Sạt lở cầu, người dân 2 xã phải đi đường vòng

09/06/2021 08:33 GMT+7

Nhiều ngày qua, cây cầu bắc qua sông Đăk Psi (đoạn chảy qua thôn Kon Đao Yốp, xã Đăk Long, H.Đăk Hà, Kon Tum) bị sạt lở , khiến nhiều hộ dân sống 2 bên bờ gặp khó khăn trong việc đi lại, canh tác.

Do ảnh hưởng những cơn bão trong năm 2020, cây cầu trên tuyến đường giao thông tránh lũ (đoạn qua thôn Kon Đao Yốp, X.Đắk Long) bị hư hỏng, sạt lở gây mất an toàn cho bà con qua lại. Trước tình hình này, UBND huyện Đắk Hà đã có quyết định phê duyệt việc sửa chữa cầu với kinh phí hơn 4 tỉ đồng. Tuy nhiên trong lúc đang được sửa chữa, cây cầu tiếp tục bị sạt lở. Theo ghi nhận của phóng viên, một bên thành cầu vỡ toác, đất đá cuốn trôi xuống dưới chân cầu. Một phần mặt cầu cũng bị sạt lở gây hở hàm ếch. Tại điểm sạt lở, mặt cầu xuất hiện nhiều vết nứt dài 2 - 3 m.

Người dân khốn khổ vì sạt lở cầu bắc qua sông Đăk Psi

Để đảm bảo an toàn, UBND xã Đắk Long đã dựng rào chắn, đồng thời báo cáo lên UBND huyện để có phương án xử lý nhằm đảm bảo giao thông trên tuyến đường này. Bà Bùi Thị Thu (60 tuổi, ở thôn Kon Đao Yốp) có nhà ngay chân cầu cho biết gia đình bà canh tác 2 ha cà phê bên kia sông. Sau khi cây cầu bị sạt lở, gia đình bà không thể chở phân bón qua để bón cho vườn cà phê. Ngoài ra, mỗi khi có việc qua sông, gia đình bà phải đi bộ qua rồi mượn xe để di chuyển theo đường vòng.
Ông Hoàng Công Ái, Chủ tịch UBND xã Đắk Long, cho biết cây cầu này nằm trên tuyến đường giao thông tránh lũ. Đây là tuyến đường nối 5 thôn, làng của 2 xã Đăk Psi và Đăk Long với QL14, giúp hàng nghìn người dân xã Đăk Long và Đắk Psi không bị chia cắt khi mưa lũ. Đồng thời, tạo điều kiện cho bà con canh tác các loại cây công nghiệp cà phê, cao su, hồ tiêu cũng như vận chuyển, buôn bán nông sản. “Cầu bị sạt lở gây ảnh hưởng lớn đến việc canh tác, sản xuất của bà con. Ngoài ra, sau khi cầu sạt lở, người dân muốn ra QL14 đều phải đi đường vòng dài hơn 4 - 5 km”, ông Ái nói.
Còn theo ông Nguyễn Phúc Đoan, Chủ tịch UBND xã Đăk Psi, cây cầu tại xã Đăk Long bị sạt lở gây ảnh hưởng đến đời sống người dân tại 3 thôn làng của xã. Cụ thể, các loại xe tải không thể lưu thông qua lại, gây khó khăn cho việc vận chuyển nông sản, phân bón của người dân. Bên cạnh đó, người dân nếu muốn ra trung tâm huyện phải đi đường vòng qua các cầu treo, khiến quãng đường xa hơn bình thường.
Được biết tuyến đường giao thông tránh lũ này được đầu tư xây dựng năm 2010, do UBND huyện Đăk Hà làm chủ đầu tư với số vốn trên 270 tỉ đồng. Năm 2014, tuyến đường được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.