Loạn app cho vay, đòi nợ xã hội đen
Chị Trần Anh (TP.HCM) mới cầu cứu đến Báo Thanh Niên vì bị công ty cho vay qua app đe dọa. Cụ thể vào đầu tháng 2, chị đăng ký vay trên app DoctorDong 1,5 triệu đồng trong vòng 7 ngày. Ngay lập tức đơn vị này trừ phí 600.000 đồng và số tiền chị nhận được chỉ còn là 900.000 đồng nhưng số tiền nợ gốc vẫn là 1,5 triệu đồng. Đến ngày trả nợ, chị Trần Anh không có đủ tiền nên quay qua vay trên app khác là Cashwagon số tiền 3 triệu đồng, thời hạn 1 tháng.
Tổng số tiền chị phải trả cho công ty này là hơn 4,1 triệu đồng. Điều đáng nói là vào đầu tháng 6, app Cashwagon bị công an vào cuộc điều tra nhưng ngày 6.6, chị Trần Anh vẫn nhận được cuộc gọi từ phía công ty hối thúc thanh toán tiền. Nhân viên của Cashwagon cho biết nếu nộp 1,32 triệu đồng sẽ được gia hạn trong 1 tuần nhưng sau đó vẫn phải đóng đầy đủ số tiền nợ 4,1 triệu đồng. Thử vay qua một app khác là idong, chị bị tính phí gia hạn trên “trời” là 3,1 triệu đồng cho số tiền nợ 9,1 triệu đồng (số tiền vay thực nhận chỉ 6 triệu đồng) trong vòng 8 ngày.
Kinh hãi nhất, theo chị Trần Anh đó là app Hitien. Do không có khả năng trả nợ số tiền đã vay là 2,5 triệu đồng (thực chất chỉ nhận 1,6 triệu đồng), chị bị công ty làm một mẩu tin có đăng hình với nội dung tố cáo lừa đảo số tiền 35 triệu đồng và gửi cho bạn bè, người thân... kêu gọi họ đóng góp mỗi người một ít cho chị trả nợ. “Tôi tức quá nói sao vay vài triệu đồng mà nay lên đến 35 triệu đồng, sao bêu rếu tôi lừa đảo, dọa người thân tôi như vậy… thì họ nói làm vậy tôi mới trả tiền. Gia đình sợ chúng làm bậy với tôi nên đã gửi tiền để tôi trả nợ”, chị Trần Anh kể.
Những app mà chị Trần Anh tham gia vay trên chỉ là con số nhỏ trong một “rừng” app hiện nay, lên đến khoảng 100 app. Việc vay tiền qua app khá đơn giản, nên có thể thực hiện thao tác trên điện thoại để giải quyết tức thời nhu cầu tiền mặt nhưng người nào dính vào rồi thì khó thoát ra được. Lúc đầu số tiền vay ít nhưng với cách tính phí cao “cắt cổ”, đòi nợ xã hội đen thì người vay không thể nào chịu nổi, số nợ ngày càng lớn.
Chẳng hạn vay 2 triệu đồng 14 ngày phí 900.000 đồng, vay 3 triệu đồng 30 ngày có phí là 1,3 triệu đồng, 6 triệu đồng 7 ngày có phí 2,6 triệu đồng...
Chặn biến tướng lừa đảo, cho vay nặng lãi
Trước thực trạng trên, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhanh chóng ban hành khung pháp lý để giám sát, ngăn chặn các rủi ro cho người dân như cho vay với lãi suất cắt cổ, lừa đảo… là chuyện tất yếu và càng sớm càng tốt.
TS Trần Hùng Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng (Trường đại học Kinh tế - Luật), phân tích nguyên tắc của cơ chế thử nghiệm (Sandbox) là sẽ có giới hạn về quy mô, giá trị, đối tượng khách hàng và thậm chí cả địa lý.
Điều này nhằm ngăn ngừa rủi ro phát sinh với hoạt động mới nếu có cũng chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Do đó, NHNN sẽ đặt ra các điều kiện kỹ thuật về quy mô, tài chính... và chỉ những doanh nghiệp nào đáp ứng được mới có thể tham gia hoạt động thử nghiệm cho vay qua app.
Đặc biệt, với cơ chế thử nghiệm dịch vụ hoàn toàn mới, NHNN có thể đưa ra một khung phù hợp về lãi suất cho vay (bao gồm các loại phí) nhưng không mâu thuẫn với các quy định hiện tại.
