Gửi kiến nghị tới Bộ Nội vụ trước kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Cao Bằng phản ánh, theo Nghị quyết 104 năm 2023 của Quốc hội, từ ngày 1.7 sẽ thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của T.Ư.
Tuy nhiên, theo cử tri Cao Bằng, một số công chức, viên chức vẫn còn băn khoăn về lương theo vị trí việc làm. Đặc biệt là lương của công chức công tác lâu năm nhưng không ở vị trí lãnh đạo, quản lý.
Do đó, cử tri đề nghị trong quá trình xây dựng chính sách quan tâm đến đối tượng là công chức, viên chức công tác lâu năm nhưng không ở vị trí lãnh đạo, quản lý.
Trả lời cử tri mới đây, Bộ Nội vụ cho hay, căn cứ Nghị quyết số 27 của Hội nghị T.Ư 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và các kết luận, nghị quyết liên quan, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng và báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị, Quốc hội rõ những vướng mắc, bất cập nếu thực hiện các bảng lương mới (gồm bảng lương chức vụ, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức và 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang) và các chế độ phụ cấp mới trong khu vực công theo đúng Nghị quyết số 27.
Theo đó, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 83 ngày 21.6 và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 142 ngày 29.6 (Nghị quyết kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV) chỉ đạo thực hiện cải cách chính sách tiền lương khu vực công theo lộ trình, bảo đảm phù hợp với khả năng nền kinh tế, ngân sách nhà nước và sự đồng thuận của xã hội.
Căn cứ kết luận của Bộ Chính trị và nghị quyết của Quốc hội nói trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73 ngày 30.6 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Theo đó, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1.7 (tăng thêm 30%). Cùng đó, thực hiện tiền lương và thu nhập đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở T.Ư.
Cạnh đó, thực hiện chế độ tiền thưởng trên cơ sở thành tích công tác đột xuất và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước (quỹ tiền thưởng bằng 10% tổng quỹ tiền lương, không bao gồm phụ cấp) giao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị xây dựng quy chế cụ thể để thực hiện chế độ tiền thưởng áp dụng đối với các đối tượng trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, Chính phủ cũng quy định rõ nguồn kinh phí để thực hiện tăng thêm 30% mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng từ ngày 1.7.
Bộ Nội vụ khẳng định, để khắc phục thực sự những tồn tại, hạn chế của chế độ tiền lương hiện hành như kiến nghị của cử tri, căn cứ kết luận của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện chế độ nâng lương, các chế độ phụ cấp hiện hành và cơ chế quản lý tiền lương, thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất việc thực hiện các bảng lương và các chế độ phụ cấp mới của khu vực công theo Nghị quyết số 27 cho phù hợp để trình T.Ư Đảng xem xét sau năm 2026 theo yêu cầu tại Kết luận số 83 ngày 21.6 của Bộ Chính trị.
Nghị quyết 27 năm 2018 của T.Ư yêu cầu thực hiện cải cách toàn diện tiền lương từ năm 2021. Tuy nhiên, lộ trình cải cách tiền lương đã bị hoãn 3 lần. Tới năm 2023, Quốc hội ra nghị quyết thực hiện cải cách tiền lương từ 1.7 theo Nghị quyết 27.
Tới kỳ họp 7 Quốc hội khóa XV hồi tháng 6 vừa qua, do gặp khó khăn trong việc xây dựng bảng lương, phụ cấp mới, Chính phủ đề nghị tạm thời chưa bãi bỏ lương cơ sở mà tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1.7.
Bãi bỏ lương cơ sở, xây dựng hệ thống bảng lương mới và sắp xếp lại chế độ phụ cấp là 2 nội dung chính trong 6 nội dung của cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 năm 2018 của T.Ư Đảng khóa XII.
Bình luận (0)