Sẽ tình nguyện trường kỳ ở dự án Chợ nghĩa tình

Lê Thanh
Lê Thanh
27/09/2021 09:16 GMT+7

Ngày nào cũng vậy, khi những xe chở hàng tấp vào kho hậu cần ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM cũng là lúc tình nguyện viên của dự án Chợ nghĩa tình bắt đầu xắn tay áo, tất bật ngày đêm với công việc vì cộng đồng...

Chị Thái Thị Hoài Sơn, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên (Thành đoàn TP.HCM), người phụ trách “Chợ nghĩa tình”, cho biết: “Có thể nói đây chính là điểm trung chuyển quà tặng lớn nhất cho bà con khó khăn mùa Covid-19 của toàn thành phố”.
Theo chị Thái Thị Hoài Sơn, đa số tình nguyện viên đang làm công việc hậu cần ở Chợ nghĩa tình đều là những người trẻ lần đầu chạm ngõ công việc tình nguyện.
“Các bạn chưa chịu cực chịu khổ bao giờ. Vậy mà với cái tâm vì cộng đồng họ đã vượt qua thiếu thốn thường trực để hoàn thành tốt công việc. Thấy rất thương nhiều bạn mắt chẳng còn linh hoạt vì thiếu ngủ, nhiều bạn chưa ngủ đủ giấc suốt cả vài tháng qua. Có bạn thật sự mất sức vì làm công việc nặng nhọc suốt cả thời gian dài. Vậy mà tất cả thành viên ở đây luôn lăn lộn với đủ mọi công việc, từ bốc vác đến gói hàng, việc gì cũng xắn tay cùng nhau làm”, chị Hoài Sơn kể.
Gần 18 giờ, khi những phần quà đóng gói sẵn và được xe của các quận, phường đến nhận, các tình nguyện viên như: Duy, Huy, Tú... mới yên tâm chạy xe máy ra về. Nhưng Duy nói với tôi: “Điện thoại em lúc nào cũng để chuông to hết cỡ. Vì có thể đang trên đường về mà xe hàng đến thì tụi em... quay xe để trở lại đây. Nói chung lúc nào tụi em cũng trong tư thế sẵn sàng 24/24. Được điều động lúc nào là tụi em có mặt ngay lúc đó”.
Trong khi đó, Nguyễn Trường Giang, cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết khi biết nơi ở của mình bên Q.10 bị phong tỏa thì mình quyết định “đóng đô” luôn ở Chợ nghĩa tình.
“Có thể ở nhà thì sướng hơn, được ăn ngủ đầy đủ, được giải trí, xem phim... Còn ở đây thiếu thốn tứ bề. Nhưng mình chọn ở lại để hỗ trợ mọi người nhiều hơn. Bởi hiện nay, những ca nhiễm, những vùng phong tỏa vẫn còn, nên công việc vẫn còn nhiều. Mình thương bà con nên cứ cố gắng”, Giang tâm sự rồi tranh thủ giấc ngủ tạm bợ trên những miếng giấy carton.
Còn Võ Văn Kiên, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, tâm sự rằng không những riêng bản thân, mà tất cả các tình nguyện viên của Chợ nghĩa tình đều sẵn sàng với tâm lý “tình nguyện trường kỳ”. Vì ai nấy đều hiểu cuộc chiến với dịch Covid-19 còn cam go.
“Còn dịch bệnh, thì tụi mình còn làm ở đây để phụ trách công tác hậu cần. Chẳng có mệt mỏi gì cả, được đóng góp sức mình cho cộng đồng đó là niềm hạnh phúc. Tụi mình hay động viên nhau cùng cố lên, bởi còn may mắn hơn biết bao nhiêu người đang nhiễm bệnh, đỡ hơn biết bao người đang phải cách ly, sống ở những nơi phong tỏa”...
Theo chị Thái Thị Hoài Sơn, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên (Thành đoàn TP.HCM), dự án Chợ nghĩa tình do Sở Công thương và Thành đoàn TP.HCM khởi xướng, chính thức đi vào hoạt động ngày 22.6. Tính đến thời điểm hiện tại đã hỗ trợ lương thực thực phẩm, rau củ quả và các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết cho hơn 53.000 người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 với tổng kinh phí hơn 9,5 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.