Sảng khoái hơn khi thức dậy vào mùa đông

25/12/2014 20:55 GMT+7

(TNO) Ước tính của các chuyên gia sức khỏe là chỉ có khoảng 10% trong chúng ta thức dậy vào buổi sáng se lạnh với tinh thần phấn chấn, số còn lại thường mất khoảng 10 phút trải qua cảm giác như "thây ma" và phản ứng chậm chạp.

(TNO) Ước tính của các chuyên gia sức khỏe là chỉ có khoảng 10% trong chúng ta thức dậy vào buổi sáng se lạnh với tinh thần phấn chấn, số còn lại thường mất khoảng 10 phút trải qua cảm giác như "thây ma" và phản ứng chậm chạp.

Thức dậy buổi sáng với tinh thần phấn chấn giúp cả ngày tràn đầy năng lượng - Ảnh:Shutterstock
Trước đây, các nghiên cứu về chu kỳ thức - ngủ thường ít hơn so với các nguyên cứu dành cho giấc ngủ, chất lượng giấc ngủ, tình trạng khó ngủ…Tuy nhiên, gần đây các nhà khoa học đã bắt đầu tập trung vào các nghiên cứu về quá trình thức dậy để giúp chúng ta cảm thấy tươi tỉnh và hưng phấn hơn.
Giáo sư Angela Clow tại Đại học Westminster (Anh) cho biết, khi tỉnh giấc, não thường bùng nổ cortisol mà các nhà khoa học tin rằng cơ thể sinh ra là để đối phó với stress. Sự bùng nổ này được gọi là phản ứng đánh thức cortisol (CAR); nó giống như tiếng chuông thông báo năng lượng đã được chuẩn bị sẵn sàng để các cơ bắp hành động. Hàm lượng CAR cao nhất vào khoảng nửa giờ sau khi thức dậy và giảm dần trong ngày, nên về cơ bản, CAR xuất hiện vào mỗi buổi sáng là rất quan trọng. Vì thế, chỉ cần thực hiện theo các bước sau, bạn có thể vượt qua cảm giác uể oải vào buổi sáng.
Sử dụng thiết bị báo thức. Các nhà khoa học tin rằng thức dậy sớm có liên quan tới hàm lượng CAR cao hơn, và điều đó rất tốt cho cơ thể. Giáo sư Clow cho biết, thức dậy sớm bao giờ cũng tốt hơn cho sức khỏe tâm thần. Những người thức dậy muộn có tỷ lệ cao mắc các bệnh tâm lý. Lý do, thức dậy muộn làm xáo trộn nhịp sinh học (chu kỳ 24 giờ) mà cơ thể đã được đồng bộ hóa. Cô cũng khuyến cáo, mọi người nên thức dậy vào lúc khoảng 6 giờ - 8 giờ 30 phút, thời điểm thuận lợi giúp cơ thể tiếp thu ánh sáng mặt trời và phù hợp với nhịp sinh học tự nhiên. Để làm được điều đó, cần sử dụng thiết bị báo thức cho mỗi buổi sáng.
Ổn định thời gian thức giấc. Tỉnh giấc đột ngột từ giấc ngủ sâu dễ khiến cơ thể rơi vào trạng thái lơ mơ. Theo quán tính, bạn thường bị quáng gà và phải mất vài phút mới lấy lại sự tỉnh táo, hiện tượng này đặc biệt phổ biến ở thanh thiếu niên. Giáo sư Jim Horne từ Trung tâm nghiên cứu giấc ngủ của Đại học Loughborough (Anh) nói, cơ thể hoạt động giống như một cái máy tự động có thể dẫn đến nhiều sai sót nghiêm trọng trong tình huống khẩn cấp. Do đó, để tránh rắc rối khi thức dậy, cần duy trì ổn định thời gian cho việc thức dậy.
Ngoài ra, theo Giáo sư Horne, vừa tỉnh dậy đã lập tức ra khỏi giường rất có thể dẫn đến sự thay đổi đột ngột của huyết áp, gây ra bệnh cao huyết áp. Cần nằm 5 phút để vận động tứ chi và não bộ rồi mới đứng dậy ra khỏi giường. Mọi hoạt động diễn ra từ từ sẽ làm cho các cơ quan trong cơ thể thích ứng với sự thay đổi, giảm nguy cơ bị ngã do áp lực lên mạch máu từ việc đứng dậy đột ngột.
Tạo không gian sáng bừng. Rất nhiều người bị ảnh hưởng tâm trạng do sự thay đổi của thời tiết - gọi là SAD, thường phổ biến nhất trong những tháng mùa đông. Nếu như mùa hè, mọi thứ diễn ra suôn sẻ, thì vào mùa đông, con người có xu hướng muốn ăn nhiều thứ, cộng thêm tâm trạng chán nản và đau khổ, Giáo sư Clow cho biết. Cách đây vài năm, nhóm nghiên cứu của bà đã tiến hành kiểm tra giả thuyết tâm trạng thay đổi trong mùa đông có thể được liên kết với một CAR giảm, sau khi thực hiện phương pháp tiếp cận chéo, quan sát vào cả hai nhóm người bị SAD và không bị SAD.
Theo đó, các nghiên cứu phát hiện, vào mùa hè, CAR của cả hai nhóm giống hệt nhau và không có sự khác biệt trong tâm trạng. Nhưng vào mùa đông, CAR ở những người SAD có chiều hướng giảm sút đáng kể. Từ nghiên cứu trên, các nhà khoa học rút ra kết luận ánh sáng có ảnh hưởng đến hệ số CAR, ngay cả đối với những người không bị SAD, chỉ cảm thấy chệnh choạng và chậm chạp vào buổi sáng.
Để tăng CAR trong cơ thể, hãy sử dụng các thiết bị ánh sáng đặt cạnh giường ngủ mô phỏng bình minh. Lý tưởng nhất là nên để ánh sáng xuất hiện vào khoảng nửa giờ trước khi thức dậy. Ánh sáng có tác dụng làm tăng CAR và được liên kết với tác dụng thúc đẩy cảm giác hưng phấn, Giáo sư Clow nói.
Tập thể dục. Tập thể dục làm tăng hàm lượng CAR, Giáo sư Clow cho biết. Theo Telegraph, những người thường xuyên tập thể dục thường cảm thấy tâm trạng tốt hơn khi thức dậy so với những người lười vận động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.