Trong đó các công ty cho vay sẽ chủ động đưa ra mức lãi suất phù hợp nhưng cũng không thể vượt rào. “Lãi suất và phí cho vay qua app quá cao khiến người vay mất khả năng chi trả, cũng dẫn đến hàng loạt dịch vụ cho vay qua app tại Trung Quốc bị sụp đổ thời gian qua. Đây cũng là bài học để Việt Nam đi sau thận trọng hơn và có giải pháp phù hợp trong cơ chế thử nghiệm này. Nhưng quy định cũng không nên quá cứng nhắc hay áp đặt một mức cụ thể mà để cho doanh nghiệp và thị trường tự quyết định. Trong giai đoạn thử nghiệm, khi phát hiện đơn vị nào vi phạm hoặc bị khách hàng tố cáo thì NHNN có quyền ngừng dịch vụ ngay lập tức để ngăn chặn rủi ro lan rộng”, TS Trần Hùng Sơn chia sẻ thêm.
Theo luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico - hiện ngân hàng không thể giải quyết hết được nhu cầu tài chính, vay tiền mặt gấp của người dân nên dịch vụ này là thiết yếu trong đời sống. Nhưng trên thị trường có rất nhiều ứng dụng cho vay qua app, qua mạng có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng lách luật và nhờ người trong nước làm đại diện. Từ đó phát sinh nhiều biến tướng, lừa đảo và đe dọa khách hàng không khác gì hoạt động cho vay nặng lãi. Vì vậy cần phải đặt ra các điều kiện chặt chẽ khi cấp phép thử nghiệm cung cấp dịch vụ này. Trong quá trình thử nghiệm, cơ quan nhà nước cũng phải kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thậm chí chuyển sang xử lý hình sự ngay đối với những đơn vị có dấu hiệu lừa đảo hay cho vay lãi suất “cắt cổ”.
Chưa có hành lang pháp lý dẫn đến biến tướngÔng Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Công ty NextTech, phân tích: Cho vay ngang hàng, cho vay ứng dụng qua app hiện nay chưa có hành lang pháp lý nên bị rơi vào tình trạng “tranh tối tranh sáng” khiến kẻ xấu lợi dụng làm xấu cả mô hình.
Đa phần các ứng dụng hiện nay không phải theo mô hình P2P lending, sàn kết nối giữa người đi vay và cho vay, mà các app hiện nay biến tướng, đứng ra cho vay như một công ty tài chính. Điều này là hoàn toàn vi phạm pháp luật vì không có giấy phép cho vay mà vẫn hoạt động.
|
Cả ban giám đốc sở bị nhắn tin “khủng bố” vì nhân viên nợ tiềnNgày 10.6, Công an TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) vẫn tiếp tục điều tra, đồng thời có văn bản đề nghị Sở TT-TT tỉnh Lâm Đồng làm việc với nhà mạng để “khóa” 8 số điện thoại liên tục nhắn tin “khủng bố” Ban Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng.
Theo cơ quan công an, suốt cả tuần đầu tháng 6.2020, giám đốc và các phó giám đốc của Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng liên tục bị 8 số điện thoại có đầu số 09327... nhắn tin “khủng bố” và gọi điện quấy phá gây áp lực, tác động buộc bà Đ.T.T.T, nhân viên sở này phải trả nợ và lãi vay của một công ty tài chính. Trước đó, đầu năm 2020, do khó khăn, bà T. làm thủ tục vay 50 triệu đồng.
Bà T. và đại diện công ty cho vay có đến một văn phòng công chứng trên đường Hai Bà Trưng, P.6 (TP.Đà Lạt) ký hợp đồng. Sau khi trả được 34 triệu đồng, bà T. thấy lãi suất cao bất hợp lý, nên đề nghị thỏa thuận điều chỉnh lại nhưng không được đại diện phía công ty cho vay đồng ý.
Sau đó, có số điện thoại 09327… gọi đến Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng “nhờ” tác động để bà T. trả nợ. Giám đốc sở này trả lời việc vay tiền là chuyện cá nhân bà T., sở cũng không bảo lãnh để bà T. vay tiền... Tiếp đó, có 8 số điện thoại liên tục nhắn tin vào điện thoại của cả ban giám đốc sở, đồng thời gọi vào điện thoại bàn và điện thoại di động của lãnh đạo sở suốt ngày đêm để gây rối, quấy phá. Những số điện thoại này cũng nhắn tin “khủng bố” mẹ bà T.
Sau khi tiếp nhận từ lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng 8 số điện thoại “khủng bố”, Công an TP.Đà Lạt xác minh tất cả đều là sim rác, do đó đến nay vẫn chưa xác định được người sử dụng sim rác có phải là nhân viên của phía công ty cho bà T. vay tiền hay không… Qua các biện pháp nghiệp vụ, Công an TP.Đà Lạt cho biết các số điện thoại này cũng được sử dụng để nhắn tin, gọi điện đòi nợ, “khủng bố” nhiều người thân của những con nợ khác chậm trả lãi hoặc tiền vay.
Lâm Viên
|
Bình luận (0)