ kia không? Không, trong câu chuyện này còn có nhân viên của Trạm Y tế xã Thống Nhất (H.Bù Đăng, Bình Phước). Sản phụ này được chở đến bệnh viện, nhưng vì dọc đường thấy yếu quá, nên xe mới ghé qua trạm y tế. Tôi tin rằng lúc đó, cả sản phụ này và gia đình cô ấy đều đặt niềm tin vào nhân viên trạm y tế.
Nhưng những nhân viên của Trạm Y tế xã Thống Nhất đã không quan tâm đến điều đó. Họ nhanh chóng kêu gia đình đưa sản phụ đang trong cơn nguy kịch đi đến bệnh viện. Việc chuyển sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ lên tuyến trên có thể là đúng, vì có thể đó là một trường hợp khó, vượt khả năng của họ.
Tuy nhiên, điều đáng trách là, nếu họ thấy sản phụ và thai nhi đang trong tình trạng nguy hiểm, thì họ phải giữ lại để chăm sóc và gọi xe cấp cứu. Còn nếu, họ thấy quá cấp bách, không thể chờ xe cấp cứu, sẵn có xe kêu chở luôn, thì họ phải cử một người lên xe đi cùng người bệnh.
|
Tôi tin rằng các nhân viên y tế ở Trạm Y tế xã Thống Nhất không đến nỗi thấy chết không cứu, nhưng họ chỉ nghĩ đơn giản, rằng họ quyết định chuyển lên tuyến trên là đúng, và nếu người nhà đi bằng phương tiện tự túc, thì họ không có trách nhiệm phải đi theo.
Tôi không biết nếu có nhân viên y tế ở đó thì cháu bé có sống được không. Nhưng nếu sản phụ kia không bị đuổi xuống xe, và có nhân viên y tế đỡ sanh cho cô ấy, thì bây giờ, ít nhất là mẹ cháu, cha cháu, và tất cả chúng ta, đều nghĩ rằng, cháu bé đó không sống được, là do sinh non, là do cháu quá yếu. Thậm chí, khi ấy chúng ta có thể nghĩ, vì cháu bé yếu nên mới dẫn đến chuyện sinh non.
Câu chuyện đặt ra nhiều vấn đề để mỗi người trong xã hội cùng suy nghĩ.
Chúng ta cần đưa vào trường học nhiều hơn nữa những bài học về tính nhân văn, về tình thương đồng loại, thương yêu súc vật, cây cỏ…, những bài học về trách nhiệm với người xung quanh, với những gì chúng ta gặp trong đời sống thường ngày.
Nếu không muốn có thêm những câu chuyện đau lòng như thế, chúng ta phải có những thay đổi thật cơ bản. Chúng ta không thể chỉ bằng lòng với đồ ăn ngon, quần áo đẹp, xe sang… mà phải cố gắng tiếp cận với các giá trị của một xã hội văn minh.
Bình luận (0)