Sau 3 tháng, chiến sự ở Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc

Khánh An
Khánh An
24/05/2022 07:09 GMT+7

Ngày 24.5 đánh dấu chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine tròn 3 tháng, trong khi chưa có dấu hiệu khả quan về giải pháp cho khủng hoảng.

Đài CBS News ngày 23.5 đưa tin Quốc hội Ukraine quyết định gia hạn thiết quân luật thêm 90 ngày, trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã kéo dài 3 tháng.

Cố vấn Mykhailo Podolyak của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bác bỏ khả năng ngừng bắn với Nga vì không chấp nhận bất cứ thỏa thuận nào liên quan việc nhường lãnh thổ, điều mà ông cho rằng sẽ không giúp chiến sự kết thúc mà còn khiến Nga “tấn công lại nhiều hơn sau thời gian ngừng bắn”. Nhận định trên phản ánh nguy cơ chiến sự khó kết thúc sớm.

Xe tăng của phía Nga tại vùng Donetsk vào ngày 22.5

Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin cách đây tròn 3 tháng công bố “chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm phi quân sự hóa và xóa bỏ chủ nghĩa phát xít” ở Ukraine, sau khi công nhận độc lập cho 2 vùng lãnh thổ đòi ly khai Donetsk và Luhansk ở Donbass. Theo Reuters, đây là động thái quân sự lớn nhất tại châu Âu từ sau Thế chiến 2 khi Nga đưa quân từ 3 hướng bắc, đông và nam, dội pháo đến tận tỉnh Kyiv và nhiều nơi ngay trong ngày hôm sau.

Xem nhanh: Ngày 89 chiến dịch quân sự Nga: Điều kiện ngưng bắn của Ukraine, "gáo nước lạnh" của Pháp

Đến ngày 29.3, Nga tuyên bố hoàn thành mục tiêu chính trong giai đoạn 1 của chiến dịch và chuyển hướng sang vùng Donbass. Giao tranh tiếp diễn tại phía đông Ukraine, trong đó có việc soái hạm Moskva của Hạm đội biển Đen Nga bị chìm hôm 14.4. Theo tờ The Guardian, chiến sự trong những ngày qua tập trung tại miền đông, với giao tranh ác liệt nhất tập trung quanh 2 thành phố Severodonetsk và Lysychansk tại tỉnh Luhansk. Tổng thống Ukraine cho biết có khoảng 50 - 100 người thiệt mạng mỗi ngày tại mặt trận miền đông.

Chiến sự khiến các nước châu Âu lo ngại về an ninh, và Phần Lan, Thụy Điển hôm 18.5 nộp đơn xin gia nhập NATO, bất chấp những cảnh báo của Nga.

Theo trang Investment Monitor, bên cạnh thiệt hại về nhân mạng, chiến sự gây thiệt hại lớn về vật chất và Ukraine có thể sẽ phải mất đến 1.000 tỉ USD và nhiều năm để khôi phục. Hơn 8 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa để lánh nạn bên trong lãnh thổ Ukraine và 6 triệu người tị nạn đã ra nước ngoài.

Song song đó, căng thẳng Nga - phương Tây cùng với những lệnh cấm vận từ 2 bên dẫn đến ảnh hưởng chưa từng thấy đối với thị trường năng lượng cũng như an ninh lương thực, dẫn đến lạm phát tăng vọt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang hồi phục do tác động của đại dịch Covid-19.

Lính Ukraine ở Donbass: "Chúng tối sẵn sàng cho tất cả"

Nga sắp tấn công quy mô lớn trở lại?

Đánh giá về tình hình chiến sự ở Ukraine khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên, một chuyên gia là cựu sĩ quan cấp cao của quân đội Mỹ nhận định trọng tâm quân sự hiện nay của Nga là nhằm đảm bảo kiểm soát phần lớn vùng Donbass và vành đai liên kết tới bán đảo Crimea. Vì thế, Nga đang rút ngắn các phòng tuyến ở phía tây và phía bắc để cấu trúc lại các đơn vị bị thiệt hại. Lực lượng bổ sung sẽ hoàn thành huấn luyện trong 2 - 3 tuần nữa. Bên cạnh đó, quân đội Nga cũng rút khỏi các thành phố nơi họ đã chịu tổn thất nặng nề trong giao tranh ở đô thị.

Các đơn vị quân đội Nga đang được tái thiết để tham chiến trở lại, và có thể Nga sẽ xúc tiến các hoạt động chiến đấu quy mô lớn trở lại trước ngày 14.6.

Nga và Ukraine đã tiến hành nhiều vòng đàm phán trực tiếp và trực tuyến từ ngày 28.2 - 22.4, nhưng vẫn chưa đạt kết quả. Hãng AFP ngày 23.5 dẫn lời Tổng thống Zelensky cho rằng chiến sự chỉ có thể chấm dứt thông qua ngoại giao, đồng thời muốn mọi thứ trở lại như cũ nhưng “Nga không muốn điều đó”. Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky khẳng định rằng Nga “chưa bao giờ từ chối đối thoại”.

"Gáo nước lạnh" từ Pháp: “mất 15-20 năm nữa” Ukraine mới có thể gia nhập EU

Trang Kyiv Independent ngày 23.5 đưa tin Bộ Tham mưu trưởng quân đội Ukraine cho hay phía Nga đã thiệt hại 1.293 xe tăng, 3.166 xe chiến đấu bọc thép, 604 khẩu pháo, 201 hệ thống rốc két đa nòng, 93 tên lửa đất đối không, 170 trực thăng, 204 máy bay, 476 máy bay không người lái (UAV) và 13 tàu. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã phá hủy khí tài của Ukraine gồm 177 máy bay, 125 trực thăng, 990 UAV, 319 hệ thống tên lửa phòng không, 3.226 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 421 hệ thống rốc két đa nòng, 1.643 khẩu pháo và 3.106 xe quân sự. Trong khi đó, cả 2 bên đều không chính thức công khai chi tiết con số thiệt hại của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.