Siết chặt khai thác tài sản công tại Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình

13/10/2022 08:43 GMT+7

Để Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình không còn mắc những sai phạm về quản lý tài sản công, Bộ VH-TT-DL dự kiến sớm trình cơ quan có thẩm quyền kế hoạch về việc kinh doanh và cho thuê tại đơn vị này.

Cơ quan chủ quản mắc khuyết điểm

Hiện tại vẫn chưa có kết luận của cơ quan điều tra về một số vụ việc sai phạm tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (khu liên hợp) nhưng ngành thể thao thời gian qua cũng đã triển khai những yêu cầu của Thanh tra Chính phủ được nêu trong kết luận liên quan đến quản lý, khai thác tài sản công của khu liên hợp. Trong đó có việc tiến hành triệu tập ông Cấn Văn Nghĩa, nguyên giám đốc khu liên hợp, để làm rõ hơn những chỉ đạo của ông này khi còn đương chức, dẫn đến một số vi phạm, sai phạm có dấu hiệu bất thường. Ông Cấn Văn Nghĩa sẽ phải nhận hình thức xử lý nghiêm khắc và Bộ VH-TT-DL sẽ có báo cáo Thanh tra Chính phủ về vấn đề này.

Ngoài ra, Bộ VH-TT-DL cũng sẽ quản lý và kiểm soát chặt hơn các hoạt động liên quan đến kinh doanh và cho thuê tại khu liên hợp. Xin được nhắc lại, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, giai đoạn 2014 - 2018, Bộ VH-TT-DL là cơ quan chủ quản, vừa là cơ quan quyết định việc cho thuê tài sản nhà nước, tài sản công ở khu liên hợp nhưng lại có hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm trong công tác quản lý khu liên hợp. Thời điểm này, Bộ VH-TT-DL đã ban hành một số văn bản thể hiện sự ủng hộ, chấp thuận chủ trương cho khu liên hợp khai thác quỹ đất nhưng trong văn bản, bộ này đã không chỉ đạo, không yêu cầu khu liên hợp thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuê đất, nghĩa vụ khi sử dụng đất đối với việc khai thác quỹ đất. Ngoài ra, ngành thể thao cũng đã từng không kiểm soát được việc khu liên hợp cho doanh nghiệp thuê mặt bằng nhưng sau đó doanh nghiệp này lại cho bên thứ 3 thuê lại, như vậy là vi phạm quy định về luật Đất đai.

Khu liên hợp thể thao quốc gia được phép trực tiếp tổ chức kinh doanh bơi và dịch vụ kèm theo tại Cung thể thao dưới nước

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Trước năm 2009, khu liên hợp đã thực hiện việc cho thuê mặt bằng các khu đất. Khu liên hợp được tạm giao quản lý các khu đất đã đền bù giải phóng mặt bằng đang chờ thực hiện dự án nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chính thức giao đất hay cho thuê đất. Tuy nhiên, giai đoạn 2009 - 2018, lãnh đạo khu liên hợp thời kỳ này đã ký tổng số 202 hợp đồng và 68 phụ lục hợp đồng cho thuê mặt bằng các khu đất với khoảng 42 doanh nghiệp. Khu liên hợp đã sử dụng đất để cho các cá nhân, doanh nghiệp thuê mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, văn phòng phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh dưới hình thức hợp đồng cho thuê mặt bằng có thời gian 3 tháng, 6 tháng, 1 năm nhưng bản chất là cho thuê mặt bằng dài hạn. Quá trình sử dụng đất (là tài sản nhà nước, tài sản công) để cho thuê mặt bằng có rất nhiều sai phạm, vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, tài sản công, quản lý thuế.

Giá cho thuê không được thấp hơn giá thị trường

Bộ VH-TT-DL sẽ đề nghị với các cơ quan có thẩm quyền về việc sẽ chỉ đạo khu liên hợp về việc không kinh doanh, cho thuê ngoài phạm vi Cung thể thao dưới nước và sân Mỹ Đình. Trong trường hợp có nhu cầu thực tế cần bổ sung, điều chỉnh, đơn vị cần báo cáo kịp thời Tổng cục TDTT để trình Bộ VH-TT-DL xem xét. Một lãnh đạo ngành thể thao cho biết: “Khu liên hợp sẽ không được phép kinh doanh, cho thuê các hoạt động không phù hợp với chức năng nhiệm vụ; không đảm bảo được cảnh quan, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, an toàn, phòng chống cháy, nổ. Biển giới thiệu hoạt động kinh doanh, cho thuê (nếu có) phải gắn với giới thiệu chung của đơn vị. Nội dung thông tin giới thiệu phải được phép theo quy định của pháp luật”.

Đáng lưu ý, trước đây, nhiều mặt bằng đã được lãnh đạo khu liên hợp cho thuê với giá thấp hơn giá thị trường, dẫn đến việc có dấu hiệu nhà nước bị thất thu. Do đó, Bộ VH-TT-DL yêu cầu giá kinh doanh, cho thuê tại khu liên hợp phải thực hiện theo điều 43, 45 và 46 của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, giá kinh doanh cho thuê phải phù hợp với giá cho thuê phổ biến tại thị trường địa phương của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ. Việc cho thuê tài sản phải được lập thành hợp đồng theo quy định của pháp luật và đầy đủ nội dung theo yêu cầu của Bộ VH-TT-DL.

Định kỳ 1 năm thực hiện hợp đồng cho thuê, khu liên hợp thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định lại giá cho thuê tài sản. Trong trường hợp giá cho thuê tài sản không còn phù hợp với giá cho thuê phổ biến tại thị trường địa phương của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ, khu liên hợp có trách nhiệm thực hiện việc đấu giá để xác định lại giá cho thuê tài sản. Các khoản thu từ hoạt động kinh doanh, cho thuê phải nộp và hạch toán trên sổ sách kế toán của khu liên hợp. Khu liên hợp quản lý số tiền thu được từ kinh doanh, cho thuê theo đúng quy định của Chính phủ và phải giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, cho thuê. Phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, đảm bảo không để xảy ra việc cho thuê lại và các hành vi vi phạm khác (nếu có).

Bộ VH-TT-DL yêu cầu khu liên hợp bổ sung Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị. Giám đốc khu liên hợp quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của từng bộ phận, cá nhân có liên quan đến việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê. Khu liên hợp phải thực hiện công khai tài sản công tại đơn vị và báo cáo tình hình sử dụng tài sản công vào kinh doanh, cho thuê định kỳ hằng năm theo yêu cầu của Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT-DL.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.