Sẽ có quy định về liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu

Quý Hiên
Quý Hiên
25/08/2020 07:07 GMT+7

Hôm qua (24.8), Bộ GD-ĐT nêu quan điểm và một số giải pháp để tránh tình trạng biến tướng trong hợp tác nghiên cứu khoa học trước loạt bài trường ĐH dùng chiêu trò mua bán bài báo quốc tế mà Báo Thanh Niên đăng tải.

Theo GS Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường, Bộ GD-ĐT, quan điểm của lãnh đạo bộ này là bất cứ một hình thức biến tướng nào từ trao đổi, hợp tác trong nghiên cứu thành mua - bán các bài báo khoa học đều không thể chấp nhận trong nghiên cứu khoa học (NCKH).
GS Tạ Ngọc Đôn cho biết ngoài nhiệm vụ đào tạo nhân lực trình độ cao, sứ mệnh của trường ĐH phải là nơi sáng tạo ra tri thức mới và tri thức mới chỉ có thể tạo ra thông qua quá trình nghiên cứu.
Vì vậy, NCKH là một nhiệm vụ rất quan trọng của trường ĐH. Sự tăng nhanh các công bố quốc tế của một số cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) những năm gần đây là một dấu hiệu tốt, cho thấy mức độ hội nhập quốc tế đang được mở rộng. Tuy nhiên, trong số 235 cơ sở GDĐH, chỉ có khoảng 80 trường ĐH có nhiều công bố quốc tế, và cũng chỉ có khoảng 10 trường công bố hơn 100 bài/năm. Các trường có công bố quốc tế tốt đã góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu của mình trong hệ thống GDĐH VN.
 

Ảnh: Thế Đại

Bất cứ một hình thức biến tướng nào từ trao đổi, hợp tác trong nghiên cứu thành mua - bán các bài báo khoa học đều không thể chấp nhận trong nghiên cứu khoa học
Giáo sư TẠ NGỌC ĐÔN Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường, Bộ GD-ĐT

Không thể chấp nhận mua - bán trong NCKH

Ông nghĩ thế nào về việc có sự biến tướng từ trao đổi, hợp tác trong nghiên cứu, công bố các bài báo khoa học sang mua - bán như Báo Thanh Niên đã phản ánh thời gian gần đây?
Xu hướng các trường ĐH ở VN đẩy mạnh công bố quốc tế trong giai đoạn hiện nay là một xu thế tất yếu để phát triển và hội nhập, nhất là giai đoạn đẩy mạnh tự chủ ĐH theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Hầu hết trường ĐH đều muốn tăng cường công bố quốc tế vì đây là một tiêu chí quan trọng khi xem xét xếp hạng trường ĐH. Khi được xếp hạng thì khả năng thu hút người học và nguồn lực từ bên ngoài sẽ tốt hơn. Công bố quốc tế còn có ý nghĩa quan trọng đối với cá nhân các nhà khoa học trong trường ĐH, bởi nó có liên quan trực tiếp đến công tác khen thưởng, đến xét các danh hiệu và chức danh khoa học (GS/PGS), đến thu nhập và vị thế khoa học của mỗi người. Cả hai khía cạnh này cho thấy việc đẩy mạnh công bố quốc tế trong trường ĐH là việc làm chính đáng, cần được khuyến khích.
Những năm gần đây, một số cơ sở GDĐH VN đã có tên trong bảng xếp hạng các trường ĐH của khu vực và thế giới. Đây hầu hết đều là các trường có hoạt động NCKH tốt, có nhiều công bố khoa học trên các tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI/Scopus. Tuy nhiên, bất cứ một hình thức biến tướng nào từ trao đổi, hợp tác trong nghiên cứu thành mua - bán các bài báo khoa học đều không thể chấp nhận trong NCKH.

Sẽ có hành lang pháp lý chống gian lận trong khoa học

Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ GD-ĐT sẽ có những giải pháp như thế nào để việc hợp tác giữa các cá nhân, cơ sở GDĐH trong công bố bài báo khoa học không trở thành việc mua - bán?
Thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo các cơ sở GDĐH thực hiện nghiêm túc ba công khai, minh bạch tiềm lực khoa học công nghệ và kết quả nghiên cứu. Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ sẽ tiếp tục áp dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tin cậy để thực hiện minh bạch các kết quả nghiên cứu, nhất là bài báo quốc tế của các cơ sở GDĐH. Đồng thời, tăng cường quán triệt “đạo đức nghiên cứu” trong các cơ sở GDĐH.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đang hoàn thiện hành lang pháp lý, với chế tài đủ mạnh để các nhà khoa học và cơ sở GDĐH phải thực hiện theo các quy định chuẩn mực nhằm đảm bảo “liêm chính học thuật” khi tham gia NCKH. Bộ đang trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở GDĐH, trong đó có một khoản quy định: “Cơ sở GDĐH đảm bảo liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Quy định này yêu cầu các cơ sở GDĐH phải có trách nhiệm thực hiện chống sao chép, đạo văn, gian lận trong khoa học, mua bán công bố quốc tế.
Dự kiến sau khi nghị định được Chính phủ ban hành, Bộ sẽ xây dựng văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ các nhà khoa học, giảng viên cần phải làm gì trước khi công bố sản phẩm khoa học của mình và trách nhiệm của tác giả, trách nhiệm của cơ sở GDĐH quản lý tác giả khi để xảy ra vi phạm.
Theo ông, về lâu dài cần giải pháp căn cơ nào để tránh xảy ra các tiêu cực liên quan các công bố quốc tế?
Giải pháp căn cơ nhất là xây dựng được một hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học đầy đủ, công khai tất cả công trình nghiên cứu của tác giả VN, phân chia theo từng lĩnh vực, ngành và thậm chí theo từng chuyên ngành để mọi người có thể dễ dàng truy cập, tra cứu.
Thêm nữa, chúng ta nói nhiều đến công bố quốc tế mà chưa quan tâm đúng mức đến công bố khoa học trong nước. Năm nay, cả nước có khoảng 600 tạp chí khoa học được Hội đồng Giáo sư nhà nước quyết định tính điểm công trình từ 0,25 đến 1,25. Trong đó mới chỉ có 15 tạp chí gia nhập hệ thống trích dẫn Đông Nam Á (ACI) và thế giới (ISI/Scopus). Điều này đặt ra yêu cầu phải khẩn trương rà soát, sắp xếp lại mạng lưới tạp chí trong nước, xây dựng hệ thống trích dẫn VN (VCI) để kết nối với hệ thống trích dẫn ACI và ISI/Scopus.
Nhiệm vụ này cũng đã được dự thảo trong nghị định nêu trên và tới đây, Bộ GD-ĐT cùng Bộ Khoa học - Công nghệ và Hội đồng Giáo sư nhà nước sẽ triển khai thực hiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.