Sau Lệnh 248, Lệnh 249, nông sản xuất khẩu Trung Quốc phải tuân theo Lệnh 259

10/02/2023 13:14 GMT+7

Sau Lệnh 248 về "Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu" và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu", nông sản xuất khẩu Trung Quốc phải tuân thủ Lệnh 259, yêu cầu đơn vị, tổ chức nước ngoài tham gia giám sát, chứng nhận chất lượng ở nước xuất khẩu phải có đăng ký với Trung Quốc.

Đó là thông tin ông Tô Ngọc Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), chia sẻ đến cộng đồng doanh nghiệp đang xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, tại Diễn đàn kết nối nông sản 970 với chủ đề: "Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)" do Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức ngày 10.2.

Sau lệnh 248, lệnh 249, nông sản xuất khẩu Trung Quốc phải tuân theo lệnh 259   - Ảnh 1.

Trung Quốc có thêm Lệnh 259 để kiểm soát chất lượng nông sản, hàng hóa nhập khẩu

UNION TRADING

Theo ông Tô Ngọc Sơn, thống kê kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm sản của Việt Nam hiện nay cho thấy, Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm thị phần xuất khẩu lớn nhất.

Cụ thể, đối với ngành hàng rau quả, xuất khẩu vào Trung Quốc chiếm hơn 53% tổng sản lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam; vải thiều chiếm hơn 90%; thanh long chiếm hơn 80%. Đặc biệt, sắn và các sản phẩm từ sắn chiếm trên 91%; cao su chiếm hơn 71%. Đối với ngành hàng thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản.

Ông Sơn cho rằng, với năng lực sản xuất và năng suất trong ngành nông nghiệp hiện nay, Trung Quốc là thị trường truyền thống, cũng là thị trường xuất khẩu lớn, quan trọng của Việt Nam. Chúng ta phải tìm cách để giữ vững được thị phần xuất khẩu ở thị trường Trung Quốc một cách bền vững.

Theo ông Sơn, một trong những giải pháp để giữ vững thị trường xuất khẩu bền vững, trước hết phải là chất lượng nông sản, thực phẩm. Doanh nghiệp đảm bảo thực thi nghiêm túc các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn của Trung Quốc.

Những năm gần đây, Trung Quốc điều chỉnh các chính sách, quy định theo hướng đặt yêu cầu cao hơn đối với thực phẩm, nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc.

Cụ thể, sau Lệnh 248 và Lệnh 249, trong năm 2022, Trung Quốc đã đưa vào áp dụng, thực thi Lệnh 259, yêu cầu các đơn vị, tổ chức nước ngoài đang tham gia giám sát, cấp chứng nhận các tiêu chuẩn cho nông sản, hàng hóa của nước xuất khẩu phải có đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, để kết quả giám sát, chứng nhận này được sử dụng khi làm thủ tục thông quan.

"Dù không có tác động trực tiếp như Lệnh 248, Lệnh 249 nhưng các doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ chứng nhận từ các đơn vị nước ngoài phải lưu ý tuân thủ để xuất khẩu thuận lợi", ông Sơn nói.

Cập nhật kết quả thực hiện Lệnh 248, Lệnh 249, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết đến nay Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp 435 mã số đăng ký cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các nhóm hàng hóa, gồm: ngũ cốc làm thực phẩm; rau tươi, rau tách nước; gia vị có nguồn gốc tự nhiên; quả hạch và các loại hạt; trái cây sấy khô; trái cây đông lạnh...

Ngoài ra, Trung Quốc đã ký nghị định thư nhập khẩu chuối, măng cụt, thạch đen, cám gạo, cám, khoai lang, sầu riêng. Cục Bảo vệ thực vật và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang đàm phán để ký nghị định thư xuất khẩu các loại quả tươi truyền thống, như: dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải và chôm chôm.

Bên cạnh đó, nhóm trái cây có múi (cam, chanh, bưởi) và dừa cũng đang được Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Cục Bảo vệ thực vật tiến hành đàm phán để mở cửa thị trường xuất khẩu vào Trung Quốc.




Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.