Cụ thể, mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã ký quyết định cử ông Phan Phạm Hà làm người đại diện cho 22% vốn điều lệ tại VEAM - doanh nghiệp mà Bộ Công thương vẫn đang nắm hơn 88% cổ phần.
Tháng trước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng có văn bản gửi bộ phận đại diện vốn nhà nước tại VEAM về việc cử ông Hà làm người đại diện phần vốn nhà nước, đồng thời giới thiệu tham gia Hội đồng quản trị, giữ chức Tổng giám đốc VEAM.
Bộ Công thương cho hay, ông Phan Phạm Hà (44 tuổi), có trình độ chuyên môn là cử nhân kế toán, thạc sĩ kinh tế, hiện là đại diện phần vốn nhà nước, thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE) - cũng là một doanh nghiệp thuộc chủ sở hữu là Bộ Công thương. Ông Hà đồng thời là Tổng giám đốc Công ty Cơ khí Hà Nội (HAMECO) - một đơn vị trực thuộc MIE.
Trong khi đó, theo quyết định của Bộ trưởng Công thương về quy chế quản lý người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Công thương là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước thì không kiêm nhiệm làm người đại diện ở tập đoàn, tổng công ty, công ty khác có vốn nhà nước do bộ này làm chủ sở hữu.
Tương tự, tại Nghị định 106 năm 2015 của Chính phủ về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước cũng không cho phép kiêm nhiệm đại diện ở tập đoàn, tổng công ty, công ty khác do bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh là chủ sở hữu.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 17.12 về nội dung này, một cán bộ có trách nhiệm của Bộ Công thương cho rằng “sẽ không có chuyện làm cùng lúc hai nơi” và khi làm nhiệm vụ này sẽ phải bàn giao công việc nơi kia.
Cùng ngày, kiểm tra trên webtise của MIE, ông Phan Phạm Hà không có tên trong Hội đồng quản trị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo lãnh đạo MIE, đấy là “do anh em chưa cập nhật” chứ hiện nay ông Phan Phạm Hà vẫn là người đại diện phần vốn nhà nước tại MIE và là thành viên Hội đồng quản trị.
Theo Điệu lệ của VEAM, chức danh Tổng giám đốc sẽ do Hội đồng quản trị bổ nhiệm từ một trong số các thành viên Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác làm Tổng giám đốc. Như vậy, nếu muốn ngồi vào ghế tổng giám đốc tới đây, ông Phạm Hà Phan cần phải được đại hội đồng cổ đông VEAM bầu vào Hội đồng quản trị. Hoặc khi chưa là thành viên Hội đồng quản trị, ông Phan Phạm Hà có thể đảm nhận chức Tổng giám đốc nếu được Hội đồng quản trị VEAM đồng ý ký hợp đồng thuê làm Tổng giám đốc.
Hiện nay, chiếc ghế Tổng giám đốc của VEAM vẫn do ông Ngô Văn Tuyển tạm quyền, kể từ tháng 8.2018 sau khi cựu tổng giám đốc Trần Ngọc Hà bị tạm đình chỉ và sau đó là bị bãi nhiệm.
Sau đợt thanh tra của Bộ Công thương hồi tháng 5 năm nay, ông Trần Ngọc Hà được kết luận gắn với nhiều sai phạm và các vụ việc liên quan được chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Ngày 3.8.2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét đối với ông Trần Ngọc Hà và một số nguyên lãnh đạo, lãnh đạo của VEAM.
Trong khi đó, quyền Tổng giám đốc Ngô Văn Tuyển chỉ hơn 2 tháng nữa sẽ đến tuổi nghỉ hưu. Hiện VEAM là một trong số doanh nghiệp ăn nên làm ra nhất của Bộ Công thương, trong vài năm lại đây, mỗi năm doanh nghiệp này lãi khoảng 5.000 tỉ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng năm 2019, lợi nhuận sau thuế của VEAM là hơn 5.151 tỉ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018. Ước cả năm 2019 VEAM sẽ có khoản lợi nhuận khoảng 6.000 tỉ đồng.
Bình luận (0)