Cuộc hội thảo mới đây tại Washington (Mỹ) đã mở ra viễn cảnh sáng sủa cho tham vọng chinh phục hành tinh đỏ. Trong dịp này, những tên tuổi lớn nhất trong ngành thám hiểm không gian, trong đó có NASA và Buzz Aldrin, đã hợp lực bàn thảo các dự án mới nhất liên quan đến mục tiêu chung của cả nhân loại.
|
Trong bối cảnh sao Hỏa một lần nữa thu hút sự quan tâm rộng rãi của giới khoa học và lĩnh vực tư nhân, một số sáng kiến đã được giới thiệu liên tục trong mấy tháng gần đây, và gây sốc nhất có lẽ là đề nghị “một đi không trở lại” của hãng Mars One thuộc Hà Lan, theo CNN. Dư luận Mỹ cũng thích ý tưởng chính phủ cử người lên hành tinh đỏ, theo khảo sát do Tổ chức phi lợi nhuận Explore Mars kết hợp với Tập đoàn Boeing thực hiện. Theo đó, 71% số người tham gia trông đợi các phi hành gia Mỹ sẽ hạ cánh lên sao Hỏa vào năm 2033. Chưa hết, 75% còn cho rằng nên tăng gấp đôi ngân sách cho NASA để cơ quan này đủ tiềm lực tài chính vạch kế hoạch lên sao Hỏa, cũng như đưa ra những sáng kiến khác.
NASA hiện chỉ nhận 0,5% ngân sách của liên bang, so với mức 4% trong giai đoạn Mỹ triển khai tham vọng chinh phục mặt trăng vào thập niên 1960 với các sứ mệnh của Apollo. Giám đốc NASA Charles Bolden đã nhấn mạnh rằng “sứ mệnh gửi người lên sao Hỏa là ưu tiên của tổ chức này”. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính vẫn là trở ngại lớn nhất cho dự án đồ sộ như vậy. “Nếu bắt đầu từ hôm nay, chúng ta có thể lên sao Hỏa trong vòng 20 năm”, theo nhà khoa học
G.Scott Hubbard của Đại học Stanford. Chuyên gia này nhận định rằng nếu muốn thực hiện ước mơ trên, thật sự chẳng cần cầu viện đến phép màu mà chỉ cần có đủ tiền và kế hoạch để vượt qua các thách thức về kỹ thuật. Ông Hubbard từng là giám đốc chương trình sao Hỏa đầu tiên của NASA và đã thành công khi xây dựng lại toàn bộ chương trình một lần nữa sau thất bại ban đầu.
Việc chuyên chở từ 30 đến 40 tấn thiết bị để thành lập môi trường sống trên sao Hỏa, là một trong những thách thức lớn nhất, bên cạnh khó khăn còn tồn đọng lâu nay là làm sao chở theo đủ, hoặc sản sinh đủ nhiên liệu để quay về. Vào tháng 8 năm ngoái, thiết bị tự hành Curiosity đã trải qua 7 phút trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc mới đáp xuống sao Hỏa. Và nó chỉ nặng khoảng 1 tấn. Sứ mệnh tiêu tốn đến 2,5 tỉ USD, kéo dài ít nhất 2 năm, nhằm phục vụ mục tiêu nghiên cứu môi trường trên sao Hỏa, và săn tìm dấu vết của nước để chuẩn bị cho sứ mệnh con người trong tương lai. Do vậy, các sứ mệnh robot đặc biệt cần thiết để chứng tỏ hệ thống hoạt động khả thi trước khi các nhà khoa học nghĩ đến chuyện cử người lên đó.
Hiện NASA đang phát triển Hệ thống Phóng không gian và tàu Orion cho các dự án thám hiểm xa xôi. Chuyên gia Hubbard cho hay nên phát triển động cơ hạt nhân cho bất cứ phi thuyền nào trực chỉ sao Hỏa, do nó sẽ cung cấp lực đẩy liên tục nên giảm thời gian du hành khoảng 3 tháng, đồng thời giảm nguy cơ bức xạ. Khoảng cách từ trái đất đến sao Hỏa dao động từ 56 triệu đến 400 triệu km, phụ thuộc vào vị trí của hành tinh. Bên cạnh các thách thức liên quan đến kỹ thuật, ảnh hưởng tiêu cực đến từ các hành trình dài hơn đối với cơ thể người vẫn hết sức mù mờ, chưa được tìm hiểu kỹ càng. Các chuyên gia NASA đặc biệt quan tâm đến tình trạng phơi nhiễm bức xạ vũ trụ đối với các tình trạng như nguy cơ ung thư, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, khối lượng xương bị hao hụt. Ngoài ra, thách thức tâm lý cũng hết sức quan trọng, vì các phi hành gia sẽ trải qua nhiều ngày bị nhốt trong không gian kín, tù túng. Ước tính các nhà khoa học cần tối thiểu 10 năm để nghiên cứu ảnh hưởng của chuyến đi đến cơ thể con người trước khi bật đèn xanh cho một sứ mệnh như vậy.
Hạo Nhiên
>> NASA tuyển được “thợ săn hành tinh” mới
>> NASA bị tố tuồn công nghệ ra nước ngoài
>> Hai tàu thăm dò NASA đâm vào mặt trăng
>> Phi thuyền NASA chuẩn bị "tự sát
>> NASA, Vatican đều bác bỏ tin đồn tận thế
>> Đề nghị NASA chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghệ vũ trụ
>> NASA sắp công bố khám phá chấn động về sao Hỏa
>> NASA đổi tên sứ mệnh nghiên cứu vành đai bức xạ
>> Kỷ lục gia của NASA nắm quyền quản lý trạm ISS
>> NASA mở cuộc thi đặt tên cho tiểu hành tinh
Bình luận (0)