Thông tin trên được Phó chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết tại buổi tọa đàm "Chỉ số hài lòng về cuộc sống (hạnh phúc) của đoàn viên công đoàn và vấn đề đặt ra" do Viện Công nhân - công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) tổ chức chiều 3.3.
Kết quả khảo sát bước đầu của Viện Công nhân - công đoàn thực hiện trong tháng 10 - 11.2022 đối với đoàn viên công đoàn tại 16 địa phương cho thấy một số nhu cầu, nguyện vọng của công nhân lao động có tỷ lệ lựa chọn cao trên 50% như: được chăm lo bảo vệ; không bị xúc phạm danh dự, phân biệt đối xử, quấy rối tình dục; chế độ bảo hiểm; tiền lương, phụ cấp đầy đủ; điều kiện làm việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; quy chế dân chủ…
Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến cuộc sống cũng được người lao động chọn cao như: trường học, bệnh viện, nơi khám chữa bệnh thuận tiện; có đời sống văn hóa tinh thần; được gần nhà, gần gia đình…
Tuy nhiên, kết quả khảo sát một số chỉ số ở mức thấp như: thu nhập, tài sản tiền bạc tích lũy; tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm…
Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân - công đoàn, cho hay kết quả mới công bố một vài thông tin ban đầu, tới đây các dữ liệu sẽ được phân tích đầy đủ; đồng thời phương pháp, bộ công công cụ xây dựng chỉ số sẽ được hoàn thiện.
"Chúng tôi khuyến nghị công đoàn sẽ tổ chức điều tra và công bố định kỳ chỉ số hài lòng của đoàn viên công đoàn và có thể tiến tới điều tra, đo lường sự hài lòng của đoàn viên đối với hoạt động công đoàn. Kết quả được công bố rộng rãi để các cấp công đoàn vận dụng vào đổi mới hoạt động, xác định nội dung trọng tâm chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích vì hạnh phúc của người lao động", ông Tiến nói.
Không phải danh hiệu mà là mục tiêu hướng tới
Theo ý kiến của các chuyên gia, việc công bố chỉ số hạnh phúc của đoàn viên công đoàn là cần thiết, tuy nhiên công đoàn cần phân tích sâu hơn mức độ hài lòng theo từng nhóm: công chức, viên chức, người lao động, nhóm lao động trẻ, nhóm lao động cao tuổi… hoặc theo từng lĩnh vực ngành nghề. Từ đó, đưa ra các khuyến nghị chính sách cụ thể với từng nhóm.
Việc công bố điều tra sẽ chỉ ra địa phương nào có chế độ phúc lợi tốt hơn, nơi nào nợ bảo hiểm xã hội nhiều, để chính quyền địa phương quan tâm trong quản lý lao động, thu hút đầu tư…, đồng thời đưa ra các quyết sách để nâng cao đời sống cho người lao động.
Theo ông Trần Thanh Hải, việc công bố chỉ số hạnh phúc các nước trên thế giới làm từ lâu, bên cạch việc tổ chức các hoạt động, xây dựng chính sách cho người lao động, công đoàn cũng cần quan tâm đến việc làm thế nào để đoàn viên công đoàn hạnh phúc.
Ông Hải chia sẻ: "Chỉ số hạnh phúc không phải là danh hiệu mà là mục tiêu hướng tới mà tổ chức công đoàn mong muốn mang lại cho người lao động. Đã đến lúc tổ chức công đoàn lấy thông số hạnh phúc như là thước đo để cuộc sống của người lao động được tốt hơn, để họ có niềm tin về tương lai, niềm tin về xã hội tốt đẹp. Có thể tới đây công đoàn sẽ công bố chỉ số hạnh phúc định kỳ 5 năm/lần".
Bình luận (0)