Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo), ca bệnh được công bố sáng nay, là bệnh nhân thứ 2.229 tại Việt Nam, là ca nhập cảnh, được cách ly ngay. Bệnh nhân này đã được Ban Chỉ đạo TP.Hà Nội thông báo vào tối ngày 14.2.
Bệnh nhân 2229 (nam, 54 tuổi, quốc tịch Nhật Bản), là chuyên gia công ty TNHH Mitsui, Việt Nam. Bệnh nhân nhập cảnh vào làm việc tại Việt Nam ngày 17.1 tại Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được cách ly tập trung tại P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM từ ngày 17 - 31.1. Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV2 (vào các ngày 17 và 31.1). Ngày 1.2, bệnh nhân bay ra Hà Nội và trú tại một khách sạn ở Q.Tây Hồ.
Trong khoảng thời gian từ ngày 1.2 - 13.2, bệnh nhân đi lại, làm việc giữa khách sạn và công ty. Khoảng 19 giờ ngày 13.2, bệnh nhân được phát hiện tử vong trong phòng khách sạn. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm ngày 14.2, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Nguyên nhân tử vong đang được điều tra làm rõ
Theo các chuyên gia, bệnh nhân dương tính thông thường phát tán virus qua đường hô hấp. Nhưng với những trường hợp bệnh nhân đã tử vong nếu dương tính với SARS-CoV-2 thì virus không phát tán theo đường hô hấp mà lây lan qua tiếp xúc với dịch nhầy của người bệnh hoặc đồ vật trên người nạn nhân và đồ đạc xung quanh.
Theo Ban Chỉ đạo, trong số 2.229 ca mắc Covid-19 được ghi nhận tại Việt Nam từ đầu dịch đến nay, 1.534 ca đã được điều trị khỏi; 1.330 ca do lây nhiễm trong nước.
Từ ngày 27.1 (thời điểm ghi nhận ổ dịch tại TP.Chí Linh tỉnh Hải Dương và sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) đến nay, có 637 ca mắc mới tại 13 tỉnh, thành phố: Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Hòa Bình, Bắc Ninh, Gia Lai, Bình Dương, Bắc Giang, Điện Biên, Hà Giang và Hưng Yên.
Hiện, 152.690 người tiếp xúc gần ca bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly y tế), trong đó, 683 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 18.232 người cách ly tập trung tại cơ sở khác; 133.775 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Dịch tại Hải Dương có thể còn kéo dài
Liên quan dịch tại Hải Dương, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, do biến chủng, nên virus có tốc độ lây lan tăng gấp 4 lần, do đó cần thiết phải triển khai tăng công suất xét nghiệm, truy vết nhanh chóng.
|
Theo ông Long: “Chúng tôi đánh giá tình hình dịch bệnh tại Hải Dương vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường và có thể kéo dài hơn, nhưng tổng thể chung vẫn kiểm soát tốt tình hình”, đồng thời lưu ý, H.Cẩm Giàng là địa bàn “đáng quan ngại”, cần triển khai các biện pháp chống dịch quyết liệt tại huyện này.Hải Dương cần tối đa các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn có dịch, xét nghiệm nhanh chóng.
Bệnh viện Bạch Mai phải hỗ trợ máy móc, nhân sự để tăng cường xét nghiệm tại Hải Dương. Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư phải lập Trung tâm xét nghiệm (labo) ngay tại Cẩm Giàng; cứ 2 ngày sàng lọc/lần. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư thiết lập ngay labo ở H.Chí Linh.
Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương huy động sinh viên quay lại trường sau dịp nghỉ lễ tết sớm để tăng cường nhân lực lấy mẫu. Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục hỗ trợ tập huấn, chuẩn bị bộ máy nhân sự của Bệnh viện Dã chiến số 3. Đồng thời, tăng cường giám sát việc thực hiện cách ly tại khu dân cư.
Bình luận (0)