Háo hức ngày trở lại
Gần 4 tháng qua, dù vẫn gặp thầy cô và bạn bè nhưng Huỳnh Thanh Dung, học sinh (HS) Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), chia sẻ: “Đó chỉ là gặp trên mạng, nhìn nhau qua màn hình trong những tiết học trực tuyến và những lần hẹn “chát chít”, khó có thể thỏa hết những điều mà tuổi học trò của chúng em mong muốn. Không chỉ thế, năm nay cuối cấp, chúng em ai cũng lo lắng vì học trực tuyến không thể tốt như học trên lớp với thầy cô. Trong lớp em, bạn nào cũng muốn đi học, dù không tránh khỏi tâm lý hơi lo lo vì dịch bệnh. Thế nên, chúng em đã rất nôn nao cho ngày trở lại”.
Học sinh được hướng dẫn thực hiện 5K |
đào ngọc thạch |
Giáo viên (GV) cũng chờ đợi ngày đến trường để trực tiếp giảng bài cho học trò. Thạc sĩ Phan Thế Hoài, GV Trường THPT Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân), bày tỏ: “Khi dạy trực tuyến, dù học trò có nghiêm túc đến đâu nhưng tiết dạy không có cảm xúc như đứng trên bục giảng. Khi đó, được nhìn thấy ánh mắt của các em, thấy được phản ứng qua một thoáng nhíu mày, nhăn trán của các em khi tiếp nhận kiến thức mà mình truyền đạt, thật sự thấy rất thiêng liêng, đặc biệt với một GV ngữ văn”.
Học sinh được nhắc nhở, thông báo các biện pháp đảm bảo an toàn khi đến trường |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Dù xác định đến trường học trực tiếp là việc cần thiết nhưng tâm trạng lo lắng là điều không tránh khỏi của phụ huynh HS trong những ngày này. Thế nên ngoài động viên, chuẩn bị cho con những vật dụng cần thiết khi đến trường thì chị Nguyễn Thụy Anh, phụ huynh HS Trường THCS Tân Tạo (Q.Bình Tân), tìm đọc những thông tin hướng dẫn HS đến trường an toàn do bác sĩ tư vấn trên các phương tiện thông tin, động viên con đi học phải thật chú ý bảo vệ sức khỏe và tuyệt đối thực hiện theo hướng dẫn của thầy cô.
Ngày 12.12: Cả nước 14.638 ca Covid-19, 1.295 ca khỏi | TP.HCM 1.216 ca |
Các phương án không để dịch lây lan
Vào đầu tháng 12, UBND TP.HCM đã quyết định lộ trình tổ chức dạy học trực tiếp, trong đó 2 tuần đầu tiên, tính từ ngày 13.12 sẽ dành cho việc tổ chức thí điểm đối với HS lớp 9, 12. Ngay thời điểm đó, các trường THCS, THPT đã tiến hành rà soát, chuẩn bị phương án không để dịch lây lan trong trường học, tổ chức giảng dạy trong điều kiện thích ứng, linh hoạt, đảm bảo an toàn cho HS, GV.
Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1), cho hay để đảm bảo an toàn cho HS cũng như tạo sự an tâm đối với phụ huynh, hằng ngày HS, cán bộ quản lý, GV, nhân viên kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, rửa tay sát khuẩn trước khi vào khuôn viên trường, lớp. GV cũng như bộ phận giám thị quản lý HS đầu giờ, cuối giờ, giờ ra chơi, khu vực tập trung đông người, giám sát việc thực hiện 5K trong suốt thời gian hoạt động trong ngày. Bộ phận giám thị, nhân viên y tế và GV chủ nhiệm theo dõi, ghi nhận kịp thời HS vắng mặt và lý do để xử lý nếu có liên quan dịch bệnh.
Còn Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) lắp đặt 3 máy đo thân nhiệt, sát khuẩn bằng tia hồng ngoại tại 3 cổng ra vào trường, chuẩn bị hàng ngàn khẩu trang, 200 bộ đồ bảo hộ y tế và dung dịch sát khuẩn để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu sử dụng của các thành viên trong thời gian ở trường.
Nhìn nhận và dự báo khi HS trở lại trường không tránh khỏi những nguy cơ xuất hiện F0, F1 trong trường học nên Phòng GD-ĐT Q.8 đã tổ chức diễn tập phương án xử lý tình huống cấp bách. Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD-ĐT Q.8, cho biết các trường phối hợp cùng y tế địa phương, phân công việc cụ thể cho GV chủ nhiệm, GV bộ môn, giám thị... Lãnh đạo phòng giáo dục quận này cho hay việc chuẩn bị sẵn sàng các tình huống, cách thức ứng phó để không bị động khi có sự cố xảy ra, đảm bảo an toàn cao nhất cho HS, GV và các thành viên trong trường.
Thầy cô háo hức mở cửa trường đón học sinh sau “kỳ nghỉ” dài vì Covid-19 |
Học sinh không đến trường, sẽ học như thế nào ?
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết Sở không yêu cầu các trường phải dạy trực tiếp tất cả môn học khi mở cửa trường. Tùy hoàn cảnh cụ thể của từng đơn vị, hiệu trưởng quyết định thời lượng học trực tiếp của các môn học sao cho hiệu quả và an toàn.
Và khi HS đi học trực tiếp trở lại, việc xuất hiện F0, F1 bị cách ly, không thể tiếp tục đến trường đã được các trường dự báo. Từ đó, mỗi trường xây dựng phương án cụ thể hỗ trợ HS, tránh ảnh hưởng quá trình tiếp thu kiến thức.
Ông Lê Văn Phước, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh), cho biết: “Việc tổ chức cho HS đến trường sẽ có phát sinh tình huống HS trở thành F0, F1, không thể đến trường. Tuy nhiên nhà trường phải xây dựng phương án thích ứng, linh hoạt chứ không thể ngừng việc dạy học”.
Theo đó, mỗi GV của Trường THPT Võ Thị Sáu sẽ sử dụng tính năng của ứng dụng Microsoft Teams để quay lại bài giảng của mình. Sau đó bài giảng sẽ được cập nhật trên hệ thống dữ liệu, HS không thể đến trường sẽ sử dụng tài khoản của mình để đăng nhập theo dõi tiết học. Đồng thời, GV của các tổ bộ môn sẽ có những tiết dạy trực tuyến để giải đáp và lưu ý kiến thức HS cần tập trung.
Ông Ngô Văn Hội, Hiệu phó Trường THPT Cần Thạnh (H.Cần Giờ), cho hay HS không thể đến trường có thể tiếp tục học trực tuyến trên hệ thống K12Online mà trường đang duy trì. Và để các HS này không thiệt thòi so với các bạn đang học trực tiếp thì ở những tiết dạy mà lớp học có HS đang cách ly, GV sẽ livestream và chia sẻ giới hạn cho từng HS đang học tại nhà.
Song song với việc HS đi học trực tiếp, theo Sở GD-ĐT TP.HCM, các trường vẫn tiếp tục xây dựng học liệu số bao gồm phần giao bài, phần hướng dẫn HS tự học, tự tìm và đọc tài liệu, clip giảng bài của GV... nhằm hỗ trợ học tập cho những HS chưa thể đến trường học trực tiếp hoặc những HS đã đi học nhưng tiếp thu bài trên lớp chưa đạt được yêu cầu như mong muốn.
Bình luận (0)